Các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh béo phì ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Và Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Béo phì tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn tới vóc dáng và đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Nếu không được điều trị và kiểm soát cân nặng kịp thời có thể dẫn đến nhiều tác động nguy hại cho sức khỏe.

1. Béo phì là gì?

Béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy mỡ thái quá không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể.

2. Phân loại béo phì

2.1. Phân loại theo nguyên nhân sinh bệnh

Béo phì đơn thuần: Loại béo phì không có nguyên nhân sinh bệnh rõ ràng chiếm tỷ lệ hơn 90%.

Béo phì bệnh lý: Do các bệnh lý nội tiết hay khiếm khuyết di truyền 10%

2.2. Phân loại theo hình thái mô mỡ và tuổi bắt đầu béo phì

Béo phì xuất hiện sớm: Xuất hiện trước khi trẻ 5 tuổi.

Béo phì xuất hiện muộn: Béo phì xuất hiện muộn sau 5 tuổi.

Các giai đoạn dễ xuất hiện béo phì là thời kỳ nhũ nhi, 5- 7 tuổi, vị thành niên. Béo phì xuất hiện trong giai đoạn này tăng nguy cơ béo phì trường diễn và các biến chứng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các rối loạn tâm bệnh hơn các béo phì khởi phát muộn.

2.3. Phân loại theo phân vùng của mô mỡ và vị trí giải phẫu

Béo bụng (béo trung tâm, béo phần trên, béo hình quả táo, béo kiểu đàn ông): Mỡ tập trung ở bụng.

Béo đùi (béo ngoại vi, béo phần thấp, béo hình quả lê, béo kiểu đàn bà): Mỡ tập trung chủ yếu ở mông và đùi.

Béo bụng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đái đường tăng insulin máu, rối loạn lipid máu, không dung nạp glucose hơn béo đùi.

Béo phì
Trẻ bị béo phì

3. Nguyên nhân bệnh béo phì ở trẻ em

  • Yếu tố gia đình và di truyền: Nhiều trường hợp béo phì có tiền sử gia đình. Trẻ em có cha mẹ béo phì có thể mắc béo phì bất cứ tuổi nào: Tới 17 tuổi, tỉ lệ này gấp 3 lần trong gia đình cha mẹ không béo.Trong số trẻ béo phì có khoảng 80% trẻ có một cha hay mẹ béo phì, 30% có cả cha và mẹ béo phì.
  • Giảm hoạt động thể lực: nhân béo phì ở trẻ em có thể là do trẻ ít vận động, thường ngồi một chỗ xem tivi, nghịch điện thoại, ipad, lười tập thể dục, thể thao. Cộng với thói quen ăn vặt, uống nước ngọt khiến trẻ nạp quá nhiều năng lượng mà không hoạt động tiêu hao năng lượng. Lâu ngày dẫn đến béo phì.
  • Ngủ ít: Các nghiên cứu nhận thấy trẻ ngủ ít dưới 8 giờ/ngày đêm sẽ có nguy cơ béo phì khi trên 15 tuổi. Ngủ ít nhưng đi nằm sớm, xem TV nhiều giờ, giảm hoạt động thể lực... Giấc ngủ của trẻ béo phì có thể bị rối loạn do sự biến động của các yếu tố hormon như serotonine.
  • Sữa mẹ là yếu tố bảo vệ phòng ngừa béo phì: Các nghiên cứu đều cho thấy sữa mẹ còn có tác dụng phòng ngừa béo phì ở trẻ: Thời gian bú sữa mẹ càng ít, nguy cơ béo phì của trẻ nhỏ càng cao.
  • Tích mỡ sớm là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Chỉ số BMI tăng nhanh trong năm đầu, sau đó giảm dần đến mức thấp nhất từ 4 - 8 tuổi (trung bình 6 tuổi) và sau đó tăng dần cho đến tuổi trưởng thành. Sự tăng trở lại của BMI trong giai đoạn trẻ nhỏ được gọi là tích mỡ sớm.Tích mỡ sớm trước 5,5 tuổi là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Do đó, các giá trị của BMI trước và trong giai đoạn tích mỡ phải được xác định để đánh giá chính xác tiến triển của nguy cơ.
  • Yếu tố tâm lý và tình cảm: Các yếu tố tâm lý và tình cảm là các yếu tố nguy cơ béo phì trẻ em. Sự thiếu chăm sóc và giáo dục của cha mẹ trong giai đoạn ấu thơ là yếu tố đưa đến nguy cơ béo phì.
  • Dậy thì sớm và béo phì: Nghiên cứu cho thấy 30% trẻ gái thừa cân và 15% trẻ gái béo phì có kinh nguyệt xuất hiện sớm trước 11 tuổi
  • Trẻ bị thiểu năng trí tuệ: Trẻ bị thiểu năng trí tuệ khiến khả năng tự kiềm chế ăn bị ảnh hưởng. Trẻ ăn không biết no và không biết điểm dừng khiến bản thân ăn quá mức. Ngoài ra, khả năng giao tiếp, chơi đùa của trẻ bị thiểu năng trí tuệ cũng hạn chế nên trẻ thường tự ngồi chơi một mình. Điều này khiến cho lượng mỡ thừa ngày càng tích tụ nhiều, gây béo phì ở trẻ.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh

Hầu hết các trường hợp béo phì ở trẻ là do ăn uống không lành mạnh.

Nguyên nhân và cách điều trị béo phì ở trẻ em
Ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân lớn gây béo phì
  • Một bữa ăn chứa quá nhiều calo
  • Ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào
  • Ăn nhiều thức ăn nhanh: bim bim, khoai tây chiên, pizza...
  • Ăn quá nhiều đồ ngọt: bánh, kẹo, bánh ngọt, kem...
  • Ăn quá nhiều bữa trong ngày
  • Ăn ít rau xanh và hoa quả

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan