Hạn chế hình thành cục máu đông sau phẫu thuật

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hình thành cục máu đông sau khi phẫu thuật là một hiện tượng giúp ngăn ngừa chảy máu sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều khi cục máu đông hình thành bên trong các mạch máu cũng có thể di chuyển đến phổi của bạn và gây tắc nghẽn phổi, hay di chuyển đến não gây tắc mạch não.... Chính vì vậy cần có phương án giúp hạn chế hình thành cục máu đông sau phẫu thuật ngăn ngừa những biến chứng do cục máu đông gây ra.

1. Cục máu đông là gì?

Cục máu đông (huyết khối) là kết quả của quá trình đông máu, mục đích là ngăn ngừa mất máu quá mức trong các chấn thương.

Khi cơ thể bị tổn thương có nguy cơ chảy máu thì tiểu cầu và huyết tương cùng tham gia vào quá trình ngưng chảy máu, hình thành cục máu đông ở vùng bị tổn thương nhằm ngăn chặn thoát máu ra bên ngoài mạch, khi tổn thương đã lành các cục máu đông sẽ bong ra và tan ra giải phóng tiểu cầu, các tế bào về máu.

Tuy nhiên, một số trường hợp cục máu đông xuất hiện trong lòng mạch, chúng có thể di chuyển và cản trở dòng chảy của máu đến các cơ quan quan trọng, trong đó có tim và não.

Các trường có thể hình thành cục máu đông như: Bệnh rung nhĩ, sau phẫu thuật, xơ vữa mạch máu...

2. Vì sao sau phẫu thuật hình thành cục máu đông

Hút thuốc
Những người có nguy cơ cao xuất hiện cục máu đông sau khi phẫu thuật
  • Những người có nguy cơ cao xuất hiện cục máu đông sau khi phẫu thuật: Hút thuốc lá, đã có tiền sử huyết khối tĩnh mạch, bị thừa cân hoặc béo phì, có người trong huyết thống mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, đang mang thai, có rối loạn ảnh hưởng đến quá trình đông máu, đang sử dụng liệu pháp hormon.
  • Do không hoạt động trong và sau phẫu thuật. Các cử động của cơ là cần thiết để hỗ trợ việc bơm máu lên tim. Việc bất động của bạn sẽ làm cho máu tích tụ lại ở những phần thấp của cơ thể, thường là chân và vùng hông từ đó sẽ dẫn đến hình thành cục máu đông.
  • Phẫu thuật làm cho các phân tử ngoại vi có thể xâm nhập vào máu, như các mảnh vỡ mô, collagen và chất béo. Khi máu tiếp xúc với các tác nhân lạ này, máu sẽ phản ứng bằng việc đông lại.
  • Các phẫu thuật liên quan đến cạo hoặc cắt xương, có thể giải phóng các chất được gọi là kháng nguyên. Những kháng nguyên này kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể và dẫn đến xuất hiện các cục máu đông.

Cục máu đông có thể hình thành sau bất kỳ thủ thuật nào, tuy nhiên nó sẽ nhiều hơn nếu bạn đã trải qua cuộc phẫu thuật lớn, đặc biệt ở vùng bụng, xương chậu, hông hoặc chân.

3. Các triệu chứng do cục máu đông gây ra sau phẫu thuật

Cục máu đông có thể di chuyển trong hệ thống tuần hoàn gây tắc mạch ở bất kỳ đâu tuy nhiên huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi là hai biến chứng có thể xảy ra nhiều nhất.

Các triệu chứng phổ biến của việc hình thành cục máu đông bao gồm:

  • Tim: Gây đau tức ngực, tê bì cánh tay, khó chịu, vã mồ hôi, buồn nôn.
  • Tắc mạch não: Xuất hiện đau đầu dữ dội, chóng mặt sau đó thấy yếu nửa người, tê bì nửa người. Có thể kèm theo liệt mặt, khó nói, rối loạn thị lực và thính lực...
  • Tắc mạch chi: Đau các chi một cách bất ngờ hoặc thường xuyên bị đau, sưng, căng tức và các chị bị nóng lên.
  • Tắc mạch phổi: Đau nhói ngực, tim đập nhanh hoặc nhịp thở nhanh, thở gấp, vã mồ hôi, sốt, ho ra máu. Là biến chứng nguy hiểm khả năng tử vong cao.
  • Bụng: Đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy.

4. Các hạn chế hình thành cục máu đông sau phẫu thuật

Thuốc
Sử dụng thuốc làm giảm hình thành cục máu đông sau phẫu thuật

Trước phẫu thuật

  • Nên ngừng hút thuốc, tăng cường vận động nếu được.
  • Báo cáo cho bác sĩ biết về các bệnh rối loạn đông máu, đã từng bị cục máu đông trước đó, đái tháo đường, tăng huyết áp... là những bệnh lý có nguy cơ xuất hiện cục máu đông sau phẫu thuật cao hơn.
  • Thực hiện các xét nghiệm đánh giá nguy cơ hình thành cục máu đông.

Sau phẫu thuật

  • Sử dụng thuốc làm giảm hình thành cục máu đông như: Aspirin có tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu, thuốc làm loãng máu như heparin, warfarin...được dùng để điều trị các tình trạng hình thành quá nhiều cục máu đông, ngăn chặn việc các cục máu đông phát triển lớn hơn.
  • Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao hình thành cục máu đông, cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, nếu có nguy cơ bị tắc mạch phổi bác sĩ có thể sử dụng thuốc làm tan huyết khối.
  • Nếu được sau phẫu thuật nên vận động, đi lại sớm giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Để hạn chế hình thành cục máu đông sau phẫu thuật thông thường là sử dụng thuốc và nên vận động sớm sau phẫu thuật nếu được sự đồng ý của bác sĩ. Lưu ý sau phẫu thuật nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ do cục máu đông gây ra cần liên lạc ngay với bác sĩ để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan