Liệt chi: Làm thế nào để phục hồi chức năng?

Hỏi:

Cháu bị té xe, liệt giường 4 tháng, trí nhớ bình thường. 6 tháng đầu tay phải cử động được, 6 tháng sau tay trái cử động được. Tới nay gần 4 năm, tay phải đã bình thường, còn tay trái hơi yếu, chân thì chưa thể tự co hay nhấc lên được. Vậy cháu phải làm sao để có thể đi lại bình thường được ạ?

Ngô Văn Đức (2000)

Trả lời:

Để trả lời câu hỏi này của bạn, trước tiên bạn cần cung cấp 1 số thông tin cần thiết như: Chẩn đoán của bác sĩ khám cho bạn ở thời điểm bạn bị chấn thương cách đây 4 năm là gì?

Theo như bạn mô tả thì tình trạng yếu, liệt tay chân xảy ra sau chấn thương (té xe) như vậy thường do 2 nguyên nhân: Tổn thương não hoặc tổn thương cột sống.

Cả hai nguyên nhân trên đều dẫn đến tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của chi thể dẫn đến hạn chế, mất 1 phần (yếu) hoặc hoàn toàn (liệt) vận động của chi thể do thần kinh đó chi phối. Tùy theo dạng tổn thương xuất phát ở não hay tủy sống mà dẫn đến các dạng liệt khác nhau, như:

  • Liệt một chi: Liệt một chi thường ngắn hạn, đặc biệt khi người bệnh chịu hậu quả của đột quỵ hoặc tổn thương não, tại vị trí các dây thần kinh bị ảnh hưởng nhưng tránh được việc bị cắt đứt hoàn toàn. Chức năng của chi bị liệt có thể được khôi phục nhờ liệu pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

  • Liệt nửa người: Dạng liệt này xảy ra do tổn thương não, có thể là do bẩm sinh hoặc bệnh lý mắc phải. Người bệnh bị dạng liệt này thường không thể cử động một cánh tay, một chân và nửa bên mặt của cùng một bên với mức độ khác nhau. Nhiều người trải qua một số giai đoạn của liệt nửa người, bắt đầu bằng cảm giác châm chích, đến nhược cơ và sau đó leo thang đến tê liệt hoàn toàn. Cánh tay thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn chân và mặt, mặc dù vậy, người bệnh vẫn có thể tập đi lại bình thường được dù bị liệt một tay. Và cũng tương tự liệt một chi, mức độ nghiêm trọng của dạng liệt này có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác và phụ thuộc nhiều vào lối sống.
  • Liệt chi dưới: Dạng liệt này xảy ra với phần chi dưới, từ eo trở xuống, gồm chân, hông và cả những chức năng như sinh lý và bài tiết. Mỗi bệnh nhân lại có cảm nhận về chứng liệt này khác nhau. Dù các liệu pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tích cực có thể tăng cường sức mạnh cơ bắp và liên kết thần kinh, nhưng thường thì rất khó để người bệnh hồi phục từ chứng liệt chi dưới. Nguyên nhân thường thấy nhất của liệt chi dưới là tổn thương tuỷ sống, làm ảnh hưởng đến chức năng nhận và gửi tín hiệu thần kinh từ vùng dưới vị trí tổn thương.
Liệt hai chi dưới
Tình trạng liệt chi dưới gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh

  • Liệt tứ chi: Đôi khi còn được gọi là tứ chi bất toại, dạng liệt này bắt đầu từ cổ trở xuống, hầu hết bao gồm tay chân và thân mình. Và cũng giống các dạng liệt khác, mỗi người bệnh có mức độ mất chức năng khác nhau. Liệt tứ chi đôi khi chỉ xảy ra tạm thời sau khi người bệnh bị chấn thương não hoặc đột quỵ và cơ thể người bệnh tự nhiên lấy lại một số chức năng trong quá trình phục hồi. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân phải trải qua điều trị vật lý trị liệu chuyên sâu và cường độ cao. Tương tự liệt chi dưới, nguyên nhân hàng đầu gây liệt tứ chi là chấn thương khi chơi thể thao như bóng đá, tai nạn giao thông và ẩu đả.

Chứng liệt có thể xảy ra theo vô số cách khác nhau và mỗi người bệnh sẽ có phản ứng và đáp ứng điều trị hơi bất đồng. Ngoài ra còn có thể gặp các di chứng khác kèm theo tình trạng liệt tay chân như:

  • Liệt mặt
  • Mất cảm giác ở cơ mặt, tay chân, cơ thể
  • Rối loạn cơ tròn: Đại tiện và tiểu tiện không tự chủ
  • Mất hoặc thay đổi các giác quan khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác
  • Khó nuốt, nói khó
  • Giảm hoặc mất khả năng tập trung, ghi nhớ, lý luận, học tập và làm việc
  • Khó khăn khi phát âm và giao tiếp
  • Đau đầu, mất ngủ
  • Hay stress, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, nổi nóng, trầm cảm,...

Tùy theo tổn thương và các triệu chứng khác nhau sẽ có phương thức điều trị khác nhau. Vì vậy bạn cần tới khám bác sĩ càng sớm càng tốt vì bệnh tình cũng kéo dài 4 năm rồi, càng để lâu khả năng phục hồi chi liệt càng ít.

Kết quả điều trị phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của bệnh nhân và gia đình (nghĩa là bệnh nhân phải kiên trì tập luyện, tin tưởng là bệnh sẽ khỏi, gia đình động viên để thoải mái về tâm lý song song với sự đồng hành, hỗ trợ của thầy thuốc (chủ yếu là Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng).

Được giải đáp bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan