Chỉ số triglyceride, cholesterol trong xét nghiệm máu có ý nghĩa gì?

Hỏi

Tôi đi xét nghiệm máu ngày 19/1/2020, các chỉ số như Cholesterol: 4.78; Triglycerid: 2.4; HDL-cho: 1.24; LDL-cho: 2.45. Ngày 06/5/2020, tôi có đi xét nghiệm lại (cũng tại cơ sở xét nghiệm lần trước), các chỉ số xét nghiệm lần trước tăng đột biến làm tôi rất sợ. Cụ thể: Cholesterol: 7.39; Triglycerid: 8.4; HDL-cho: 0.5; LDL-cho: 5.51. Tuy nhiên, trước lần xét nghiệm ngày 06/5/2020 tôi có đi nhậu thường xuyên (nguyên cả tuần trước khi đi xét nghiệm). Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi chỉ số triglyceride, cholesterol trong xét nghiệm máu có ý nghĩa gì? Xin chân thành cảm ơn.

Ngô Đức Phúc (1975)

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi: “Chỉ số triglyceride, cholesterol trong xét nghiệm máu có ý nghĩa gì?”. Bác sĩ xin giải đáp như sau:

Lipid máu hay còn được gọi nôm na là “mỡ máu”, là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Các loại thành phần chính của lipid máu bao gồm: triglyceride, cholesterol, HDL-cholesterol và LDL-cholesterol.

Cholesterol là một chất quan trọng có mặt ở nhiều cơ quan, bộ phận cơ thể cũng như trong các hormone của cơ thể, giúp cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường khỏe mạnh. Cholesterol có từ hai nguồn: do cơ thể tự tổng hợp và từ thức ăn. Nguồn từ cơ thể (tổng hợp từ gan và các cơ quan khác) chiếm khoảng 75% tổng số lượng cholesterol trong máu, còn lại từ nguồn thức ăn (chủ yếu nguồn gốc từ động vật).

Có hai loại cholesterol chính là HDL-c và LDL-c. HDL - Cholesterol (được coi là cholesterol tốt) chiếm khoảng 1/4- 1/3 tổng số cholesterol trong máu. HDL - c vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan và vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu, giúp làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác. Những nguy cơ làm giảm HDL là hút thuốc lá, thừa cân/béo phì, lười vận động...Do vậy, để làm tăng HDL cần bỏ thuốc lá, giữ cân nặng hợp lý, tăng cường tập thể dục.

LDL – Cholesterol (được coi là cholesterol xấu) khi nó tăng nhiều trong máu dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này được hình thành dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu hoặc có thể vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não.

LDL cholesterol được coi là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi khi điều trị. LDL tăng có thể liên quan đến yếu tố gia đình, chế độ ăn, các thói quen có hại như hút thuốc lá/lười vận động hoặc liên quan các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường...Nếu loại xấu tăng nhiều quá hoặc mất cân đối giữa hai loại dẫn đến nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...

HDL và LDL Cholesterol
HDL-c và LDL-c có sự ảnh hưởng đến cơ thể của người bệnh

Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể. Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu...Những người có triglycerides trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (tốt).

Hiện nay, các nhà khoa học cho thấy việc tăng triglyceride trong máu cũng có thể liên quan đến các biến cố tim mạch. Các xét nghiệm trên nên được làm khi đói (cách bữa ăn trước ít nhất 12 giờ, bao gồm cả đồ uống có năng lượng).

Giá trị bình thường chỉ số Cholesterol:

  • Cholesterol toàn phần < 5,1 mmol/L: Nồng độ lý tưởng và nguy cơ bệnh động mạch vành thấp. Cholesterol 5,1 – 6,2 mmol/L: Mức ranh giới, cần chú ý
  • Cholesterol ≥ 6,2 mmol/L: Tăng cholesterol máu, có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp hai lần người bình thường.
  • HDL-c < 1,0 mmol/L với nam giới và <1,3 mmol/L đối với nữ giới: HDL cholesterol thấp, đây là một trong các nguy cơ chính của bệnh tim mạch
  • HDL-c > 1,5 mmol/L: tốt, giúp bảo vệ cơ thể trước các nguy cơ tim mạch
  • LDL Cholesterol LDL – c <2,6 mmol/L: Rất tốt
  • LDL – c: 2,6 – 3,3 mmol/L: Tốt
  • LDL – c: 3,3 – 4,1 mmol/L: Tăng giới hạn
  • LDL – c: 4,1 – 4,9 mmol/L: Nguy cơ cao
  • LDL – c: 4,9 mmol/L: Nguy cơ rất cao

Giá trị bình thường của chỉ số Triglyceride:

  • Triglyceride < 1,7 mmol/L: Bình thường
  • Triglyceride 1,7 – 2,2 mmol/L: Tăng giới hạn
  • Triglyceride 2,2 – 5,6 mmol/L: Tăng
  • Triglyceride ≥ 5,6 mmol/L: Rất tăng

Trường hợp của anh vừa có tăng triglyceride, cholesterol và LDL-c; vừa có giảm HDL-c nghĩa là anh có nguy cơ rất cao bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, anh vẫn có thể khống chế được lượng cholesterol trong máu và giảm được các yếu tố nguy cơ. Việc khống chế, điều trị rối loạn lipid máu là một quá trình liên tục, suốt đời với mục tiêu ngăn ngừa tối đa các biến cố tim mạch.

Anh cần được khám, theo dõi và hướng dẫn điều trị bởi một bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ sẽ đưa anh những lời khuyên thiết thực nhất. Sau đây là những khuyến cáo anh có thể tham khảo:

  • Thay đổi lối sống: Chế độ ăn uống khỏe mạnh, hợp lý
  • Tập thể dục đều đặn
  • Loại bỏ các thói quen có hại: hút thuốc lá, uống nhiều rượu...
  • Giảm cân nặng nếu thừa cân/béo phì
  • Tránh lối sống tĩnh tại
  • Tránh căng thẳng

NÊN ĂN: nhiều rau, hoa quả (nhiều lần trong ngày); các loại ngũ cốc thay đổi và chế biến thô (bánh mì đen, gạo thô...); Đậu và Các loại hạt ; Dầu thực vật nhiều chất béo không bão hòa: dầu oliu...

HẠN CHẾ: Mỡ động vật; Sữa , bơ, format và các đồ ăn chế biến từ chúng; Lòng đỏ trứng; Thịt nuôi công nghiệp; Phủ tạng động vật (gan, thận, óc, lá lách...); Các loại đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất béo: xúc xích, salami...;Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ...;Bơ thực vật; Các đồ ăn chiên rán sẵn, đồ ăn nhanh (bao gồm cả mì ăn liền)...

Được giải đáp bởi Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: