Lý giải hiện tượng thiếu oxy khi ngủ

Thiếu oxy khi ngủ là hiện tượng giảm oxy và tăng khí CO2 trong máu. Bất cứ ai cũng có thể bị chứng thiếu oxy khi ngủ. Những người mắc hội chứng thiếu oxy khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khiến thiếu oxy toàn thân và gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não... thậm chí là đột tử.

1. Thế nào là thiếu oxy khi ngủ?

Thiếu oxy khi ngủ là hiện tượng gây giảm oxy và tăng khí CO2 trong máu. Nó sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não. Nguy cơ tử vong, tăng huyết áp gia tăng khi tổng số đợt ngưng thở khi ngủ trong một giờ càng gia tăng. Số lần ngưng thở khi ngủ càng nhiều thì tỷ lệ bệnh tim mạch càng cao.

Những người bị chứng thiếu oxy khi ngủ có thể không biết giấc ngủ của họ bị gián đoạn. Trong thực tế, nhiều người có hiện tượng này vẫn nghĩ rằng họ ngủ ngon cả đêm.

2. Nguyên nhân hiện tượng thiếu oxy khi ngủ

Bất cứ ai cũng có thể bị chứng thiếu oxy khi ngủ, mặc dù nó thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhiều hơn. Nó cũng đặc biệt phổ biến ở những người thừa cân. Điều trị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể liên quan đến sử dụng một thiết bị để giữ cho đường thở mở hoặc trải qua một thủ thuật để loại bỏ các mô tế bào ở miệng, mũi hay cổ họng. Nguyên nhân gây hiện tượng thiếu oxy khi ngủ là:

  • Do trọng lượng: Hơn một nửa số những người bị thiếu oxy khi ngủ tắc nghẽn là thừa cân. Chất béo của đường hô hấp trên có thể cản trở hơi thở. Tuy nhiên, không phải tất cả những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ là thừa cân và ngược lại. Người gầy cũng có thể phát triển các rối loạn này
  • Do kích thước cổ: Kích thước của cổ có thể cho thấy có hay không có nguy cơ ngưng thở khi ngủ, bởi cổ dày có thể thu hẹp đường thở và là một dấu hiệu cho thấy trọng lượng dư thừa. Chu vi vòng cổ lớn hơn 17 inch (43 cm) đối với nam và 15 inch (38 cm) với phụ nữ được kết hợp với tăng nguy cơ thiếu oxy khi ngủ tắc nghẽn
  • Tăng huyết áp: Thiếu oxy khi ngủ tương đối phổ biến ở những người bị tăng huyết áp
  • Đường thông khí bị thu hẹp: Có thể kế thừa cổ họng hẹp tự nhiên hoặc amidan vòm họng có thể nở to và chặn đường thở
  • Nghẹt mũi kinh niên: Thiếu oxy khi ngủ thường xuyên xảy ra ở những người có nghẹt mũi vào ban đêm và tỷ lệ mắc gấp hai lần ở người nghẹt mũi kinh niên. Điều này có thể là do đường hô hấp thu hẹp
  • Bệnh tiểu đường: Thiếu oxy khi ngủ mắc nhiều hơn ba lần ở những người có bệnh tiểu đường
  • Bệnh xảy ra thường xuyên hơn 2-3 lần ở người lớn trên 65 tuổi. Nguy cơ thiếu oxy khi ngủ tăng sau khi mãn kinh. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ thiếu oxy khi ngủ gần gấp ba lần
Thiếu oxy khi ngủ
Thiếu oxy khi ngủ mắc nhiều hơn ba lần ở những người có bệnh tiểu đường

3. Dấu hiệu nhận biết thiếu oxy khi ngủ

Một số dấu hiệu thường gặp ở người bị thiếu oxy khi ngủ là:

  • Ngủ ngáy: Đây là dấu hiệu thường gặp của người bị thiếu oxy khi ngủ. Bên cạnh đó, kèm theo ngủ ngáy là tiếng khịt mũi, thở gấp, nghe như bị nghẹt thở
  • Mệt mỏi cả ngày: Người bị thiếu oxy khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt
  • Buồn ngủ vào ban ngày: Đây là một trong các dấu hiệu đặc trưng của hội chứng thiếu oxy khi ngủ. Buồn ngủ ban ngày làm chất lượng công việc giảm sút, dễ gây tai nạn giao thông và tai nạn lao động...
  • Đau đầu khi thức dậy: Thường xuyên cảm thấy đau đầu mỗi sáng thức dậy có thể do hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra. Nguyên nhân do sự thay đổi nồng độ oxy ở não trong đêm.

Những người mắc chứng thiếu oxy khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì sẽ khiến không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp, có nguy cơ bệnh mạch vành, mạch máu não, có thể bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não,...

Chính vì vậy, thiếu oxy khi ngủ về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử. Trong ngắn hạn, thiếu oxy khi ngủ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung trong học tập, công việc, lao động, đặc biệt có thể gây tăng động ở trẻ nhỏ, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Thiếu oxy khi ngủ
Ngủ ngáy là triệu chứng của thiếu oxy khi ngủ

4. Điều trị hiện tượng thiếu oxy khi ngủ

  • Với mức độ nhẹ: Chủ yếu thay đổi lối sống, giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần. Có thể dùng dụng cụ nâng hàm để gắn ở miệng với tác dụng đưa hàm dưới ra trước, tăng khoảng trống của vùng hầu và vùng sau đáy lưỡi, giảm tính xẹp của vùng hầu để tránh hiện tượng thiếu oxy khi ngủ
  • Với mức độ trung bình: Một số bệnh nhân được điều trị theo phương pháp phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà nếu như nguyên nhân gây thiếu oxy khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng. Khi đó bệnh nhân sẽ được cắt amidan, lưỡi gà và vòm khẩu cái sau để điều trị bệnh
  • Với mức độ nặng: Thở áp lực dương liên tục trong lúc ngủ với máy thở (CPAP), gắn với mặt nạ mũi hoặc mặt nạ miệng, được chỉ định đối với các trường hợp được hội chẩn là ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình và nặng. Máy thở sẽ có tác dụng giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên, giảm buồn ngủ vào ban ngày ở hầu hết tất cả các bệnh nhân, cải thiện tăng huyết áp và tiểu đêm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan