Sơ cứu da khi bỏng lạnh

Da bỏng lạnh là khi tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ thấp trong thời gian dài và dẫn đến các tổn thương da. So với các trường hợp bỏng da thông thường do tiếp xúc với nhiệt độ cao, bỏng lạnh ít gặp hơn và mức độ hồi phục nhìn chung cũng khả quan hơn. Tuy nhiên, nếu không biết cách sơ cứu da khi bỏng lạnh đúng cách, tổn thương da do bỏng lạnh cũng có thể diễn tiến nặng nề nhanh chóng và lan rộng hơn.

1. Nhận biết da khi bỏng lạnh như thế nào?

Da bỏng lạnh là một dạng thương tổn trên da có thể xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với nước đá hoặc các vật lạnh. Trong thực thế, bỏng lạnh thường xảy ra sau khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ đóng băng hoặc dưới nhiệt độ đóng băng. Ví dụ, khi chườm túi lạnh trực tiếp lên da quá lâu giúp giảm đau xương khớp, giảm sưng phù nề các mô bên dưới, vùng da tại chỗ có thể bị bỏng lạnh.

Bỏng lạnh có bản chất là một dạng tê cóng nhẹ, trong đó da chưa đông cứng. Những vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng bởi bỏng lạnh là ở đầu ngón tay, ngón chân, má, cằm, tai và chóp mũi.

Các triệu chứng giúp nhận biết da khi bỏng lạnh bao gồm:

  • Quan sát thấy da chuyển màu trắng, nhợt nhạt hay màu xám hoặc trắng xanh
  • Sờ thấy bề mặt da lạnh và có mật độ cứng
  • Cảm giác tê buốt tại chỗ
  • Mất cảm giác nông và cảm giác sâu ở một bộ phận trên cơ thể
  • Các lớp da bị lột và bong tróc
  • Xuất hiện các vết phồng rộp trong suốt trên da hoặc chứa đầy máu
  • Da chuyển sang màu đen – đây là tình trạng nghiêm trọng, có thể da đã bị hoại tử do thiếu máu nuôi tại chỗ

2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng bỏng lạnh?

Bỏng lạnh thường có nguyên nhân là do da tiếp xúc trực tiếp với nước đá hoặc vật gì khác rất lạnh trong một thời gian dài. Theo đó, việc chườm đá hoặc chườm lạnh được sử dụng để điều trị các cơ bắp bị đau sau chấn thương có thể gây bỏng lạnh nếu chườm trực tiếp lên da trần. Ngoài ra, khi tiếp xúc lâu với tuyết, thời tiết lạnh hoặc trời đầy gió cũng có thể gây bỏng da nhiệt độ thấp.

Khi da bị bỏng lạnh, thành phần nước trong các tế bào trên da cũng sẽ bị đóng băng, tạo thành các tinh thể băng sắc nhọn và có thể vô tình làm hỏng cấu trúc tế bào da. Song song đó, các mạch máu gần da cũng bắt đầu co lại. Tình trạng này sẽ làm giảm lưu lượng máu đến các khu vực bị ảnh hưởng, gây ra tổn thương da lan rộng thêm.

Bỏng lạnh
Trực tiếp tiếp xúc với nước đá trong thời gian dài có thể gây bỏng lạnh

3. Các yếu tố nguy cơ gây da bị bỏng lạnh là gì?

Mỗi người đều có thể gặp phải nhiều nguy cơ bị bỏng lạnh và các chấn thương da do lạnh khác nếu dành nhiều thời gian trong điều kiện lạnh giá hoặc gió tốc độ cao và không ăn mặc phù hợp với những điều kiện đó.

Ngoài ra, các thói quen và tình trạng lối sống cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tuần hoàn hoặc khả năng phát hiện thương tổn trên da cũng có thể làm tăng nguy cơ bỏng lạnh. Cụ thể là một người sẽ có nguy cơ mắc bỏng lạnh cao hơn nếu được dùng các loại thuốc làm giảm lưu lượng máu đến da, chẳng hạn như thuốc chẹn beta; mắc bệnh đái tháo đường, bệnh lý mạch máu ngoại vi hoặc các tình trạng khác làm suy giảm tuần hoàn tại chỗ hay tuần hoàn hệ thống nói chung.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh thần kinh ngoại biên hoặc các tình trạng khác làm giảm khả năng phát hiện tổn thương da sẽ làm tăng thời gian tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, càng dễ dẫn đến khả năng bỏng lạnh. Ngoài ra, do cấu trúc làn da mỏng manh, trẻ nhỏ có lớp mỡ dưới da mỏng và người lớn tuổi đã bị teo lớp mỡ dưới da, những tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ bị bỏng lạnh lên cao hơn.

4. Cách sơ cứu da khi bỏng lạnh như thế nào?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ bỏng lạnh nêu trên, những việc cần làm như sau:

  • Đến bệnh viện càng sớm càng tốt!
  • Bảo vệ vùng da bị ảnh hưởng khỏi bị tổn thương thêm bằng cách quấn lại trong nhiều lớp quần áo khô, chăn ấm, khăn tắm hoặc thậm chí là giấy báo.
  • Nếu không thể đến bệnh viện sớm hoặc các triệu chứng rất nhẹ, hãy bắt đầu chườm ấm và băng lại vùng bị ảnh hưởng. Cách chườm ấm là sử dụng nước ấm, đặt phần da bị ảnh hưởng vào nước ấm 37-39°C, tránh dùng nước có nhiệt độ cao hơn vì dễ gây kích ứng da hay gây tổn thương da thêm.
  • Để ngăn ngừa các thương tích da do bỏng lạnh trở nên tồi tệ hơn, cần phải:
  • Đừng làm nóng vùng da bị ảnh hưởng một cách thô bạo vì sẽ tăng tổn thương cho da
  • Không chà xát phần da bị ảnh hưởng bằng tay hoặc bất cứ thứ gì khác vì ma sát cũng sẽ làm tăng thiệt hại cho các mô.
  • Không làm nóng da bằng cách sử dụng bếp, lò sưởi, lửa trần vì da đang rất nhạy cảm và có thể dễ bị bỏng.
  • Không hút thuốc hoặc uống rượu. Những điều này ảnh hưởng đến các mạch máu và lưu thông máu đến khu vực bị tổn thương.
  • Di chuyển người bị nạn đến một môi trường ấm áp hơn. Nẹp hoặc lót đệm cho khu vực da bị ảnh hưởng để giảm thiểu những chấn thương có thể xảy ra trong quá trình di chuyển.
  • Nếu vùng bỏng lạnh là chân thì đừng đi lại trên hai chân. Điều này có thể làm tăng tổn thương mô.

Trong trường hợp tổn thương da do bỏng lạnh mức độ nặng hay không nắm vững cách bước sơ cứu da khi bỏng lạnh, tốt nhất là nên đưa người bị nạn đến bệnh viện để đánh giá càng sớm càng tốt. Tình trạng tê cóng thường gây ra trên các vùng da và mô chết có thể cần phẫu thuật để loại bỏ và ngăn ngừa nhiễm trùng.

5. Cách phòng ngừa bỏng lạnh

Phòng ngừa bỏng lạnh
Hạn chế hút thuốc, uống rượu để phòng ngừa bị bỏng lạnh

Để ngăn ngừa tổn thương mô do nhiệt độ thấp, hãy tuân thủ các bước như sau:

  • Mặc đủ lớp để giữ ấm cho cơ thể. Che đậy cẩn thận trên các bộ phận cơ thể lộ ra ngoài để bảo vệ chúng khỏi thời tiết lạnh.
  • Ăn uống đủ chất khi ra ngoài trời lạnh.
  • Đừng uống rượu. Đừng hút thuốc. Một trong hai cách này có thể khiến da nhạy cảm hơn với lạnh.
  • Đừng để bị ướt.
  • Mang theo đồ giữ nhiệt khẩn cấp khi cần phải ra ngoài trong thời tiết lạnh.
  • Nếu cần phải sử dụng túi đá để chườm lạnh, hãy bọc túi đá trong một chiếc khăn mỏng và chỉ sử dụng trong tối đa 15 phút sau mỗi 1 đến 2 giờ.

Tóm lại, da bỏng lạnh là tình trạng tương đối hiếm gặp. Theo đó, các bước sơ cứu da khi bỏng lạnh không phải ai cũng luôn nắm vững. Tuy nhiên, điều quan trọng là tránh gây tổn thương da thêm khi đã bị bỏng lạnh và tốt nhất là nên đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Để phòng ngừa, cần trang bị các biện pháp giữ ấm cho cơ thể khi ra ngoài trời lạnh cũng như sử dụng túi chườm lạnh đúng cách khi cần dùng trên một vùng da.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan