Biến chứng và phục hồi chức năng ở bệnh nhân chùm đuôi ngựa

Hội chứng chùm đuôi ngựa là một trong những bệnh lý nguy hiểm, đặc trưng bởi tình trạng đau lưng dữ dội. Nếu không điều trị kịp thời, biến chứng bệnh đuôi ngựa có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Tổng quan về hội chứng chùm đuôi ngựa

Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) xảy ra khi các rễ thần kinh ở tận cùng của tủy sống, còn gọi là đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép. Bệnh ảnh hưởng chức năng vận động, cảm giác của hai chi dưới và bàng quang, trực tràng. Nguyên nhân gây bệnh bao gồm thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (hay gặp nhất), hẹp ống sống, u dây thần kinh vùng đuôi ngựa, u ống nội tủy vùng đuôi ngựa...

2. Triệu chứng và biến chứng của hội chứng chùm đuôi ngựa

Triệu chứng của hội chứng chùm đuôi ngựa bao gồm:

  • Đau dữ dội vùng thắt lưng.
  • Yếu liệt cơ, mất cảm giác, mất phản xạ hoặc đau một hoặc cả hai chân.
  • Rối loạn chức năng bàng quang mới xuất hiện (như bí tiểu hoặc tiểu khó).
  • Đại tiểu tiện không tự chủ mới xuất hiện.
  • Rối loạn cảm giác của bàng quang hoặc trực tràng.
  • Rối loạn chức năng sinh dục mới xuất hiện.

Biến chứng của bệnh đuôi ngựa có thể gặp là:

  • Liệt 2 chi dưới kèm mất cảm giác, phản xạ.
  • Đại tiểu tiện không tự chủ, mất kiểm soát.
  • Rối loạn sinh dục như giảm ham muốn hoặc rối loạn cương dương.
Chùm đuôi ngựa
Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) xảy ra khi đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép

3. Điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa

Khi được chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa và xác định nguyên nhân, phẫu thuật khẩn cấp là điều trị thường được lựa chọn. Thời gian vàng để phẫu thuật là 48 giờ từ khi xuất hiện hội chứng, khi đó các khiếm khuyết thần kinh của 2 chi dưới cũng như bàng quang, trực tràng sẽ được cải thiện hoàn toàn. Do đó, khi có bất cứ triệu chứng nào trong các triệu chứng nêu trên thì bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt.

Sau điều trị, chức năng bàng quang, trực tràng sẽ phục hồi sau các vận động của chi dưới, thường chức năng đại tiểu tiện cần nhiều năm sau phẫu thuật mới phục hồi. Do đó, các biện pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật ở hội chứng chùm đuôi ngựa là rất quan trọng và cần thiết.

4. Các biện pháp phục hồi chức năng ở hội chứng chùm đuôi ngựa

4.1 Chức năng vận động 2 chi dưới

Vận động trị liệu bao gồm các bài tập vận động dựa vào đánh giá sức cơ, tầm vận động khớp nhằm cải thiện lực cơ, giới hạn vận động khớp và tăng cường các hoạt động chức năng. Ngoài ra, còn có các bài tập huấn luyện khả năng di chuyển của bệnh nhân. Dụng cụ chỉnh trục sau phẫu thuật bằng nẹp cẳng bàn chân (AFO) sẽ hỗ trợ di chuyển cũng như dáng đi.

4.2 Chức năng của bàng quang

Việc điều trị các rối loạn bàng quang thần kinh chủ yếu dựa trên kết quả đo niệu động học với các mục tiêu như: làm bàng quang rỗng thường xuyên và hoàn toàn không ứ đọng nước tiểu, giúp bệnh nhân kiểm soát được vấn đề tiểu tiện, tránh các biến chứng nhiễm trùng tiết niệu và không gây trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận. Các biện pháp phục hồi chức năng bao gồm:

  • Thực hiện các bài tập cơ đáy chậu, cơ thành bụng
  • Thông tiểu cho bệnh nhân bằng cách đặt sonde tiểu lưu hoặc đặt cách quãng.
Đặt sonde tiểu lưu
Đặt sonde tiểu lưu, giúp tránh tình trạng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận

4.3 Chức năng của trực tràng

Mục tiêu của các biện pháp này là tạo được thói quen hoạt động hằng ngày của đường ruột và không kém phần quan trọng là hạn chế tối thiểu các tổn thương thứ cấp của đường ruột như bệnh trĩ, nứt hậu môn... Các biện pháp phục hồi chức năng bao gồm chế độ ăn uống, tập luyện và hoạt động đại tiện một cách điều độ:

  • Tập cho đường ruột hoạt động ở một thời điểm nhất định trong ngày hoặc cách ngày.
  • Chế độ dinh dưỡng nên chọn các loại thức ăn phù hợp với người bệnh.
  • Nên cho bệnh nhân ngồi bô hoặc bồn cầu, nếu không ngồi được cho nằm nghiêng trái để phân đặc lại.

4.3 Chức năng sinh dục

Phục hồi chức năng tình dục bao gồm tăng ham muốn và điều chỉnh các rối loạn cương dương

5. Phòng ngừa hội chứng chùm đuôi ngựa

  • Nguyên nhân chủ yếu gây hội chứng đuôi ngựa là thoát vị đĩa đệm, do đó chúng ta cần tránh ngồi quá lâu hoặc ngồi sai tư thế, tránh mang hay vác đồ nặng, tránh các chấn thương cột sống.
  • Các tư thể cần tránh là cúi gập người tối đa sau đó ngửa ra đột ngột sẽ gây rách vòng xơ bao quanh nhân nhầy đĩa đệm, làm nhân nhầy thoát ra và chèn ép vào rễ thần kinh vùng đuôi ngựa.
  • Tránh tăng cân quá mức, béo phì.

Chuyên khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ điều trị CES nói riêng cũng như các bệnh lý liên quan đến yếu tố thần kinh nói riêng. Người bệnh được khám và điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa bao gồm: Phẫu thuật nội soi, vi phẫu thuật, can thiệp nội mạch, phẫu thuật tạo hình, mổ và cấy ghép... thực hiện bởi các bác sĩ, nhân viên y tế chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, mang lại hiệu quả khám chữa bệnh tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan