Khuyến cáo: Đừng nên cai sữa cho trẻ vào mùa hè

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, sơ sinh.

Thời tiết nắng nóng mùa hè khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và thường xuyên bị khát nước, sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn giúp bổ sung nước và các chất điện giải cần thiết, giúp trẻ hết khát và tăng sức đề kháng trong trước những bệnh thường gặp mùa hè.

1. Vì sao không nên cai sữa cho trẻ vào mùa hè?

Mùa hè thời tiết oi bức, nóng nực, không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng bị kém ăn, ăn không ngon. Do đó, cai sữa vào thời điểm này trẻ sẽ không ăn được đa dạng các loại thực phẩm, sức ăn kém khiến trẻ bị thiếu chất, lâu ngày có thể dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, nhiệt độ vào mùa hè rất cao, nóng bức, ra nhiều mồ hôi khiến trẻ thường xuyên bị khát nước. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn là nguồn nước giúp trẻ hết khát, bổ sung các chất điện giải cần thiết.

2. Những thời điểm không nên cai sữa cho trẻ

Trẻ em
Không nên cai sữa khi trẻ đang bị ốm

Ngoài việc không nên cai sữa cho trẻ vào mùa hè, mẹ cần lưu ý các thời điểm không nên cai sữa cho trẻ như:

  • Không cai sữa cho trẻ quá sớm, khi trẻ hệ tiêu hóa chưa sẵn sàng, chưa có thể tự ăn để hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Không cai sữa cho trẻ khi trẻ đang ốm, trẻ vừa ốm dậy. Vì lúc này trẻ cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để lấy lại sức khỏe. Cai sữa có thể khiến tình trạng của trẻ trở nên xấu hơn. Ngoài ra, khi bị ốm, cơ thể yếu, hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng, trẻ có thể ăn ít đi, dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Do đó, chỉ tiến hành cai sữa khi trẻ thực sự khỏe mạnh.
  • Không cai sữa cho trẻ một cách đột ngột có thể khiến trẻ biếng ăn

3. Khi nào có thể cho trẻ cai sữa mẹ?

Trẻ em
Có thể tự leo cầu thang là dấu hiệu mẹ có thể cai sữa cho bé

Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 24 tháng đầu đời. Nhiều người cho rằng thời gian này là quá dài, chỉ cần cho trẻ bú mẹ trong 12 tháng là đủ. Thậm chí, mọi người quan niệm sữa mẹ sau 6 tháng không còn chất gì, chỉ có thể giúp trẻ đỡ khát nước. Đó là quan niệm rất sai lầm.

Sữa mẹ vẫn luôn có đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh. Thậm chí đến khi trẻ được 12 - 23 tháng, trong mỗi 448ml sữa mẹ, ước tính có gần 30% nguồn năng lượng cần thiết, 43% protein cần thiết, 36% canxi cần thiết, 76% folate cần thiết, 75% vitamin A cần thiết, 60% vitamin C cần thiết... Kết hợp bú mẹ và ăn dặm hàng ngày trẻ sẽ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển thể chất và trí não.

Sữa mẹ chứa kháng thể sống mà không một loại thực phẩm nào có thể thay thế được. Kháng thể sống giúp trẻ có sức đề kháng, bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây hại. Thậm chí, một số loại kháng thể có trong sữa mẹ trong năm thứ hai còn nhiều hơn trong thời kỳ đầu sau sinh. Sữa mẹ thay đổi theo nhu cầu của trẻ, nên khi trẻ càng lớn, càng tiếp xúc với nhiều vi khuẩn gây hại thì sữa mẹ càng tiết ra nhiều chất đề kháng.

Sữa mẹ giúp cho trẻ phát triển toàn diện và cung cấp dưỡng chất trong thời gian hệ tiêu hóa, các cơ quan tiêu hóa của trẻ phát triển hoàn thiện, sẵn sàng hoạt động độc lập. Hiệp hội nhi khoa Mỹ đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ cai sữa trước 2 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Sữa mẹ giúp cho trẻ ít ốm vặt hơn, khỏi bệnh nhanh hơn. Số trẻ đi mẫu giáo vẫn bú sữa mẹ thường khỏe mạnh hơn trẻ đã cai sữa. Trong trường hợp trẻ bị ốm, không muốn ăn gì thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá.

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sẵn sàng cai sữa như: Ăn thô tốt, có thể tự ngồi vững mà không cần sự trợ giúp, có thể nói được một câu ngắn, có thể tự leo cầu thang... thì mới nên bắt đầu tiến hành cai sữa cho trẻ. Chú ý không cai sữa một cách đột ngột, có thể khiến trẻ biếng ăn, lo lắng, sợ hãi. Cần quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ hơn khi cai sữa để trẻ không bị thiếu chất.

Khi trẻ cai sữa, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn của con nhiều hơn nhằm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Có thể bổ sung thêm lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan