Tại sao da bạn nhạy cảm với quần áo?

Nếu những chiếc áo len khiến bạn bị ngứa hoặc nếu mặc quần polyester bạn có thể bị phát ban. Đây là một phản ứng dị ứng các loại vải. Làn da của bạn đang phản ứng với các loại sợi trong quần áo hoặc với thuốc nhuộm, nhựa và các hóa chất khác được sử dụng để xử lý quần áo bạn mặc.

1. Nguyên nhân gây dị ứng các loại vải?

Vì quần áo tiếp xúc gần với da cả ngày, nên không có gì ngạc nhiên khi áo sơ mi, quần dài và quần lót có thể gây ra các vấn đề về da. Bất kỳ loại sợi nào cũng có thể gây phát ban, nhưng bạn có nhiều khả năng bị dị ứng các loại vải làm từ các chất liệu tổng hợp như polyester, rayon, nylon, spandex hoặc cao su. Chúng không thông thoáng như các loại sợi tự nhiên và vì thế chúng khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn.

Thường thì nguồn gốc gây nên tình trạng da nhạy cảm với vải là thuốc nhuộm hoặc các hóa chất khác trong quần áo. Nhựa formaldehyde được sử dụng để may quần áo không bị nhăn hoặc chống bám bẩn sẽ gây ra các vấn đề. Thuốc nhuộm, keo dán và hóa chất dùng để thuộc da hoặc tạo da cũng vậy. Nếu bị dị ứng với niken, bạn có thể có phản ứng ban đỏ da, ngứa khi nút quần jean xanh chạm vào da. Đây còn được gọi với tên riêng là viêm da niken. Đồ trang sức bằng niken cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Sự kết hợp giữa vải bó sát và mồ hôi của cơ thể cũng gây kích ứng da khi cọ xát vào người. Các bác sĩ gọi đây là tình trạng viêm da kích ứng, ít phổ biến hơn. Nó có thể trông giống như viêm da do vải, nhưng nguyên nhân là khác nhau.

2. Da nhạy cảm với quần áo biểu hiện bằng các triệu chứng như thế nào?

Tìm các vùng da mẩn đỏ, có vảy hoặc ngứa. Đôi khi chúng xuất hiện trong vài giờ sau khi bạn mặc quần áo vào, hoặc có thể mất vài ngày, vài tuần mới xuất hiện. Một số người thậm chí mặc cùng một món đồ trong nhiều năm trước khi phát ban.

Các triệu chứng thường bắt đầu ở các nếp gấp của da hoặc các vùng khác tiếp xúc với quần áo của bạn và những gì có trong đó bao gồm:

  • Các kẽ tay
  • Nếp gấp mặt sau đầu gối
  • Nách
  • Háng
  • Bất kỳ nơi nào quần áo của bạn chật
Ngứa nách rát 1
Vị trí nếp gấp như nách thường xuyên tiếp xúc với quần áo có thể gặp tình trạng ngứa

3. Ai có nguy cơ bị dị ứng các loại vải ?

Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn, vì họ thường mặc quần áo bó sát. Những người béo phì khi quá nóng và đổ mồ hôi cũng vậy. Bên cạnh đó, nơi làm việc cũng rất quan trọng. Những người có công việc ở những nơi nóng và ẩm ướt, như tiệm bánh, có khả năng bị viêm da cao hơn. Nếu bạn đeo găng tay cao su trong công việc, tay của bạn có thể bị kích ứng (có thể là viêm da kích ứng) hoặc bạn bị dị ứng với chính chất cao su đó. Đó là viêm da tiếp xúc dị ứng.

4. Cách phòng ngừa tình trạng da nhạy cảm với các loại vải

Điều đầu tiên cần thực hiện là ngừng mặc món đồ khiến bạn khó chịu. Da của bạn rất có thể sẽ sạch mụn trong vòng vài tuần. Hoặc bạn cũng có thể thử các biện pháp sau:

  • Mặc quần áo bằng sợi tự nhiên và quần áo rộng rãi để giảm lượng mồ hôi.
  • Chọn quần áo sáng màu với hàm lượng thuốc nhuộm thấp.
  • Tránh các mặt hàng có dán nhãn yêu cầu “giặt riêng”. Chúng có nhiều khả năng làm từ nhiều thuốc nhuộm hơn.
  • Không mặc quần áo có ghi là giặt và mặc, ép cố định, không ủi hoặc chống bám bẩn. Chúng có khả năng chứa các hóa chất gây kích ứng da của bạn.

5. Làm thế nào để biết nguyên nhân gây ra phát ban trên da?

Không dễ dàng để xác định xem vấn đề da của bạn là kích ứng hay dị ứng, một số quần áo được làm từ hỗn hợp các loại sợi, cúng có thể được xử lý bằng một số loại thuốc nhuộm và hóa chất. Nhưng nhìn chung, các vết phát ban và mẩn đỏ trông giống nhau và hầu hết mọi người khó phân biệt. Vị trí của phát ban có thể là manh mối cho biết nguyên nhân gây ra nó. Nếu nằm trên vùng thắt lưng, bạn có thể bị dị ứng với chất cao su trong quần lót. Lúc này bác sĩ có thể sử dụng một miếng dán da đặc biệt để kiểm tra những nguyên nhân gây dị ứng nghi ngờ này và tìm ra những nguồn nào “làm phiền” làn da của bạn.

Viêm da dị ứng
Từ vị trí phát ban có thể là manh mối giúp tìm nguyên nhân gây phát ban trên da

6. Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?

Nếu da của bạn không khỏi trong một vài tuần thì đã đến lúc bạn nên nói chuyện với bác sĩ da liễu. Ngoài ra, hãy kiểm tra với bác sĩ nếu phát ban bao phủ một vùng rộng lớn, gây ra cảm giác đau, ngứa dữ dội hoặc có vẻ như đang lan rộng thay vì thuyên giảm. Bác sĩ có thể đảm bảo rằng, bạn không bị nhiễm trùng trên da.

7. Điều trị tình trạng dị ứng các loại vải như thế nào?

Nếu bạn biết loại quần áo nào gây phát ban và bạn ngừng mặc quần áo đó, phát ban thường tự biến mất mà không cần sử dụng thuốc.

Nhưng nếu các triệu chứng không thuyên giảm và có xu hướng nặng lên, bác sĩ có thể điều trị cho bạn bằng các thuốc kháng histamin, kem dưỡng ẩm hoặc steroid để giúp giảm bớt tình trạng mẩn ngứa. Hoặc hãy thử tắm bằng bột yến mạch để làm dịu làn da. Các trường hợp viêm da nặng hơn có thể được điều trị bằng steroid đường uống như prednisone và cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tốt nhất khi da nhạy cảm với quần áo bạn cần chú ý tới việc chọn những loại quần áo bằng chất vải cotton, thoáng nhẹ, dễ mặc và hạn chế bó sát để giảm thiểu cảm giác gây kích ứng nên da. Trong trường hợp da nổi nhiều mẩn đỏ, không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên tới gặp bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn và có những chỉ định phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan