Điều trị mụn cóc đúng, tránh lây lan

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đa phần các trường hợp mụn cóc là lành tính, đôi khi có thể tự biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên nếu mụn cóc gây đau đớn, phát triển nhanh và lây lan sang các vùng da khác, hoặc mụn cóc sinh dục thì cần điều trị mụn cóc bằng phương pháp thích hợp.

1. Tổng quan về điều trị mụn cóc

Mụn cóc là một bệnh ngoài da gây ra bởi một số chủng virus gây nên các u nhú ở người gọi là HPV. Trong quá trình mắc bệnh, đôi khi mụn cóc tự nhiên biến mất sau khoảng 6 tháng xuất hiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên trường hợp này không phổ biến, chủ yếu chỉ xảy ra ở trẻ em. Mặc dù đa phần là lành tính, nhưng vẫn có nhiều mụn cóc càng để lâu càng có xu hướng lây lan nhiều hơn, hoặc rất dễ tái phát trở lại. Do đó tiến hành các biện pháp điều trị sớm là việc cần thiết nên làm.

Những dấu hiệu cho thấy cần phải chữa mụn cóc là:

  • Gây đau đớn;
  • Phát triển nhanh và lây lan sang các vùng da khác;
  • Mụn cóc mọc ở bộ phận sinh dục;
  • Có triệu chứng đi kèm;
  • Đã tồn tại hơn 2 năm.

Mục tiêu điều trị mụn cóc là tiêu diệt virus và loại bỏ các nốt mụn mà không để lại mô sẹo. Việc lựa chọn biện pháp xử lý mụn cóc phụ thuộc vào loại mụn, vị trí và triệu chứng của từng trường hợp. Nếu tìm hiểu, người bệnh sẽ thấy có nhiều phương pháp chữa mụn cóc theo mẹo trong dân gian. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cách nào được y học công nhận là đáng tin cậy hoàn toàn. Hơn nữa có nhiều người đã thử áp dụng hình thức điều trị mụn cóc không chính thống này và cũng không nhận được hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy khi bị mụn cóc, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cách chữa mụn cóc thích hợp.

dieu-tri-mun-coc-dung-tranh-lay-lan-1
Mụn cóc

2. Các phương pháp điều trị mụn cóc

2.1. Tự chữa mụn cóc tại nhà

Nếu bị mụn cóc ở bàn chân, bệnh nhân có thể thực hiện theo một số lời khuyên sau để giảm đau và khó chịu:

  • Chọn giày dép chất liệu mềm mại, kích cỡ vừa vặn, không quá chật hay rộng;
  • Giữ chân luôn khô ráo;
  • Thay tất thường xuyên;
  • Dùng các miếng đế / đệm lót bên trong giày dép.

Đối với các nốt mụn cóc có kích thước dưới 0.5 cm, người bệnh có thể chấm dung dịch acid salicylic và lactic (duofilm, collomack) để làm tiêu hủy virus HPV gây mụn cóc, cũng như bong tróc các tế bào sừng. Sau khi bôi lên da, thuốc sẽ khô nhanh chóng và để lại một lớp màu trắng. Những loại thuốc này có thể được sử dụng tại nhà, nhưng phải mất nhiều tuần mới phát huy tác dụng khiến mụn biến mất hoàn toàn.

Để nâng cao hiệu quả, cần rửa sạch vùng sẽ chấm thuốc bằng xà phòng, thoa mỗi ngày 1 lần sau khi tắm. Ngoài ra, nên dùng que dũa móng tay hoặc đá bọt nhám chà sát nhẹ lên bề mặt mụn khi tắm để giảm bớt kích thước và độ sần sùi, cũng như loại bỏ lớp tế bào chết do những lần thoa thuốc trước để lại.

Lưu ý khi chấm acid điều trị mụn cóc:

  • Chỉ thoa thuốc lên bề mặt hoặc ngay cuống (mụn cóc hình dây) của mụn cóc, hạn chế tối đa để thuốc lan ra vùng da xung quanh;
  • Đậy kín chai thuốc ngay sau khi thoa và bảo quản ở nơi thoáng mát vì thuốc dễ bay hơi;
  • Không được sử dụng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường, tim mạch, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, hay mụn cóc bị nhiễm trùng, ...

2.2. Điều trị mụn cóc tại bệnh viện

  • Chấm nitơ lỏng

Chữa mụn cóc bằng nitơ lỏng thường được chia làm nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 1 - 2 tuần. Khí nitrogen ở dạng hóa lỏng có nhiệt độ rất thấp (-196 độ C) nên sẽ cho kết quả tốt, thậm chí có người khỏi hoàn toàn. Thuốc cũng hiếm khi để lại sẹo hay làm biến đổi sắc tố da, tuy nhiên có thể gây khó chịu khi điều trị, phồng nước và đau nhiều ngày sau khi chấm.

  • Đốt điện (Electrosurgery)

Biện pháp đốt bằng dòng điện cao tần được chỉ định cho điều trị mụn cóc dưới 1 cm hoặc ở vị trí khó tiểu phẫu, ví dụ như ở kẽ ngón chân, tay. Ưu điểm của phương pháp đốt điện là tiến hành nhanh chóng, đơn giản, chi phí thấp và có thể khoét sâu hết nhân rễ mụn cóc. Tuy nhiên thời gian lành vết thương sẽ lâu hơn, chăm sóc vết thương hở cũng phải cẩn thận hơn để tránh bị nhiễm trùng, đôi khi những mụn cóc to sẽ gây chảy máu và khó cầm.

  • Tiểu phẫu (cắt bỏ tổn thương mụn cóc)

Tiến hành với các nốt mụn có kích thước dưới 2 cm và ở vị trí bằng phẳng, chẳng hạn như gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân, .... Thời gian lành vết thương khi tiểu phẫu sẽ nhanh hơn đốt điện, chăm sóc sau mổ cũng dễ dàng, ít nguy cơ nhiễm trùng vì vết thương được may kín. Khuyết điểm của phương pháp này chính là chi phí cao, dễ tái phát vì không lấy hết nhân mụn và có thể để lại sẹo.

  • Tiêm bleomycin hay interferon

Tiêm tại chỗ được chỉ định trong những trường hợp mụn cóc khó điều trị.

Lưu ý trong quá trình điều trị, không được làm bể, chọc dịch bóng nước trên bề mặt vết thương (thường do chấm nitơ lỏng). Nếu có các dấu hiệu như sưng, nóng, tấy đỏ và đau, tiết dịch mủ, có mùi hôi, sốt cao hay ớn lạnh... thì có nguy cơ vết thương đã bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần quay lại bệnh viện để được xử lý kịp thời.

3. Cách giảm nguy cơ lây lan mụn cóc

dieu-tri-mun-coc-dung-tranh-lay-lan-2
Rửa tay kỹ sau khi chạm vào mụn cóc

Đôi khi mụn cóc sẽ quay trở lại nhanh do nốt “mụn mẹ” đã phát tán virus và tạo các “mụn con” ở xung quanh. Mụn cóc con có kích thước quá nhỏ nên không thể phát hiện được khi điều trị. Vì vậy, nên chữa mụn cóc sớm ngay khi vừa phát hiện để tránh hiện tượng tự lây nhiễm như trên. Một số trường hợp đặc biệt, sau khi điều trị mụn cóc mẹ vài tuần thì những mụn cóc con cũng tự biến mất mà không cần can thiệp.

Người bệnh cần ghi nhớ một số lưu ý sau đây để tránh lây lan cũng như tái phát sau khi điều trị mụn cóc:

  • Không gãi, dùng dao lam rạch, cạo hoặc kim châm khu vực có mụn để tránh nhiễm trùng và lây lan virus;
  • Không dùng chung dụng cụ cắt móng tay, tốt nhất là sử dụng đồ cá nhân riêng để tránh lây nhiễm mụn cóc
  • Giữ khu vực có mụn (như bàn tay, chân, ...) khô ráo vì mụn cóc khó kiểm soát trong môi trường ẩm ướt;
  • Rửa tay kỹ sau khi chạm vào mụn cóc;
  • Tuân thủ lời dặn dò của bác sĩ sau điều trị;
  • Tự theo dõi nốt mụn hằng ngày trong 2 - 4 tuần để phát hiện kịp thời dấu hiệu tái phát. Nếu có, cần điều trị lại càng nhanh càng tốt, ngăn chặn tái phát trước khi virus HPV lây nhiễm ra những vùng da lân cận;
  • Nhờ bác sĩ tư vấn về việc tiêm phòng vắc-xin HPV để giúp ngăn ngừa mụn cóc và hạn chế nguy cơ mắc một số loại ung thư khác cũng do virus này gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

261.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan