Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh và Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm màng não trẻ em là căn bệnh nguy hiểm. Nếu không kịp thời phát hiện những dấu hiệu để điều trị, viêm màng não trẻ em có thể để lại nhiều di chứng, nặng có thể gây ra tử vong. Do đó, phụ huynh cần nhận biết những dấu hiệu viêm màng não trẻ sơ sinh và trẻ em để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của trẻ.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não trẻ em

Các trường hợp viêm màng não trẻ em thường là do các nguyên nhân sau:

1.1 Viêm màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenza týp B)

Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ không được chủng ngừa. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ trong khoảng từ 1 – 3 tuổi.

Bệnh viêm màng não trẻ em do vi khuẩn Hib chủ yếu lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp.

Khi mắc bệnh, thời gian ủ bệnh thường dưới 10 ngày. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao và thường xảy ra trong những ngày đầu tiên.

1.2. Viêm màng não do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae)

Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm màng não do phế cầu khuẩn chính là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay, việc điều trị bệnh viêm màng não trẻ em do phế cầu khuẩn gây ra ngày càng khó khăn bởi việc sử dụng kháng sinh không còn hiệu quả cao.

1.3. Viêm màng não mô cầu (Neisseria meningitides)

Viêm màng não mô cầu có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau (phối hợp hoặc riêng rẽ) tại nhiều cơ quan trong cơ thể người như hệ thần kinh, mắt, đường hô hấp, màng tim, máu, khớp, đường tiết niệu và sinh dục. Tuy nhiên, hai bệnh thường gặp và quan trọng hơn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Trong đó, nhiễm trùng huyết tối cấp là nguyên nhân gây tử vong nhanh chóng, mặc dù bệnh đã được điều trị tích cực.

Viêm màng não trẻ em do mô cầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 1 - 10 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột, với các dấu hiệu tương tự bệnh cảm cúm như: nhức đầu, ho, đau họng, mệt mỏi, ... Tiếp theo, người bệnh sẽ bị sốt cao, khoảng 39 – 40 độ C, nhức đầu, buồn nôn và nôn, cơ thể thấy ớn lạnh và rét run, đau khớp, đau cơ, đặc biệt là đau ở vùng sống lưng và hai chân. Người bệnh bị tụt huyết áp, mạch đập nhanh, có thể bị sốc (hiếm khi xảy ra). Một trong những triệu chứng điển hình của viêm màng não mô cầu là xuất huyết ban, chủ yếu ở các vùng nách, hông, quanh các khớp khuỷu, gối, cổ chân. Ban có dạng giống như các nốt phỏng, lan rộng, thường xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày sau khi sốt.

Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não ở trẻ em
Viêm màng não trẻ em là một bệnh nguy hiểm

2. Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não trẻ em

Để phát hiện bệnh viêm màng não, ngay khi trẻ bị sốt cha mẹ hoặc người chăm sóc cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Sốt, biếng ăn, bú giảm, hệ rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi... là những biểu hiện ban đầu của viêm màng não trẻ em. Những dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, hay sốt do virus, ... Do đó, cần liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì cha mẹ nên lau mát cơ thể trẻ và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng và cân nặng.

Các dấu hiệu cảnh báo viêm màng não trẻ em mà cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ như:

  • Co giật: toàn thân hoặc có thể ở tay, chân, mắt, miệng. Một số trường hợp trẻ có thể bị co giật đơn thuần do sốt cao, nhưng cũng có thể do rối loạn điện giải. Tuy nhiên trường hợp nào cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
  • Rối loạn ý thức: ban đầu trẻ sẽ dễ bị kích động, sau đó trẻ có thể rơi vào tình trạng lờ đờ, ngủ li bì, hôn mê.
  • Trẻ có biểu hiện đau đầu, nôn, liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở tay, chân, hoặc nửa người.

Lưu ý, dấu hiệu viêm màng não trẻ sơ sinh ban đầu thường không rõ ràng và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác, trẻ có thể bị sốt hoặc không và có kèm theo một trong các triệu chứng trên.

Dấu hiệu cảnh báo viêm màng não ở trẻ em
Sốt là một trong những biểu hiện ban đầu của viêm màng não trẻ em

3. Nếu thấy dấu hiệu viêm màng não trẻ em cần làm gì?

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu cảnh báo trên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, hoặc cho trẻ uống các loại lá. Nếu trì hoãn và chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh do bệnh được điều trị muộn.

Bệnh viêm màng não trẻ em có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vaccine. Tại Việt Nam hiện đều có vaccine phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và mô cầu các nhóm. Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và lưu lại việc chủng ngừa của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đúng lịch và đầy đủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

325K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan