Dày thành phế quản có phải viêm phổi?

Dày thành phế quản không phải là bệnh mà nó thực chất là dấu hiệu của một bệnh được phát hiện khi chụp chiếu X-quang phế quản. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho người đọc thông tin về dày thành phế quản, để từ đó phân biệt và nhận biết được bệnh lý đường hô hấp.

1. Dày thành phế quản là gì và có nguy hiểm không?

Đối với những người nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp, khi thăm khám, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang phế quản. Trên phim chụp X-quang của bệnh nhân sẽ thấy nhánh phế quản 2 bên dày lên hoặc dày thành phế quản 2 bên. Tình trạng này còn gọi là dày thành phế quản hoặc dày 2 bên thành phế quản.

Sự dày lên hoặc tăng đậm màu ở phế quản được hiển thị trên phim X-quang có thể là hệ quả của sự tích tụ dịch nhầy hoặc có thể là do màng nhầy niêm mạc đường hô hấp bị viêm.

Vậy dày thành phế quản có nguy hiểm không? Bệnh nhân sẽ không thể tự cảm nhận được thành phế quản bị dày lên hay không. Vì nó chỉ được nhìn thấy rõ thông qua chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp phế quản.

Dày thành phế quản không phải là bệnh mà nó là dấu hiệu cho thấy đang mắc bệnh đường hô hấp nào đó.

Thành phế quản được bao phủ bởi các dịch nhầy dính để giúp ngăn chặn các dị vật hoặc mầm bệnh đi xuống phổi. Nếu chất nhầy tập hợp quá nhiều tại thành phế quản sẽ khiến thành phế quản ngày càng dày. Điều này chứng tỏ sự tích tụ của virus và vi khuẩn càng lớn và nó gây ra nhiều vấn đề cho phổi.

Khi phát hiện hình ảnh dày thành phế quản X-quang, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác định chính xác bệnh lý.

2. Nguyên nhân dày thành phế quản

Nguyên nhân khiến thành phế quản dày lên là do đâu? Như đã nói ở trên, dày thành phế quản không phải là bệnh lý mà nó là dấu hiệu của bệnh lý đường hô hấp. Dưới đây là những bệnh lý gây dày thành phế quản thường gặp như là:

2.1. Hen suyễn

Hen suyễn (hay hen phế quản) là một trong các bệnh mãn tính phổ biến nhất. Bệnh lý này có thể mắc phải ở các lứa tuổi, nhưng hầu hết là bệnh nhân mắc hen suyễn đều có các triệu chứng đầu tiên trước 5 tuổi bao gồm khó thở, thở khò khè, ho, tức ngực,...

Các cơn hen suyễn thường xuất hiện khi tập thể dục hoặc tiếp xúc chất gây dị ứng, không khí lạnh hay bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus.

Chụp X-quang chẩn đoán hen suyễn ít khi được chỉ định bởi đa số bệnh nhân hen suyễn đều có phim X-quang phổi bình thường. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp phải một vài dấu hiệu trên phim X-quang, bao gồm: Dày thành phế quản, mạch máu mảnh và thon nhỏ ở 2 lá phổi, vùng dưới màng phổi mất mạch máu.

Đặc biệt, nếu chụp X-quang trong đợt cơn hen suyễn bùng phát thì ngoài dày thành phế quản, người bệnh còn có các triệu chứng khác, như: Khí cạm lúc thở ra, căng giãn phổi hồi phục, tăng áp động mạch phổi tiền mao quản, có thể thấy xẹp thùy hay phân thùy phổi ở trẻ em.

2.2. Viêm phế quản

Viêm phế quản sẽ khiến ống phế quản sẽ bị thu hẹp và tiết nhiều dịch nhầy và mủ, gây tắc nghẽn.

Người mắc bệnh viêm phế quản thường có các triệu chứng như: Ho, thở khò khè, mệt mỏi, đau ngực, tức ngực, sốt. Khi chụp X-quang phổi có thể bình thường hoặc có dấu hiệu dày thành phế quản.

Nếu bị viêm phế quản cấp tính thì bệnh thường tự giảm và khỏi sau vài tuần mà không cần phải điều trị. Còn viêm phế quản mãn tính thì các triệu chứng có thể kéo dài nhiều tháng và thậm chí nhiều năm. Điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính thường phức tạp và khó khăn.

2.3. Xơ nang

Xơ nang là bệnh di truyền gen tự phát gây ảnh hưởng tới chức năng ngoại tiết của phổi, gan, tuyến tụy và ruột non. Biểu hiện của bệnh xơ nang không rõ ràng, các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh phổi, các biểu hiện có thể có như: Ho, viêm phổi hồi quy, rối loạn chức năng phổi, ngón tay hình dùi trống, lồng ngực gõ vang, polyp mũi, sỏi bàng quang.

Chụp X-quang cho bệnh nhân xơ nang có thể thấy: dày thành và có viền quanh phế quản, giãn phế quản, niêm dịch nút tắc phế quản, khe kẽ tăng, xẹp phổi hình ổ.

Người bị xơ nang thường có tuổi thọ thấp, tử vong thường là do biến chứng bị suy hô hấp hoặc viêm phổi.

2.4. Giãn phế quản

Giãn phế quản là tình trạng ống phế quản bị tổn thương không thể phục hồi và bị giãn ra bất thường. Giãn phế quản có thể gặp ở 1 bên hoặc ở cả 2 lá phổi và thường gặp nhất là giãn phế quản ở thùy dưới.

Khi chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao (HRCT) sẽ nhìn thấy dày thành phế quản (thành phế quản đậm màu).

Bệnh nhân bị giãn phế quản thường gặp các triệu chứng như: Ho ra đờm, trong các đợt kịch phát có thể cảm thấy khó thở, mệt mỏi, yếu ớt, sốt hoặc ớn lạnh, thở khò khè, ho ra máu, đau ngực, da xanh, giảm cân không rõ nguyên nhân.

2.5. Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên thì dày thành phế quản cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như:

3. Dày thành phế quản có phải viêm phổi không?

Dày thành phế quản có phải viêm phổi không? Đây cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm và thắc mắc.

Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang và tổ chức liên kết khe kẽ, cùng với viêm tiểu phế quản tận cùng.

Viêm phổi được chia thành viêm phổi theo nguyên nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm hay hóa chất) và viêm phổi do nguyên nhân lây nhiễm (viêm phổi bệnh viện hay viêm phổi cộng đồng).

Người mắc bệnh viêm phổi thường có các triệu chứng như: Ho, ho có đờm, đau ngực khi thở hoặc ho, khó thở, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa,...

Khi chụp X-quang thấy xuất hiện hình ảnh của các tổn thương phế nang, mô kẽ phổi và dày thành phế quản.

Như vậy, có thể kết luận dày thành phế quản cũng là một biểu hiện của bệnh viêm phổi.

4. Điều trị dày thành phế quản

Dày thành phế quản là một dấu hiệu của một số bệnh lý, do đó tùy vào từng bệnh lý cụ thể mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân và phác đồ điều trị có thể bao gồm:

4.1. Điều trị và ngăn ngừa viêm

Điều trị viêm phụ thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ của từng bệnh lý. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc như: thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau và thuốc corticosteroid để loại bỏ nguyên nhân gây viêm, kiểm soát triệu chứng bệnh hoặc cả hai.

Ngoài ra, để giảm viêm, chống viêm thì người bệnh có thể sử dụng một số thảo dược (gừng, nghệ, cỏ hương bài, bạch quả, cam thảo,...) hoặc thực phẩm giúp giảm viêm (các loại hoa quả, rau lá xanh đậm, thực phẩm nhiều chất xơ,...).

4.2. Điều trị nhiễm trùng

Những bệnh lý ở đường hô hấp gây dày thành phế quản có thể là do nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn.

Tùy thuộc vào từng bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng sinh. Mục đích là để làm giảm triệu chứng, ngăn chặn sự phát triển của virus, loại bỏ vi khuẩn và giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh.

Trên đây là toàn bộ thông tin về dày thành phế quản, hy vọng qua bài viết này đã giúp mọi người hiểu rõ hơn tình trạng dày thành phế quản là gì và các bệnh lý khiến cho thành phế quản bị dày. Từ đó, xác định rõ bệnh lý và tiến hành thăm khám, có phương pháp chữa trị hiệu quả để giúp bảo vệ sức khỏe và tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan