Bị thiếu máu có nên ăn thịt bò?

Thịt bò là một nguồn thực phẩm cung cấp protein, vitamin và khoáng chất vô cùng dồi dào cho cơ thể. Việc tiêu thụ thịt bò ở mức độ vừa phải có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe đáng chú ý, bao gồm cung cấp chất sắt, hỗ trợ cơ bắp và cải thiện các chức năng của hệ miễn dịch.

1. Tổng quan về tình trạng thiếu máu

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy uể oải và kiệt sức, bạn có thể đang mắc phải tình trạng thiếu máu. Đây là một chứng rối loạn máu phổ biến có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào vào một thời điểm nhất định trong đời.

Thiếu máu nhẹ thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, tuy nhiên tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Hiện nay, thiếu màu có thể được ngăn ngừa và điều chỉnh dễ dàng bằng cách bổ sung đầy đủ chất sắt vào cơ thể.

Tình trạng thiếu máu sẽ phát sinh khi cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, nghĩa là cơ thể bạn có quá ít tế bào hồng cầu hoặc thiếu hụt một loại protein giàu chất sắt được gọi là hemoglobin. Thông thường, các tế bào hồng cầu sẽ chịu trách nhiệm cung cấp oxy đi đến toàn bộ cơ thể, trong đó chất hemoglobin giữ vai trò là nhân tố vận chuyển oxy.

Khi số lượng tế bào hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin thấp quá mức cho phép, cơ thể bạn sẽ không nhận được đầy đủ lượng oxy cần thiết. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, kèm theo một số triệu chứng khác như chóng mặt, khó thở, da xanh xao, nhức đầu hoặc lạnh chân tay.

Một trong những loại thiếu máu phổ biến nhất hiện nay là thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng này thường phát sinh khi cơ thể bạn không nhận được đầy đủ lượng chất sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày. Cơ thể bạn cần đến sắt cũng như các chất dinh dưỡng quan trọng khác để sản xuất ra hemoglobin và các tế bào hồng cầu khỏe mạnh khác. Do đó, điều quan trọng là phải cung cấp chất sắt cũng như vitamin B12, protein và folate một cách thường xuyên. Bạn có thể bổ sung thêm những chất dinh dưỡng này thông qua một chế độ ăn uống cân bằng hoặc uống một số loại thực phẩm chức năng.

Một nguyên nhân phổ biến khác của thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng mất máu, có thể phát sinh do sinh con, chấn thương hoặc phẫu thuật. Đặc biệt, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ sẽ có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt do bị mất máu nhiều từ chu kỳ kinh nguyệt.

chu kỳ kinh nguyệt 1
Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ sẽ có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt do bị mất máu nhiều từ chu kỳ kinh nguyệt

Các chuyên gia khuyến cáo rằng phụ nữ cần bổ sung đầy đủ chất sắt khi mang thai. Nếu tình trạng thiếu máu trong thai kỳ không được điều trị kịp thời có thể khiến cho đứa trẻ sinh ra bị thiếu chất sắt, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng và sự phát triển trí não của trẻ.

Nhiều người chung sống với căn bệnh thiếu máu có thể không nhận ra họ đang mắc bệnh. Những triệu chứng của thiếu máu có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ hoặc thậm chí không có bất kỳ dấu hiệu đáng chú ý nào. Để xác định xem liệu bạn có bị thiếu máu hay không, bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu đơn giản ngay tại các trung tâm y tế.

2. Bị thiếu máu có nên ăn thịt bò không?

Thịt bò là một nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng khác vô cùng dồi dào, tuy nhiên nó cũng chứa nhiều cholesterolchất béo bão hoà có thể gây tích tụ chất béo trong máu.

Thịt bò được xem là một nguồn thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn uống của bạn, nhưng nên ăn chúng một cách điều độ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch và tử vong sớm. Mặc dù ăn thịt bò có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khoẻ, tuy nhiên nó vẫn mang lại nhiều lợi ích nếu bạn ăn với một lượng vừa phải và chọn phần nạc.

Hơn nữa, thịt bò cũng là một nguồn cung cấp chất sắt tuyệt vời. Chất sắt trong thịt bò giúp cơ thể sản sinh ra lượng hemoglobin cần thiết để vận chuyển oxy từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi cơ thể không được nhận đủ sắt có thể dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt, gây ra các triệu chứng như yếu ớt, bơ phờ, mệt mỏi và tinh thần uể oải. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng việc ăn thịt bò có thể giúp ngăn ngừa được tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Thịt bò
Thịt bò được xem là một nguồn thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn uống của bạn, nhưng nên ăn chúng một cách điều độ

3. Một số lợi ích sức khoẻ khác của thịt bò

Bên cạnh việc bổ sung chất sắt cho cơ thể và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, việc ăn thịt bò còn mang đến một số lợi ích sức khoẻ sau:

  • Tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch: Thịt bò là một nguồn cung cấp chất kẽm dồi dào, giúp cơ thể chữa lành được các mô bị tổn thương và hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Trẻ em và thanh thiếu niên nên bổ sung đầy đủ lượng kẽm để đảm bảo tăng trưởng và phát triển lành mạnh.
  • Giúp xây dựng cơ bắp: Protein là rất cần thiết đối với sức khỏe cơ bắp. Nó giúp xây dựng lại các mô cơ bị mất đi tự nhiên trong quá trình lão hoá của cuộc sống. Ngoài ra, protein cũng giúp bạn xây dựng được nhiều cơ bắp hơn. Nó đặc biệt hữu ích đối với những người đang tập luyện các bài tập sức mạnh.

Trong một khẩu phần thịt bò sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ lượng protein được khuyến nghị hàng ngày, giúp ngăn ngừa tình trạng mất cơ. Mất khối lượng cơ có thể khiến bạn cảm thấy yếu ớt hơn và khó khăn trong việc giữ thăng bằng cơ thể, đặc biệt nếu bạn trên 55 tuổi.

4. Thành phần dinh dưỡng có trong thịt bò

Thành phần dinh dưỡng có trong thịt bò sẽ thay đổi một chút tuỳ thuộc vào cách mà bạn chế biến. Thông thường, trung bình một khẩu phần thịt bò tương đương với 4 ounce sẽ bao gồm:

  • Calo: 265
  • Chất béo: 19 gram
  • Chất đạm: 21 gram
  • Chất xơ: 0 gram
  • Carbohydrate: 0 gram
  • Đường: 0 gram

Bên cạnh đó, một khẩu phần thịt bò cũng cung cấp cho cơ thể bạn khoảng 12% lượng chất sắt được khuyến nghị hàng ngày. Nó cũng chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như vitamin B3, B6, B12, phốt pho và kẽm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ có thể liên quan đến rất nhiều nguy cơ sức khoẻ, do đó bạn cần giữ khẩu phần ăn thịt bò của bạn ở mức 4 ounce hoặc ít hơn.

5. Những loại thực phẩm giàu chất sắt dành cho người thiếu máu

sắt
Một số loại thực phẩm giàu sắt bạn có thể tham khảo

Hầu hết chúng ta đều có thể nhận được lượng sắt cần thiết từ các loại thực phẩm hàng ngày. Nhìn chung, các loại thịt đỏ, thịt gia cầm và cá chính là những nguồn thực phẩm chứa dạng sắt dễ hấp thụ nhất, có tên là sắt heme. Loại sắt này thường được gắn với protein hemoglobin, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ lượng chất sắt cần thiết và vận chuyển oxy đi khắp các cơ quan.

Ngoài ra, sắt cũng có nhiều trong các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, nấm và các nguồn thực phẩm giàu chất sắt khác. Do đó, những người thực hiện chế độ ăn ít thịt hoặc ăn chay nên bổ sung thêm nhiều chất sắt từ thực vật cũng như vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ được đầy đủ chất sắt và ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến nghị rằng phụ nữ từ 19 – 50 tuổi nên bổ sung từ 18 mg sắt vào mỗi ngày, trong đó phụ nữ từ 51 tuổi trở lên và nam giới trên 19 tuổi sẽ cần 8 mg sắt vào mỗi ngày. Một chế độ ăn uống kết hợp cả thịt và trái cây, rau quả có thể giúp bạn nhận được đầy đủ lượng chất sắt cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung sắt qua các loại thực phẩm tăng cường hoặc các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác, chẳng hạn như bột mì, sữa và ngũ cốc ăn sáng.

Một số nguồn thực phẩm cung cấp chất sắt dồi dào, bao gồm:

  • Tảo xoắn: 3 ounce chứa 28 milligam sắt
  • Hàu: 3 ounce chứa 9 milligam sắt
  • Ngũ cốc ăn sáng tăng cường sắt: 3 ounce chứa 30 – 60 milligam sắt
  • Đậu nành nấu chín: Một ly chứa 9 milligam sắt
  • Hạt bí: 3 ounce chứa 8 milligam sắt
  • Đậu lăng nấu chín: Một ly chứa 7 milligam sắt
  • Đậu tây nấu chín: Một ly chứa 4 milligam sắt
  • Thịt bò xay: 4 ounce chứa 3 milligam sắt
  • Cải bó xôi luộc chín để ráo: Một ly chứa 7 milligam sắt

Những trường hợp đang sử dụng thuốc bổ sung sắt cần lưu ý một số nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe. Sở dĩ, cơ thể chúng ta không đào thải sắt một cách nhanh chóng. Do đó, nó có thể tích tụ dần trong cơ thể theo thời gian và trở nên độc hại đối với sức khỏe. Bệnh rối loạn di truyền hemochromatosis (bệnh ứ sắt) có thể khiến chất sắt tích tụ trong các cơ quan, gây suy tim và bệnh tiểu đường. Tốt nhất, bạn không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc bổ sung sắt nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Hy vọng thông tin trên đã cung cấp cho bạn thêm lựa chọn và giải đáp bị thiếu máu có nên ăn thịt bò. Chúc bạn luôn có chế độ ăn khoa học và nâng cao năng suất làm việc cải thiện cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: doyou.com, health.harvard.edu, newsinhealth.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan