Chấn thương cổ: Những điều cần biết

Chấn thương cổ là loại chấn thương xảy ra ở vùng cổ, thường có nguyên nhân từ sự cử động mạnh và bất ngờ khiến dây chằng, cơ, xương, và đĩa đệm cổ chịu ảnh hưởng. Các chấn thương vùng cổ có thể khiến bạn phải ngừng các hoạt động/lao động nặng.

1. Thế nào là chấn thương cổ?

Chấn thương cổ là bất kì loại chấn thương ở vùng cổ, ngã tư giải phẫu quan trọng của cơ thể bao gồm cột sống cổ, tủy sống, dây thần kinh, đĩa đệm, cơ, dây chằng và gân. Ngoài ra, đây cũng là vị trí của khí quản, thực quản và các mạch máu. Khi có chấn thương xảy ra, bất kì mô hay cơ quan nào ở cổ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chấn thương vùng cổ có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Trên thực tế, đây là loại chấn thương rất phổ biến, đặc biệt là bong gân cổ. Khi bị chấn thương, bệnh nhân có thể gặp hàng loạt các tình trạng từ khó chịu ở cổ đến tê liệt, đau đớn hoặc thậm chỉ là tử vong do gãy đốt sống cổ, chấn thương tủy sống...

Bên cạnh đó, chấn thương ở cổ thường có liên quan đến chấn thương đầu và hầu hết nguyên nhân đến từ tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, tai nạn rơi từ trên cao xuống, tai nạn dưới nước, hoặc do bị tấn công bạo lực ở vùng cổ...

chấn thương vùng mặt – cổ
Chấn thương cổ có thể xảy ra do tai nạn

2. Triệu chứng chấn thương cổ là gì?

Các triệu chứng của chấn thương cổ có thể rất khác nhau tùy theo bản chất và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Một số triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức sau tai nạn, nhưng cũng có một số triệu chứng xuất hiện sau đó 1 hoặc vài ngày.

Chấn thương vùng cổ có một số biểu hiện phổ biến sau:

  • Chảy máu cổ (một số ít trường hợp có thể chảy máu từ những khu vực khác của cơ thể).
  • Đau cổ, không thể chuyển động cổ mạnh.
  • Chóng mặt, mệt mỏi.
  • Khó tập trung, đau đầu.
  • Cổ bầm tím.
  • Đau, ngứa ran và cảm thấy yếu cơ vùng cổ lan xuống vai hoặc cánh tay.
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Một số bệnh nhân có thể bị đau họng.

Nghiêm trọng hơn, nếu chấn thương cổ có khả năng đe dọa đến tính mạng, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng vô cùng rõ rệt như:

  • Ý thức mê man, thậm chí là bất tỉnh và không có phản xạ.
  • Da tái nhợt, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
Đau đỉnh đầu kèm trí nhớ kém là bệnh gì?
Đau đầu dữ dội là triệu chứng của tình trạng chấn thương cổ nghiêm trọng

  • Tê liệt và không thể di chuyển bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.
  • Hội chứng chảy máu cấp tính.
  • Hô hấp của bệnh nhân cũng sẽ gặp khó khăn như khó thở, thở nặng nhọc, thở khò khè, nghẹt thở,...
  • Đau đầu dữ dội.
  • Vùng cổ và đầu bị sưng, biến dạng.

3. Nhóm các đối tượng có nguy cơ cao bị chấn thương vùng cổ

Chấn thương cổ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, loại chấn thương này thường gặp nhiều ở nữ giới hơn so với nam giới. Bên cạnh đó, một số yếu tố sau làm tăng khả năng mắc chấn thương vùng cổ:

  • Tuổi tác: đối tượng từ 65 tuổi trở lên có thể gặp nguy cơ chấn thương cao.
  • Đã từng bị ngã ở độ cao từ 1m trở lên (khoảng 5 bậc cầu thang).
  • Đã từng va chạm trong các tai nạn xe cộ.
  • Không có đĩa đệm giữa các đốt sống cổ.

4. Tổng hợp một số phương pháp điều trị chấn thương cổ

Các phương pháp điều trị chấn thương cổ rất khác nhau tùy theo loại chấn thương cũng như mức độ tổn thương ở cổ, đầu và cột sống.

4.1. Điều trị ban đầu các chấn thương

Đầu tiên, bệnh nhân sau khi gặp chấn thương sẽ được điều trị khẩn cấp, bao gồm cố định toàn bộ cột sống bằng các thiết bị chuyên dụng. Đây được gọi là thao tác bất động cột sống nhằm mục đích ổn định bất kì loại gãy cổ nào, đồng thời ngăn ngừa tổn thương thêm cho xương cổ hoặc tủy sống.

Sau khi bệnh nhân được cố định vùng cổ, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ tiến hành thực hiện các kiểm tra về hình ảnh cũng như xét nghiệm để có các đánh giá đầy đủ về mặt y tế chấn thương cụ thể của bệnh nhân.

Chấn thương cổ
Người bệnh được cố định toàn bộ cột sống nhằm ngăn ngừa tổn thương thêm cho xương cổ

4.2. Điều trị gãy cổ

Phương pháp điều trị gãy cổ tùy thuộc vào loại gãy xương cũng như mức độ gãy xương kết hợp với nhiều yếu tố khác. Thông thường, điều trị gãy xương cổ sẽ bao gồm:

  • Bất động cột sống lâu dài với hàng loạt thiết bị cho đến khi xương lành và ổn định hoàn toàn.
  • Điều trị bằng phẫu thuật như hợp nhất xương cổ bằng các dụng cụ đặc biệt.

4.3. Điều trị bong gân cổ

  • Tình trạng bong gân cổ có thể được điều trị theo các phương pháp sau:
  • Massage trị liệu.
  • Sử dụng thuốc giảm đau kết hợp thuốc giãn cơ.
  • Vật lý trị liệu.
Thuốc giảm đau, kháng viêm được sử dụng phổ biến để điều trị trật khớp háng
Thuốc giảm đau được sử dụng kết hợp với phương pháp khác trong điều trị bong gân cổ

5. Một số thói quen sinh hoạt cần điều chỉnh nhằm hạn chế diễn tiến các chấn thương cổ

Bên cạnh việc điều trị, một số thói quen sinh hoạt của bệnh nhân cần được điều chỉnh cho phù hợp và nhờ đó hạn chế sự ảnh hưởng đến các tổn thương, giúp rút ngắn thời gian điều trị. Những thói quen này bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giảm tình trạng căng cơ trước khi đi ngủ và cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Ngồi trên ghế chắc chắn, vững chãi và nên có lưng tựa phía sau.

Nếu như các chấn thương cổ có dấu hiệu nghiêm trọng đi hoặc bạn gặp chứng tê liệt, ngứa ran, yếu cơ, đau đầu..., cần phải tìm gặp bác sĩ sớm nhất có thể để được hỗ trợ.

Nhìn chung, chấn thương vùng cổ là nhóm chấn thương rất thường gặp do nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều loại, hầu hết đến từ các tai nạn hàng ngày. Những chấn thương cổ cần được điều trị đặc biệt nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthgrades.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan