Hội chứng sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Hội chứng sweet là một hội chứng ít gặp, được ít người biết tới. Vậy hội chứng sweet là gì, hội chứng sweet có nguy hiểm không, điều trị như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Hội chứng sweet là gì?

Hội chứng sweet - hay còn có tên gọi là bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính có sốt - là một tình trạng da liễu ít gặp. Các dấu hiệu chủ yếu của hội chứng sweet bao gồm sốt và nổi thương tổn, đau đớn trên da, đa số xuất hiện ở khu vực cánh tay, cổ, đầu và thân mình.

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sweet chưa được rõ ràng. Ở một số trường hợp, hội chứng sweet khởi phát sau một đợt nhiễm trùng, sau khi mắc một số bệnh hoặc sử dụng một số thuốc như thuốc kích bạch cầu, kháng sinh, thuốc chống động kinh, tăng huyết áp, thuốc tránh thai, retinoid... Hội chứng sweet cũng có liên quan đến các bệnh ác tính: bệnh máu ác tính, ung thư biểu mô tuyến vú, đường tiêu hóa...

Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho hội chứng sweet là sử dụng thuốc uống có thành phần chứa corticosteroid (ví dụ như prednisone). Các dấu hiệu và triệu chứng thường biến mất sau khi bắt đầu điều trị vài ngày, nhưng vấn đề lớn nhất là hội chứng sweet thường hay tái phát.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng sweet là gì?

Triệu chứng biểu hiện chủ yếu của hội chứng sweet là các sẩn cục màu đỏ, đỏ tím, chắc, có xu hướng liên kết với nhau thành các mảng ranh giới rõ, ở giữa có xu hướng lành tạo thành hình vành khăn hoặc đa cung. Vị trí thường gặp: mặt, cổ, chi trên, thường không đối xứng. Có thể xuất hiện tổn thương ở thân mình và chi dưới. Phù ở trung bì nông dẫn đến hình ảnh “giả bọng nước”. Có thể có tổn thương bọng nước. Chúng thường xuất hiện một cách đột ngột sau một cơn sốt hoặc sau một đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Các nốt này phát triển rất nhanh, tăng kích thước và lan ra thành các mảng đỏ với đường kính lên tới 2,5 cm (~ 1 inch), rất đau.

Nếu thấy xuất hiện mẩn đỏ, đau, phát triển và tăng kích thước nhanh, hãy đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp thích hợp.

Hội chứng sweet là gì?
Các mảng đỏ với đường kính lên tới 2,5 cm xuất hiện tại cổ bệnh nhân mắc hội chứng sweet

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng sweet là gì?

Trong đa số trường hợp, nguyên nhân gây ra hội chứng sweet không tìm ra được. Thông thường hội chứng sweet có mối liên hệ với ung thư, và hay gặp nhất là leukemia.

Đôi khi hội chứng sweet có sự liên quan với một khối u rắn, chẳng hạn như ung thư vú hay ung thư đại tràng. Hội chứng sweet cũng có thể là sự phản ứng của cơ thể với một số thuốc điều trị nhất định, đặc biệt là những thuốc sử dụng để kích thích tăng sinh bạch cầu.

4. Các yếu tố nguy cơ của hội chứng sweet

Tuy hội chứng sweet hiếm gặp, nhưng một số yếu tố nhất định sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng này, bao gồm:

  • Giới tính: thông thường hội chứng sweet xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới.
  • Tuổi tác: mặc dù hội chứng sweet có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ em cho tới người cao tuổi, nhưng độ tuổi hay gặp nhất là trong khoảng 30 - 60 tuổi.
  • Ung thư: hội chứng sweet có thể có mối liên hệ với ung thư, và hay gặp nhất là leukemia. Đôi khi hội chứng sweet có mối liên quan tới một khối u rắn, chẳng hạn như ung thư vú hay ung thư đại tràng.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: hội chứng sweet có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, và rất nhiều bệnh nhân cho biết họ có biểu hiện các triệu chứng giống cúm trước khi bị nổi mẩn đỏ. Hội chứng sweet cũng có thể có mối liên hệ với căn bệnh viêm đại tràng.
  • Mang thai: một số phụ nữ xuất hiện hội chứng sweet trong thời kỳ mang thai.
  • Mẫn cảm với thuốc điều trị: hội chứng sweet có thể là hậu quả của sự mẫn cảm với thuốc điều trị. Một số thuốc điều trị nhất định có mối liên hệ với sự xuất hiện của hội chứng sweet bao gồm azathioprine (Azasan, Imuran), thuốc kích thích tăng sinh bạch cầu (yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt - granulocyte colony stimulating factor), một số thuốc kháng sinh nhất định và một số thuốc chống viêm không steroid.

5. Biến chứng có thể xảy ra của hội chứng sweet

Các tổn thương trên da do hội chứng sweet gây ra có nguy cơ bị nhiễm trùng, do đó bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc vết thương của bác sĩ.

Trong trường hợp hội chứng sweet có liên quan tới bệnh lý ung thư thì sự xuất hiện của các tổn thương trong hội chứng sweet đồng thời cũng chính là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý ung thư (mới xuất hiện hoặc tái phát).

Hội chứng sweet gây ung thư
Hội chứng sweet là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý ung thư

6. Chẩn đoán hội chứng sweet như thế nào?

Về cơ bản bác sĩ chuyên khoa da liễu khi thăm khám lâm sàng chỉ cần dựa vào hình thái tổn thương da đã có thể chẩn đoán hội chứng sweet. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn được bác sĩ chỉ định tiến hành một số xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt các bệnh lý khác cũng có các triệu chứng tương tự, cũng như để tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng sweet. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: sau khi lấy máu bệnh nhân, mẫu máu này sẽ được đưa đi xét nghiệm để kiểm tra xem có tình trạng tăng sinh bạch cầu bất thường hay không, cũng như kiểm tra các rối loạn về huyết học khác.
  • Sinh thiết da: một mẫu mô của tổn thương sẽ được lấy và đưa đi kiểm tra, xác định xem nó có những yếu tố bất thường đặc trưng của hội chứng sweet hay không.

7. Phương pháp điều trị hội chứng sweet

Hội chứng sweet có thể tự biến mất mà không cần bất kỳ can thiệp điều trị nào. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể giúp rút ngắn rất nhiều thời gian mắc bệnh.

Phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với hội chứng sweet là sử dụng corticosteroid dưới các dạng đường dùng khác nhau, cụ thể là:

  • Thuốc uống: corticosteroid dạng uống (chẳng hạn như prednisone) rất có hiệu quả điều trị nhưng lại có tác động lên toàn thân. Trên thực tế lâm sàng đây là dạng thuốc được dùng phổ biến nhất đối với hội chứng sweet (trừ khi trên da bệnh nhân có ít tổn thương và tổn thương không nặng). Sử dụng corticosteroid dạng uống kéo dài có thể có các tác dụng không mong muốn, chẳng hạn như tăng cân, mất ngủ và loãng xương.
  • Kem hoặc thuốc bôi: dạng thuốc này thường chỉ có tác dụng tại chỗ, nhưng có thể gây mỏng da.
  • Thuốc tiêm: một đường dùng thuốc khác là tiêm trực tiếp vào tổn thương một lượng thuốc nhỏ (nhưng ít khả thi với những bệnh nhân có số lượng tổn thương lớn).

Đôi khi những thuốc khác sẽ được chỉ định điều trị cho bệnh nhân, thường là đối với những bệnh nhân không sử dụng được corticosteroid kéo dài. Những thuốc đó có thể là:

  • Dapsone
  • Potassium iodide
  • Colchicine (Colcrys, Mitigare)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan