Thành phần kem chống nắng nào cần có và cần tránh

Kem chống nắng được coi là “vật bất ly thân” đối với cả nam và nữ giới để ứng phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay. Việc nắm rõ thành phần kem chống nắng và lựa chọn đúng loại phù hợp với làn da sẽ giúp bạn ngăn chặn được những tác động có hại của tia UV, đồng thời ngừa nguy cơ ung thư da.

1. Các thành phần kem chống nắng cần có và cần tránh

Kem chống nắng là một biện pháp thường được khuyến cáo áp dụng nhằm phòng ngừa và bảo vệ da trước những tác động có hại từ tia bức xạ cực tím (UV) của mặt trời. Có hai loại bức xạ cực tím chính, bao gồm tia UVA và UVB, đều gây hại cho da, dẫn đến tình trạng lão hoá sớm và tăng nguy cơ ung thư da. Những tia này tiếp xúc với làn da quanh năm, ngay cả khi bạn đang ở trong nhà (một số tia UV có thể xuyên qua kính) hoặc trời nhiều mây.

Việc nắm rõ cách chọn kem chống nắng phù hợp với làn da và không chứa những thành phần gây bất lợi cho da là điều khá khó khăn đối với nhiều người. Bởi lẽ, không phải bất kỳ thành phần kem chống nắng nào cũng đều tương thích với cơ địa da của tất cả mọi người, thậm chí nhiều chất còn mang lại rủi ro cao hơn lợi ích và được khuyến cáo tránh sử dụng, cụ thể:

1.1. Thành phần Tinosorb S và M

Tinosorb S và M là những chất thường có mặt trong các loại kem chống nắng hoá học. Đây là một trong những thành phần được phê duyệt và sử dụng phổ biến ở Châu Âu, Nhật Bản và Úc, tuy nhiên bị cấm ở Hoa Kỳ.

Thành phần Tinosorb S có khả năng bảo vệ chống lại tia UVA và UVB ngắn – dài. Vì vậy, Tinosorb S được xem là một trong những chất lý tưởng nhất để ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời tới làn da. Ngoài ra, Tinosorb cũng giúp ổn định các bộ lọc chống nắng khác và được cho phép dùng ở nồng độ lên đến 10%. Nhìn chung, thành phần này được thêm vào nhằm tăng hiệu quả của kem chống nắng và hiện vẫn chưa tìm thấy bất kỳ rủi ro nào liên quan đến Tinosorb.

1.2. Thành phần Mexoryl SX

Mexoryl SX thường được tìm thấy trong các loại kem chống nắng hoá học. Nghiên cứu cho thấy, Mexoryl SX đóng vai trò là một bộ lọc tia UV được dùng trong kem chống nắng và kem dưỡng da trên toàn cầu. Chất này có khả năng ngăn chặn tia sóng dài UVA1 làm thúc đẩy quá trình lão hoá da.

Một đánh giá khoa học vào năm 2008 cho biết, Mexoryl SX là một chất hấp thu tia cực tím cực hiệu quả, giúp ngăn ngừa tốt tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da. Mặc dù thành phần này đã được cấp phép lưu hành ở Châu Âu từ năm 1993, tuy nhiên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã không phê duyệt Mexoryl SX cho L’Oréal cho tới năm 2006. Về mặt y tế, thành phần kem chống nắng trên đã được xét duyệt an toàn cho trẻ em trên 6 tháng tuổi và người lớn.

Bạn nên lựa chọn những loại kem chống nắng có sự kết hợp của Mexoryl SX với Avobenzone. Sự có mặt của cả hai thành phần trên giúp tăng cường và ổn định khả năng chống tia UVA.

1.3. Thành phần Oxybenzone

Oxybenzone là một thành phần có trong các loại kem chống nắng vật lý, giúp lọc cả tia UVA ngắn và UVB. Đây được đánh giá là một trong những chất phổ biến nhất, có mặt ở phần lớn các loại kem chống nắng trên thị trường Hoa Kỳ và chiếm tới khoảng 6% thành phần trong chai. Tuy nhiên, sau một nghiên cứu khoa học, Hawaii (Nhật Bản) đã cấm Oxybenzone bởi thành phần này góp phần tẩy trắng và gây độc hại tới các rạn san hô.

Vì lý do môi trường, bạn có thể tránh dùng các sản phẩm chống nắng chứa Oxybenzone và tìm kiếm loại kem thân thiện hơn. Ngoài ra, khi lựa chọn kem chống nắng an toàn cho da, những người sở hữu làn da nhạy cảm nên hạn chế hoặc tránh dùng những công thức có chứa Oxybenzone.

1.4. Thành phần Octinoxat

Octinoxat có trong những loại kem chống nắng hoá học, được biết đến với khả năng hấp thu tốt tia UVB, nhờ vậy ngăn ngừa hiệu quả tác hại của ánh nắng mặt trời. Khi phối hợp Octinoxat cùng với Avobenzone sẽ cung cấp cho người dùng khả năng bảo vệ da phổ rộng, vừa chống cháy nắng vừa ngừa lão hoá.

Hiện nay, thành phần Octinoxat được phép sử dụng với nồng độ lên đến 7,5%. Tuy nhiên vì lý do môi trường nên chất này bị cấm ở một số nước và khuyến cáo nên hạn chế sử dụng.

1.5. Thành phần Avobenzone

Avobenzone là thành phần có mặt phổ biến trong các loại kem chống nắng hoá học. Hiện nay, Avobenzone được dùng nhằm ngăn chặn toàn bộ các tia UVA, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy chất này mang tính không ổn định khi sử dụng trong kem chống nắng vật lý.

Bản thân Avobenzone sẽ mất đi tính ổn định khi tiếp xúc với ánh sáng. Để ngăn chặn tình trạng trên, Avobenzone thường được kết hợp với những thành phần khác như Mexoryl nhằm củng cố thêm độ ổn định. Tại nhiều quốc gia, Avobenzone còn được dùng cùng với Oxit kẽm và Titan dioxide, tuy nhiên tại Hoa Kỳ không chấp thuận sự phối hợp này.

Nhìn chung, dù được bổ sung vào các công thức kem chống nắng phổ rộng, nhưng Avobenzone thường được kết hợp với những hoá chất khác bởi bản thân nó bị mất đi khoảng 50 – 90% khả năng lọc UV trong vòng một giờ tiếp xúc với ánh sáng. Cục FDA cho rằng thành phần này là an toàn đối với sức khoẻ và làn da, tuy nhiên nên hạn chế dùng ở nồng độ 3% trong hầu hết các công thức chống nắng.

1.6. Thành phần Titan dioxide

Titan dioxide là một chất có trong kem chống nắng vật lý, hoạt động như một bộ lọc tia UV phổ rộng, tuy nhiên không ngăn chặn được tia UVA1 dài. Hiện nay, Cục FDA đã chấp thuận sử dụng Titan dioxide cho trẻ em trên 6 tháng tuổi và nghiên cứu cũng cho thấy thành phần này an toàn hơn so với những chất khác khi tiếp xúc với da.

Mặc dù được đánh giá là an toàn, tuy vậy bạn cần tránh dùng Titan dioxide dưới dạng phun vì nó tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm. Kết quả thử nghiệm năm 2011 đã báo cáo rằng, các hạt Nano oxit titan khi tiếp xúc qua đường miệng có thể gây ung thư cho người dùng. Ngoài có mặt trong kem chống nắng, Titan dioxide còn được dùng trong các sản phẩm khác như phấn nén, đồ trang điểm có SPF, mỹ phẩm làm trắng hoặc kem dưỡng da.

1.7. Thành phần Kẽm oxit

Kẽm oxit thường xuất hiện trong các loại kem chống nắng vật lý, là chất GRASE thứ hai, được cho phép sử dụng ở nồng độ lên đến 25%. Các nghiên cứu đã chỉ ra Kẽm oxit an toàn đối với làn da và không nhận thấy sự thâm nhập của chất vào da ngay cả khi được sử dụng nhiều lần. Kẽm oxit không gây hại cho sức khỏe, trừ khi bạn hít hoặc nuốt chúng.

So với Avobenzone và Oxit titan, Kẽm oxit là một chất ổn định, an toàn và chống nắng hiệu quả đối với làn da nhạy cảm. Tuy nhiên, chất này không có tác dụng chống nắng cao hơn so với loại hoá học và không có khả năng bảo vệ làn da khỏi nguy cơ cháy nắng trước ánh nắng mặt trời.

1.8. Thành phần PABA và Trolamin salicylat PABA

PABA và Trolamin salicylat PABA có mặt trong cả kem chống nắng hoá học (PABA) lẫn vật lý (Trolamin). Hay còn được biết đến là Axit para-aminobenzoic, một chất có khả năng hấp thu tia cực tím cực mạnh. Tuy nhiên hiện nay mức độ phổ biến của các thành phần kem chống nắng trên đã giảm dần do nguy cơ gây viêm da dị ứng và tăng nhạy cảm với ánh sáng.

Một số nghiên cứu trên động vật cũng cho biết, PABA và Trolamin salicylat PABA có mức độ độc hại nhất định, vì vậy Cục FDA đã hạn chế nồng độ của chúng trong các công thức ở mức 5%. Tuy nhiên, tại Canada đã cấm tuyệt đối việc sử dụng PABA trong các sản phẩm dưỡng da hay mỹ phẩm nói chung.

Trolamin salicylat còn được gọi là Tea-Salicylate (được xếp vào nhóm GRASE vào năm 2019), có khả năng hấp thu tia cực tím tương đối yếu. Do đó, chất này đã bị giới hạn về tỷ lệ phần trăm tương tự như những thành phần GRASE khác.

2. Những mẹo bôi kem chống nắng an toàn và hiệu quả nhất định phải biết

Ngoài việc tìm hiểu thành phần kem chống nắng, các tín đồ làm đẹp cũng cần biết cách bôi kem đúng chuẩn để đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu:

  • Luôn lựa chọn kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất 30 và có tác dụng bảo vệ phổ rộng.
  • Thoa kem chống nắng với lượng vừa đủ, đảm bảo phát huy tốt khả năng bảo vệ da trước tia UV. Thông thường, bạn sẽ cần khoảng nửa thìa cà phê kem chống nắng cho vùng mặt và cổ.
  • Nhớ thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 – 3 giờ, nhất là khi ở ngoài trời và sau khi tiếp xúc với nước. Nếu bạn trang điểm, nên chọn phấn phủ có thêm SPF để tăng cường tác dụng chống nắng.
  • Đừng quên thoa kem chống nắng cho vùng mắt và tai.

3. Cách chọn kem chống nắng phù hợp theo làn da

Việc tìm kiếm đúng loại kem chống nắng phù hợp với làn da của bản thân cũng khó như tìm tri kỷ. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn sớm tìm ra đâu là sản phẩm chống nắng dành riêng cho mình:

  • Da khô: Những người có làn da khô cần bổ sung thêm độ ẩm, vì vậy nên hướng tới các loại kem chống nắng dạng kem, dùng ngay sau khi thoa kem dưỡng ẩm. Những sản phẩm chống nắng dạng kem thường có chứa nhiều thành phần dưỡng ẩm như Glycerin, Ceramides, mật ong hoặc Axit hyaluronic.
  • Da dầu: Nên lựa chọn kem chống nắng dạng nước hoặc gel với lớp nền mỏng nhẹ. Những loại kem chống nắng giúp kiềm dầu tốt thường chứa các thành phần như dầu cây trà, trà xanh và Niacinamide.
  • Da thường: Có thể lựa chọn bất kỳ loại kem chống nắng nào, dạng vô cơ, hữu cơ, kem hoặc gel, miễn sao tránh sản phẩm dễ để lại cặn trắng trên da sau khi sử dụng.
  • Da nhạy cảm: Cần tránh những loại kem có chứa thành phần dễ gây kích ứng như nước hoa, rượu, Axit para-aminobenzoic (PABA), Cinnamate, Salicylat và Oxybenzone. Nên chọn loại kem chống nắng có chứa Oxit kẽm, Titan dioxide, Madecassoside, Allantoin và Panthenol vì chúng ít gây kích ứng da.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

526 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan