Bệnh giãn phế quản có lây không?

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Giãn phế quản là tình trạng các phế quản phổi bị giãn ra và rất khó hồi phục được. Cùng với ung thư phổi và lao phổi, giãn phế quản là bệnh lý về phổi có thể đe dọa tính mạng con người.

1. Bệnh giãn phế quản có nguy hiểm không?

Giãn phế quản là bệnh mà phế quản bị viêm, nhiễm trùng dẫn đến phá hủy tổ chức chống đỡ của phế quản như lớp cơ trơn và lớp sụn khiến phế quản bị giãn và không hồi phục. Cấu trúc của thành phế quản bị phá hủy và thay thế bằng tổ chức xơ khiến thành phế quản dày lên, lòng phế quản hẹp lại. Cùng lúc đó, phế quản bị viêm mạn tính, hệ thống lông chuyển bị phá hủy, đờm nhầy bị tăng tiết quá mức... dẫn đến hàng loạt các triệu chứng và biến chứng quan trọng trên phổi và toàn thân.

Trong những trường hợp rất nặng, sự giãn nở đường thở xảy ra ở cả hai phổi, ảnh hưởng lớn đến sự hô hấp. Ngoài ra, sự giãn nở này còn gây khó khăn cho việc đưa những chất tiết (đờm, chất nhầy) từ đường hô hấp dưới lên trên và đi ra ngoài. Những chất tiết dính này là nơi cư trú lý tưởng cho sự sống và phát triển của nhiều loại vi khuẩn. Điều này dẫn đến nhiễm khuẩn, gây hại thêm đường hô hấp và làm giãn phế quản nặng hơn. Chính vì thế đây là một vòng luẩn quẩn của bệnh giãn phế quản. Cũng giống như các bệnh về phổi khác, giãn phế quản chiếm tỷ lệ người mắc phải khá cao.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh giãn phế quản có thể gây ổ giãn phế quản lan rộng hơn, bội nhiễm tái phát, áp xe phổi, mủ phổi, khí phế thũng, ho lẫn máu, ộc ra máu gây tắc nghẽn đường thở, suy tim trầm trọng làm người bệnh khó thở và dẫn tới tử vong nhanh.

Giãn phế quản
Giãn phế quản là tình trạng giãn không hồi phục một phần cây phế quản

2. Cách nhận biết giãn phế quản

Các triệu chứng thường gặp của giãn phế quản là:

  • Ho: người bệnh có thể ho khan hay ho có đàm. Ho có đàm, gặp ở 80% bệnh nhân bị giãn phế quản, họ thường khạc đờm nhiều nhất vào buổi sáng, hay có khi khạc đờm rải đều trong ngày. Lượng đờm nhiều ít tùy từng bệnh nhân, thường khạc đờm: từ 20-100 ml/ngày.
  • Ho tái phát thỉnh thoảng kèm ho ra máu. Ho ra máu là biến chứng cuối cùng của 50% giãn phế quản. Ho ra máu thường xảy ra sau tình trạng nhiễm trùng nặng và có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm.
  • Đau ngực có thể là triệu chứng nổi bật gợp ý nhiễm trùng hô hấp tái phát.
  • Khó thở, khò khè thường gặp ở bệnh nhân giai đoạn nặng. Phế quản người bệnh bị hẹp, mất khả năng co dãn và có 1 lượng lớn đàm trong đường dẫn khí khiến không khí lưu thông khó hơn.

Mặc dù giãn phế quản không thể hồi phục được, nhưng nó có thể điều trị được để giảm triệu chứng, hạn chế sự tiến triển của các triệu chứng và giúp ngăn chặn vòng luẩn quẩn của việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại.

3. Bệnh giãn phế quản có lây không?

Bạn bị bệnh giãn phế quản và bạn lo lắng nó sẽ lây nhiễm cho những người xung quanh bạn? Hay bạn đang lo sợ bị lây nhiễm giãn phế quản từ ai đó? Và bạn đang muốn tìm kiếm một câu trả lời chính thức cho vấn đề này?

Câu trả lời có thể là “Có” hoặc “Không” bởi nó phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên bệnh giãn phế quản.

  • Nếu bạn bị giãn phế quản bẩm sinh (do phổi ngoại vi phát triển kém) hay di truyền thì bệnh sẽ không lây nhiễm nhưng lại có thể di truyền.
  • Bệnh cũng không lây nếu bạn tiếp xúc với hơi hóa chất độc hại hoặc hóa chất lọt vào đường thở gây tổn thương mòn, giãn phế quản; hay khi các u, dị vật chèn ép phế quản, làm phế quản dưới chỗ chít hẹp phải tăng áp lực thường xuyên khiến bạn bị giãn phế quản. Tuy nhiên, các trường hợp này thường xuất hiện bội nhiễm nên bệnh giãn phế quản của bạn có thể lây lan cho người khác.
  • Còn nếu bệnh giãn phế quản của bạn hình thành sau quá trình viêm hoại tử phế quản, thường là do nhiễm trùng phế quản hoặc phổi tái diễn, như bệnh sởi, ho gà và cúm,...câu trả lời sẽ là “có” cho câu hỏi bệnh giãn phế quản có lây không.

Như vậy, nguyên nhân giãn phế quản của bạn là di truyền và bẩm sinh không có nhiễm trùng thì sẽ không lây. Còn nếu nguyên nhân từ virut thì bệnh có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp.

4. Phòng bệnh giãn phế quản

Tiêm
Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cảm cúm

Khi đã mắc bệnh giãn phế quản thì việc điều trị khá tốn kém và phức tạp, vì vậy cần dự phòng để tránh mắc bệnh là rất cần thiết.

Trước hết cần tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cảm cúm, vì khi bị cảm cúm, sức đề kháng của cơ thể giảm sẽ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng và đường hô hấp mà hậu quả là bị giãn phế quản. Đối với trẻ em, cần được tiêm phòng đầy đủ các mũi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh: Lao, sởi, bạch hầu, ho gà bởi nếu trẻ mắc các bệnh này rất dễ bị giãn phế quản lúc trưởng thành.

Khi bị các bệnh bẩm sinh hay mắc phải như: Polyp phế quản, dị vật đường thở, khối u lành tính hoặc ác tính ở phổi, lao sơ nhiễm, áp xe phổi, viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn tính, nhiễm khuẩn tai mũi họng... cần phải điều trị dứt điểm, có như thế mới tránh di chứng là nguyên nhân gây giãn phế quản sau này.

Nên cẩn trọng khi tới những nơi đông người, vì không chỉ là giãn phế quản, cũng có thể lây nhiễm những mầm bệnh khác, nhất là trong mùa dịch bệnh.

Hãy sử dụng khẩu trang y tế khi chăm sóc người bệnh giãn phế quản, hoặc tới những nơi công cộng.

Đối với những người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với hóa chất dễ bay hơi cần phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như đeo khẩu trang, đeo kính hoặc mặt nạ phòng độc.

Vệ sinh răng miệng hàng ngày, để tránh lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp, ngăn chặn hậu quả giãn phế quản.

Giữ ấm cơ thể, tránh để nhiễm lạnh, phòng ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, ẩm thấp...

Tăng cường dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày nhằm tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Tránh uống các loại nước có ga, rượu bia, cà phê, thuốc lá...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan