Các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản Phụ khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sảy thai là tình trạng thai phụ bị mất thai ở thời điểm trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đa số trường hợp sảy thai bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của phôi thai.

1. Nguyên nhân gây sảy thai

1.1. Bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể

Đa số trường hợp sảy thai bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của phôi thai. Khoảng 50% trường hợp sảy thai có liên quan tới sự bất thường về số lượng nhiễm sắc thể, nguyên do thường gặp nhất không phải vấn đề di truyền từ cha mẹ, mà là do rối loạn trong quá trình phân bào.

Sự bất thường về nhiễm sắc thể có thể dẫn tới:

  1. Noãn bị hỏng, không hình thành được phôi.
  2. Phôi hỏng trong tử cung: trường hợp này phôi đã được hình thành, nhưng không phát triển và chết trước cả khi những triệu chứng sảy thai xuất hiện.
  3. Thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần:
  • Với thai trứng toàn phần, toàn bộ nhiễm sắc thể đều do người cha truyền cho. Thai trứng toàn phần hay đi kèm với sự bất thường của nhau thai, do đó phôi thai thường không thể phát triển.
  • Thai trứng bán phần là hiện tượng thai trứng toàn phần nhưng có thêm phần nhiễm sắc thể truyền từ mẹ. Thai trứng bán phần cũng hay đi kèm với sự phát triển bất thường của nhau thai và sự bất thường của phôi thai.

Thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần đều dẫn tới sảy thai, nhưng nguy hiểm hơn là đôi khi chúng có mối liên hệ với ung thư hóa nhau thai.

1.2. Sức khỏe của thai phụ không tốt

Trong một số trường hợp, sức khỏe của thai phụ là nguyên nhân dẫn tới sảy thai. Những vấn đề thai phụ hay gặp là:

  • Đái tháo đường không kiểm soát.
  • Nhiễm khuẩn.
  • Rối loạn hormone.
  • Các bệnh liên quan tới tử cung hoặc cổ tử cung.
  • Các bệnh lý về tuyến giáp.

2. Các yếu tố nguy cơ

nguy-co-say-thai-1
Phụ nữ trên 35 tuổi đối mặt với nguy cơ sảy thai cao hơn

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai, bao gồm:

  • Độ tuổi khi mang thai: phụ nữ trên 35 tuổi đối mặt với nguy cơ sảy thai khi mang thai cao hơn.
  • Đã từng sảy thai trước đây: những người phụ nữ đã từng sảy thai liên tiếp từ hai lần trở lên sẽ có nguy cơ sảy thai cao hơn.
  • Mắc bệnh lý mạn tính: những phụ nữ mắc bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như đái tháo đường không kiểm soát, đối mặt với nguy cơ sảy thai cao hơn.
  • Bất thường tử cung hoặc cổ tử cung: một số bất thường ở tử cung hoặc hở eo tử cung có thể tăng nguy cơ sảy thai.
  • Hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy: thai phụ hút thuốc lá, uống nhiều rượu cũng như lạm dụng chất ma túy đều gây tăng nguy cơ sảy thai.
  • Cân nặng: thiếu cân hay thừa cân, béo phì đều có mối liên quan với sảy thai.
  • Xét nghiệm trước sinh có xâm nhập: một số xét nghiệm di truyền trước sinh có xâm nhập (như chọc dịch ối, sinh thiết gai nhau) có nguy cơ nhất định gây sảy thai.

3. Những lầm tưởng về nguyên nhân gây sảy thai

Một số hoạt động dưới đây hoàn toàn không phải nguyên nhân gây sảy thai như một số người vẫn lầm tưởng:

  • Luyện tập thể dục, kể cả luyện tập với cường độ cao (như đi bộ đường dài, đạp xe,...).
  • Quan hệ tình dục.
  • Lao động (trừ khi công việc tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc phóng xạ). Hãy tham vấn với bác sĩ về môi trường lao động nếu cảm thấy lo lắng.

4. Triệu chứng và biến chứng khi sảy thai

4.1. Triệu chứng khi sảy thai

Đa số trường hợp sảy thai xảy ra trước tuần thứ 12 của thai kỳ. Các dấu hiệu gợi ý sảy thai bao gồm:

  • Âm đạo xung huyết hoặc chảy máu.
  • Đau hoặc chuột rút ở bụng hoặc lưng.
  • Chảy dịch bất thường, hoặc có mô thai trôi ra ngoài qua âm đạo (trong trường hợp này hãy bảo quản phần mô đó trong vật đựng sạch và mang tới bác sĩ để xét nghiệm).

Hãy nhớ rằng đa số phụ nữ xung huyết hay chảy máu âm đạo trong ba tháng đầu có thể không bị sảy thai và vẫn có thai kỳ an toàn.

4.2. Biến chứng của sảy thai

Một số phụ nữ sau khi sảy thai mắc nhiễm khuẩn tử cung, gọi là sảy thai nhiễm khuẩn. Các biểu hiện của sảy thai nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Sốt.
  • Ớn lạnh.
  • Ấn đau vùng bụng dưới.
  • Âm đạo tiết dịch có mùi khó chịu.
nguy-co-say-thai-2
Sau khi sảy thai phụ nữ có thể bị mắc nhiễm khuẩn tử cung

5. Cách phòng tránh sảy thai

Trên thực tế không có cách phòng tránh hoàn toàn đối với vấn đề sảy thai. Các thai phụ hãy cố gắng tự chăm sóc cho bản thân và thai nhi tốt hơn bằng việc:

  • Đi khám thai định kỳ.
  • Tránh những yếu tố gây hại cho quá trình mang thai, như hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng chất ma túy.
  • Bổ sung vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hạn chế hấp thụ caffeine. Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống nhiều hơn hai cốc đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày có liên quan tới vấn đề tăng nguy cơ sảy thai.
  • Kiểm soát bệnh lý mạn tính của bản thân dưới chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

6. Làm thế nào khi gặp vấn đề bất thường?

Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ, hãy tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức, để xác định chính xác vấn đề đang gặp phải cũng như đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời nhất, nhằm đảm bảo điều tốt nhất cho cả thai phụ và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan