Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh viêm màng não mô cầu không phải là bệnh hiếm gặp, tuy vậy không có nhiều người biết đến căn bệnh này. Vậy viêm màng não do não mô cầu là bệnh gì? Biểu hiện bệnh ra sao, có phương pháp nào phòng tránh bệnh?

1. Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?

Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh xuất hiện tái phát trong năm, tuy nhiên có thể thành dịch vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc là: 2.3/100.000 dân.

Não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C, và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A thường gặp nhất ở nước ta. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như: W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn gây bệnh nặng.

Bệnh viêm màng não mô cầu hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85 - 95%.

Não mô cầu
Não mô cầu Neisseria meningitidis

2. Triệu chứng khi mắc bệnh viêm màng não mô cầu là gì?

Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do đó các triệu chứng của bệnh xuất hiện đột ngột, bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Cổ cứng.
  • Có thể lơ mơ hoặc hôn mê.
  • Xuất hiện tử ban điển hình: Xảy ra 1-2 ngày sau sốt, lúc đầu dạng chấm sau đó lan nhanh như hình bản đồ hay dạng bọng nước, kích thước 1-2mm đến vài cm. Tử ban có màu đỏ thẫm hoặc tím thẩm, bờ không đều, bề mặt phẳng đôi khi có hoại từ ở trung tâm, thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới.

Ở những địa phương có bệnh lưu hành, số người nhiễm não mô cầu mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm 5 - 10%, là nguồn lây truyền rất quan trọng trong cộng đồng.

>>> Viêm màng não mô cầu: Bệnh truyền nhiễm đe dọa tính mạng trẻ khỏe mạnh chỉ trong 24 giờ

Viêm màng não mô cầu1
Dấu hiệu bệnh viêm màng não mô cầu

3. Làm thế nào để phòng bệnh viêm màng não mô cầu?

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn và trẻ em cần:

  • Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là địa phương có bệnh lưu hành, để người dân hiểu và phát hiện sớm bệnh, tiến hành cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.
  • Giữ vệ sinh nơi ở, giữ vệ sinh môi trường; nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.
  • Địa điểm ổ dịch cũ phải giám sát, phát hiện ngay các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người lân cận nếu có điều kiện, để tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
  • Bệnh nhân cần được điều trị triệt để tại cơ sở y tế. Người tiếp xúc với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.
  • Não mô cầu nhóm A hay gặp ở Việt Nam nhưng chưa có vaccine, do đó nên áp dụng biện pháp giám sát dịch tễ học nghiêm ngặt.

Nếu có biểu hiện mắc bệnh viêm màng não mô cầu, cần đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm màng não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, có khả năng năng trở thành bệnh dịch vì nó lây truyền qua đường hô hấp. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyên nên tiêm vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu tuýp B,C dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên và người lớn dưới 45 tuổi hoặc vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 bắt đầu 9 tháng trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

144.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan