Điều trị viêm ruột thừa có cần mổ hay không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Việt Thắng - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Ruột thừa là một cấu trúc hình ống nhỏ hình dạng như ngón tay xuất phát từ đoạn đầu của ruột già gọi là manh tràng. Viêm ruột thừa là khi ruột thừa bị nhiễm trùng và viêm. Khi ruột thừa viêm nó sẽ sưng to lên và một số trường hợp sẽ vỡ. Ai cũng có thể bị viêm ruột thừa, nhưng lứa tuổi từ 10 đến 30 là hay gặp hơn cả. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn là cắt bỏ ruột thừa viêm.

1. Triệu chứng của viêm ruột thừa

  • Đau bụng

Là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và luôn có. Đau bụng trong viêm ruột thừa do viêm thể điển hình có tính chất như sau: Cơn đau khởi phát ở vùng quanh rốn hoặc thượng vị đi kèm với buồn nôn hoặc nôn. Sau khoảng 2-12 giờ, đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế,... Đây là triệu chứng đáng tin cậy nhất để nhận biết 1 trường hợp viêm ruột thừa cấp.

Tùy vào vị trí của ruột thừa mà người bệnh sẽ có cảm nhận rất khác nhau về vị trí của đau bụng trong viêm ruột thừa: Đau hông lưng (ruột thừa sau manh tràng), đau hạ vị (ruột thừa thể tiểu khung), đau dưới sườn phải (ruột thừa dưới gan), ...

Ngoài ra, tính chất của cơn đau bụng trong bệnh viêm ruột thừa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: Thuốc đang sử dụng, sức chịu đựng của người bệnh, sức đề kháng của người bệnh, tình trạng bệnh lý của người bệnh.

Trong những trường hợp mới khởi phát, hoặc những trường hợp không phải điển hình rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Ví dụ như khi mới đau bệnh nhân có thể đau thương vị kèm buồn nôn làm nhiều người nhầm lẫn là viêm dạ dày, hoặc đau hạ vị kèm đi cầu lỏng nhiều lần nhầm với viêm ruột hoặc lỵ, đau hông lưng trong viêm ruột thừa sau manh tràng nhầm với bệnh lý của thận-tiết niệu, đau hạ sườn phải trong ruột thừa dưới gan nhầm với bệnh lý Sỏi mật,... Điều này có thể làm bạn chủ quan và dễ bỏ sót. Vì vậy khi bạn có triệu chứng đau bụng bạn nên được khám và đánh giá đầy đủ với bác sỹ chuyên khoa để tránh bỏ sót bệnh. Bạn nên tránh tự mua thuốc và dùng vì như vậy sẽ làm lu mờ triệu chứng dẫn đến chẩn đoán muộn dễ đưa đến biến chứng của viêm ruột thừa.

2
Vị trí đau của viêm ruột thừa khá đa dạng, nhưng thường bắt đầu từ phần dưới bên phải của bụng.
  • Sốt

Thường không sốt hoặc sốt nhẹ ~38 độ C do tình trạng viêm nhiễm của ruột thừa. Nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng, gây triệu chứng sốt cao.

  • Chán ăn

Chán ăn tuy không hằng định, nhưng gần như luôn xuất hiện trong viêm ruột thừa cấp, đến nỗi nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có triệu chứng này thì cần xem xét lại chẩn đoán viêm ruột thừa.

  • Buồn nôn, nôn mửa

Buồn nôn, nôn mửa là dấu hiệu viêm ruột thừa cấp. Nó luôn luôn xuất hiện sau đau bụng. Tuy nhiên triệu chứng này có thể đánh lừa bệnh nhân cũng như thầy thuốc với những bệnh lý khác như viêm dạ dày hay ngộ độc thức ăn.

  • Tiêu chảy

Tiêu chảy chỉ gặp trong một số trường hợp đặc biệt như viêm ruột thừa thể tiểu khung hoặc ruột thừa viêm đã có biến chứng vỡ tạo ổ viêm ở túi cùng Douglas (vùng thấp nhất của ổ bụng khi đứng) gây kích thích đi cầu

Cần lưu ý rằng có nhiều bệnh lý của bụng và vùng chậu có biểu hiện giống như viêm ruột thừa. Vì lý do đó để chẩn đoán được viêm ruột thừa bệnh nhân cần được khám đánh giá đầy đủ với xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và được khám kỹ bởi bác sỹ chuyên khoa ngoại tiêu hóa.

2. Nguyên nhân viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa được gây ra bởi sự tắc nghẽn lòng ruột thừa do nhiều nguyên nhân trong đó sỏi phân là nguyên nhân thường gặp nhất. Sự tắc nghẽn này làm gia tăng áp lực trong lòng ruột thừa do sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng và tăng tiết dịch của lớp lót trong lòng ruột thừa. Kết quả là ruột thừa viêm, sưng to và chứa đầy dịch mủ. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, ruột thừa có thể bị hoại tử, hoặc vỡ gây viêm nhiễm lan tràn trong ổ bụng gọi là viêm phúc mạc.

3. Các biến chứng của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể sẽ đưa đến các biến chứng như sau:

  • Ruột thừa vỡ: Khi ruột thừa bị vỡ, các vi khuẩn sẽ tràn ra khắp bụng và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Phẫu thuật loại bỏ ruột thừa và làm sạch bụng là bắt buộc làm ngay lập tức.
  • Ổ áp-xe trong bụng: Khi ruột thừa để lâu hoặc điều trị không đúng cách vỡ, các cơ quan trong ổ bụng như mạc nối lớn, ruột non,... đến bao bọc lại ổ mủ sẽ tạo thành ổ mủ khu trú trong ổ bụng gọi là ổ áp xe. Điều trị đối với trường hợp này là ưu tiên chọc dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm phối hợp điều trị kháng sinh theo phác đồ. Sau đó sẽ hẹn cắt ruột thừa sau 6 tháng.
3
Viêm ruột thừa có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Việc chẩn đoán viêm ruột thừa phải được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa ngoại tiêu hóa có kinh nghiệm sau khi đã thực hiện thăm khám tỷ mỹ và kiểm tra với các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Việc chẩn đoán dựa vào:

  • Thăm khám lâm sàng: bao gồm khai thác bệnh sử kỹ lưỡng, thăm khám bụng cẩn thận là điều kiện cần thiết cho chẩn đoán xác định.
  • Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá tình trạng viêm và nhiễm trùng giúp hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bệnh nhân có thể chụp X-quang, siêu âm hay chụp CT scan ổ bụng để giúp hỗ trợ chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cũng như phân biệt với các nguyên nhân gây đau khác không phải do viêm ruột thừa.

4. Điều trị viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa có cần mổ hay không?

Cho đến nay điều trị tiêu chuẩn cho bệnh lý viêm ruột thừa vẫn là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm. Đây là phương pháp điều trị kinh điển và được đồng thuận bởi tất cả các bác sỹ lâm sàng trên toàn thế giới từ trước đến nay. Từ năm 2004 đến nay đã có một số nghiên cứu về điều trị không mổ đối với trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng bằng kháng sinh.

Kết quả từ những nghiên cứu này về tỷ lệ thành công của điều trị kháng sinh đối với viêm ruột thừa không biến chứng là 90%, 10% không đáp ứng và có biến chứng phải can thiệp phẫu thuật. Theo dõi những bệnh nhân điều trị thành công viêm ruột thừa không biến chứng trong vòng 1 năm có 30% viêm ruột thừa tái phát.

Vậy điều trị viêm ruột thừa không biến chứng bằng kháng sinh không thể điều trị dứt điểm được viêm ruột thừa và bệnh sẽ có nguy cơ tái phát lại rất cao trong thời gian ngắn. Do đó tiêu chuẩn vàng của điều trị viêm ruột thừa vẫn là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm. Đây là phương pháp hiệu qủa giúp điều trị dứt điểm viêm ruột thừa.

Hiện nay, điều trị không mổ cấp cứu được cân nhắc trong trường hợp đặc biệt khi ruột thừa vỡ tạo áp xe. Điều trị đối với trường hợp này là ưu tiên chọc dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm phối hợp điều trị kháng sinh theo phác đồ. Sau đó sẽ hẹn cắt ruột thừa sau 6 tháng.

Đối với bệnh nhân viêm ruột thừa có chỉ định phẫu thuật, trước phẫu thuật bệnh nhân phải nhịn ăn uống hoàn toàn, được bù đủ dịch qua đường tĩnh mạch, điều chỉnh rối loạn nước điện giải nếu có, trước khi chuyển vào phòng mổ phải cho bệnh nhân nên đi tiểu để tránh phải đặt sonde tiểu. Bệnh nhân sẽ được sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ cho những trường hợp viêm ruột thừa không có biến chứng nhằm phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng trong ổ bụng. Các trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng sẽ được dùng kháng sinh điều trị theo phác đồ.

Phẫu thuật cắt ruột thừa viêm có thể thực hiện bằng 2 cách: mổ mổ nội soi hoặc mổ mở. Tuy nhiên mổ nội soi là phương pháp được lựa chọn đầu tiên cho phẫu thuật cắt ruột thừa trong mọi trường hợp trừ khi có chống chỉ định mổ nội soi như bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp nặng không thể chịu đựng được phẫu thuật nội soi, hoặc bệnh nhân có tiền sử mổ mở ổ bụng trước đó,... Phương pháp mổ nội soi được dùng nhiều nhất trong điều trị viêm ruột thừa vì nhiều ưu điểm vượt trội. Có thể kể đến như thời gian hồi phục nhanh hơn, ít đau hơn, vết mổ rất nhỏ và không để lại sẹo, đặc biệt tốt cho những người bị béo phì và cao tuổi. Trong trường hợp ruột thừa bị vỡ và nhiễm trùng bên trong ổ bụng hoặc bệnh nhân bị vỡ gây áp xe không thể thực hiện tốt và an toàn với phẫu thuật nội soi sẽ được chuyển sang mổ mở. Đó không phải là thất bại với phẫu thuật nội soi mà là vì lý do an toàn.

Như vậy câu trả lời cho câu hỏi: Viêm ruột thừa có thể tự khỏi không ? là cần phải phẫu thuật để điều trị.

4
Nội soi là phương pháp phổ biến trong điều trị viêm ruột thừa vì có nhiều ưu điểm vượt trội.

5. Lối sống và điều trị tại nhà sau phẫu thuật

Thời gian hồi phục sau mổ tùy thuộc vào phương pháp mổ nội soi hay mổ hở, viêm ruột thừa có biến chứng hay chưa. Đối với các trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng mổ nội soi bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Thông thường có thể xuất viện sau 1-2 ngày sau mổ, và nhanh chóng trở lại với hoạt động hằng ngày sau 2-3 ngày. Đối với các trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng thời gian hối phục có thể lâu hơn. Để giúp quá trình hồi phục nhanh hơn:

  • Tránh hoạt động mạnh: Nếu bệnh nhân được mổ nội soi, thời gian kiêng sẽ từ 3 đến 5 ngày. Nếu bệnh nhân được mổ hở, thời gian kiêng sẽ từ 10 đến 14 ngày. Luôn hỏi bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bạn và khi nào có thể hoạt động bình thường.
  • Cần hỗ trợ cho bụng khi bị ho: Đặt 1 cái gối lên trên bụng, và ấn xuống khi ho, cười, hoặc di chuyển để làm giảm cơn đau.
  • Liên hệ với bác sĩ nếu thuốc giảm đau không có tác dụng: Các cơn đau sẽ làm tăng sức ì lên cơ thể và làm chậm quá trình hồi phục. Nếu bạn vẫn đau khi dùng các thuốc giảm đau, hãy gọi cho bác sĩ.
  • Dậy và luyện tập khi bạn đã sẵn sàng: Bắt đầu chậm và tăng dần khối lượng hoạt động. Hãy bắt đầu bằng việc đi bộ quãng ngắn.
  • Ngủ khi mệt mỏi: Trong quá trình hồi phục, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ hơn bình thường. Đây là hiện tượng bình thường, hãy nghỉ ngơi nếu bạn thấy cần thiết.
  • Cân nhắc thời gian trở lại trường học hoặc làm việc với bác sĩ: Bạn có thể trở lại làm việc bình thường nếu cảm thấy đủ khỏe. Trẻ em có thể học trở lại trong vòng 1 tuần.
5
Tập thể dục nhẹ nhàng và chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bệnh nhân bình phục nhanh hơn.

6. Các loại thuốc điều trị có thể kê

Một số loại thuốc giảm đau có thể giúp làm giảm cơn đau sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên sẽ có một vài lựa chọn đi kèm để giúp kiểm soát cơn đau tốt hơn, ví dụ như:

  • Các hoạt động như nghe nhạc, nói chuyện với bạn bè sẽ làm bạn quên đi cơn đau, đặc biệt hiệu quả đối với đối tượng là trẻ em.
  • Tưởng tượng hình ảnh, như nhắm mắt và nghĩ về một nơi mình yêu thích.

Kết luận: Viêm ruột thừa là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa phổ biến nhất. Phẫu thuật là phương pháp bắt buộc để điều trị dứt điểm và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa. Và hiển nhiên những liệu pháp hậu phẫu là một quá trình quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe của bệnh nhân.

Khoa Nội soi - Tiêu hóa là một trong những chuyên khoa mũi nhọn tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời các bệnh tiêu hóa, bạn có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

73.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan