Hậu quả của hạ kali máu

Hạ kali máu là một trường hợp rối loạn điện giải thường gặp trong lâm sàng và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vậy kali trong máu giảm khi nào và tình trạng hạ kali máu nguy hiểm không?

1. Vai trò của Kali trong cơ thể

Kali là một chất điện giải có vai trò không thể thiếu đóng góp trong quá trình điều phối các hoạt động thần kinh-cơ của cơ thể. Khi lượng kali trong cơ thể bị thiếu hụt đi có thể dẫn đến các triệu chứng như chuột rút, yếu cơ, liệt cơ và nguy hiểm nhất là gây ra các rối loạn nhịp tim như xoắn đỉnh và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Tổng công lượng kali bao gồm trong tế bào, khoảng kẽ và trong máu của toàn cơ thể ở mức khoảng 50mEq/ kg cân nặng với 98% lượng kali ở trong tế bào. Trong trạng thái bình thường, nồng độ kali máu dao động ở mức 3.5 - 5.5mEq/ L. Khi lượng kali máu thấp hơn 3.5 mEq/ L được gọi là hạ kali máu và nếu tiếp tục xuống thấp hơn 3 mEq/ L thì có thể gây những loạn nhịp nguy hiểm cho bệnh nhân.

Lượng kali máu trong cơ thể thay đổi phụ thuộc vào lượng kali trong, ngoài tế bào và lượng kali được bài tiết qua các con đường như thận, mồ hôi, qua phân. Một chế độ dinh dưỡng hằng ngày có thể đảm bảo tương đối đầy đủ cho việc bổ sung lượng kali mất hằng ngày.

2. Kali máu giảm trong trường hợp nào?

Hạ kali máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Lượng kali mất qua thận do:
    • Tiểu nhiều.
    • Không kiểm soát tình trạng đái tháo đường.
    • Hạ magie máu, tăng calci máu, hạ clo máu.
    • Toan ống thận type I hoặc type II.
    • Hội chứng Fanconi hoặc hội chứng Bartter.
  • Lượng kali mất qua đường tiêu hóa:
    • Nôn nhiều hoặc do dẫn lưu bằng sonde dạ dày.
    • Tiêu chảy nhiều.
    • Sau phẫu thuật ruột non thực hiện dẫn lưu mật và mở thông hồi tràng.
    • Thụt tháo đại tràng hoặc dùng thuốc nhuận tràng.
  • Ảnh hưởng do việc sử dụng các loại thuốc:
    • Thuốc lợi tiểu giảm kali (Thiazid, furosemid).
    • Insulin, Natri bicarbonat, Glucose.
    • Cường Beta-adrenergic.
    • Corticoid.
    • Kháng sinh: Aminoglycosides, ampicillin, penicillin, rifampicin,
  • Điều trị thiếu hụt acid folic và vitamin B12.
  • Lượng kali đưa vào cơ thể không đủ do bệnh nhân thực hiên chế độ ăn kiêng, ăn ít, người nghiện rượu.
  • Thừa corticoid trong quá trình chuyển hóa muối nước:
  • Hội chứng Conn (Cường aldosterol tiên phát), cường aldosterol thứ phát.
  • Tăng huyết áp ác tính.
  • Hội chứng Cushing, u tế bào cạnh cầu thận, ung thư thận, uống nhiều cam thảo...

3. Triệu chứng của bệnh nhân bị hạ kali máu

Ở trạng thái bình thường, các tế bào thần kinh cơ liên tục giải phóng năng lượng (Quá trình khử cực) và sau đó tái tạo năng lượng (Quá trình phân cực) để tiếp tục giải phóng năng lượng. Khi nồng độ kali máu hạ thấp, các tế bào không thể phân cực và giải phóng năng lượng liên tục dẫn đến cơ và các dây thần kinh không thể hoạt động bình thường.

Hạ kali máu có những biểu hiện chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ như:

  • Ở hệ thống thần kinh cơ bao gồm các triệu chứng:
    • Yếu cơ.
    • Đau cơ.
    • Chuột rút.
    • Táo bón.
    • Mệt mỏi.
  • Ở hệ tim mạch bao gồm các triệu chứng:
    • Hồi hộp (rối loạn nhịp tim).
    • Mạch nảy.
    • Hạ huyết áp tối thiểu, hạ huyết áp tư thế.
    • Có âm thổi tâm thu ở tim.
    • Kết quả điện tim thấy có xuất hiện các sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, trường hợp nguy hiểm khi kali máu giảm nặng thường có xuất hiện đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh rất nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân nếu không thực hiện bù kali kịp thời.

4. Đối tượng nào có nguy cơ hạ kali máu?

  • Đối tượng đầu tiên có nguy cơ hạ kali máu có thể kể đến là những người thực hiện chế độ ăn kiêng, bệnh nhân nặng nằm một chỗ lâu ngày và được nuôi qua sonde dạ dày
  • Bệnh nhân bị tiêu chảy cấp do tả, thương hàn, do ngộ độc thức ăn,... có triệu chứng nôn nhiều hoặc đi ngoài nhiều làm cho lượng kali mất đi đáng kể qua phân và chất thải.
  • Bệnh nhân thụt tháo đại tràng nhiều lần hoặc người bị rò đường tiêu hóa, khiếm khuyết vận chuyển ion của ruột non.
  • Lượng kali mất không đáng kể qua đường tiêu hóa, tuy nhiên mất nhanh và nhiều khi kali bị đào thải qua thận. Trường hợp này xảy ra chủ yếu ở những người sử dụng thuốc lợi tiểu loại thải kali, bệnh nhân tiểu nhiều do thận hoặc ở giai đoạn bắt đầu hồi phục ở người bị suy thận cấp, toan hóa ống thận.
  • Hiện tượng giảm kali giả trong khi tổng lượng kali của cơ thể không thay đổi là do kali đi vào trong tế bào khi kali máu giảm. Điều này xảy ra khi pH máu tăng do dùng một số thuốc như thuốc giãn phế quản loại kích thích beta giao cảm thuộc nhóm xanthin. Một số thuốc steroid như prednisone, methylprednisolone, hydrocortisone có thể gây giảm kali máu tới 0.4 mE/ L nếu dùng kéo dài. Các thuốc loại này làm giảm kali máu bằng cách tăng đào thải kali ở thận. Một số thuốc kháng sinh penicillin, ampicillin, carbenicillin khi sử dụng ở liều cao có thể làm tăng đào thải kali qua ống thận.

5. Hạ Kali máu nguy hiểm không?

Vậy hạ Kali máu nguy hiểm không? Hạ kali máu là tình trạng rất nguy hiểm, nhất là đối với những bệnh nhân đang mắc phải những bệnh lý mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim,... Triệu chứng của hạ kali máu chủ yếu tác động lên hệ thống tim mạch và thần kinh cơ. Trên hệ tim mạch có thể xuất hiện mạch nảy, hạ huyết áp tối thiểu, hạ huyết áp tư thế, nghe tim có tiếng thổi tâm thu. Kết quả điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại. Do đó, hạ kali máu có thể làm bệnh nhân xuất hiện biến chứng nhịp tim chậm, giảm khả năng co bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh. Đây là một trong các nguyên nhân rối loạn nhịp tim có thể gây ra hậu quả ngừng tim.

Các dấu hiệu sớm ở cơ có thể biểu hiện sớm như mỏi, yếu cơ, dị cảm, chuột rút,... Tình trạng nặng hơn sẽ gây ra liệt chi với các biểu hiện ở gốc chi, liệt mềm, giảm hoặc mất phản xạ gân xương, liệt hai chi dưới kéo dài trong 24 - 72 giờ được gọi là liệt Westphal. Ngoài ra, hạ kali máu thường kèm theo tình trạng chướng bụng, rối loạn cơ tròn. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, thậm chí liệt tứ chi.

6. Dự phòng hạ Kali máu như thế nào?

Việc dự phòng và ngăn chặn hạ kali máu không quá phức tạp. Khi mọi người thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày cũng gần như đảm bảo đủ nguồn kali cung cấp cho cơ thể. Đối với bệnh nhân mắc phải những bệnh lý gây mất kali như tiêu chảy, tiểu nhiều thì cần bù đủ lượng kali mất đi hằng ngày. Bệnh nhân thường xuyên sử dụng các thuốc gây đào thải kali ra ngoài như thuốc lợi tiểu hoặc làm tăng lượng kali đi vào cơ thể thì cần thường xuyên theo dõi nồng độ kali máu của cơ thể mình.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hạ kali máu

Nguồn tham khảo: benhvien108.vn, suckhoedoisong.vn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan