Bổ sung kẽm, vitamin A và vi chất dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tiêu chảy là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em, với tỷ lệ mắc cao và mỗi năm trên thế giới có hàng triệu trẻ tử vong do bệnh lý này. Một số thông tin cho rằng việc bổ sung vitamin A, kẽm trong điều trị tiêu chảy sẽ giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh hơn.

1. Vai trò của kẽm trong điều trị tiêu chảy

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng thiếu kẽm có liên quan chặt chẽ với bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Kẽm là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Một số nghiên cứu đã chứng minh ở nước ta có khoảng 30 - 40% trẻ em dưới 1 tuổi bị thiếu kẽm.

Một số cơ chế tác dụng tốt của kẽm đối với cơ thể gồm có:

  • Kẽm làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống các tác nhân gây bệnh tốt hơn.
  • Kẽm giúp cho cơ quan tiêu hóa phát triển, góp phần thiết lập lại quá trình hấp thu bình thường của ruột vốn đang bị rối loạn trong thời gian tiêu chảy.
  • Kẽm còn có tác dụng làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ bị suy dinh dưỡng, biếng ăn...

Chính vì vậy, việc bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em là rất cần thiết. Thực tế cho thấy việc bổ sung kẽm cho trẻ em dưới 6 tháng với liều lượng 10mg/ngày và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi là 20mg/ngày, liên tục trong 10 - 14 ngày vào phác đồ điều trị tiêu chảy, kết hợp với dùng ORS có độ thẩm thấu thấp rất hiệu quả và làm giảm mức độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy.

Ngoài ra, kẽm còn giúp cho trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Kết quả của các nghiên cứu đã được thực hiện đều chứng minh, khi bệnh nhân sử dụng kẽm điều trị tiêu chảy sẽ giúp làm giảm số lượng nước trong phân, giảm số lần đi ngoài, giảm mức độ nặng và giảm thời gian bị bệnh so với những trẻ bị tiêu chảy mà không được bổ sung kẽm.

Trong điều trị dự phòng, việc bổ sung đủ kẽm cũng giúp làm giảm tỷ lệ mắc mới bệnh tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho trẻ em cần thiết phải bổ sung thêm kẽm. Ngoài ra, bác sĩ có thể phối hợp với bổ sung cho trẻ các loại vitamin nhóm B, vitamin A... để giúp tăng hiệu quả điều trị tiêu chảy.

Kẽm có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Để không bị thiếu kẽm, bạn nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm. Chú ý, bạn nên cho trẻ ăn thức ăn có nguồn gốc từ động vật (hàu, trai, hến, thịt gà...); uống bổ sung các sản phẩm chứa kẽm theo chỉ dẫn của bác sĩ khi trẻ có biểu hiện thiếu kẽm.

Kẽm trong điều trị tiêu chảy
Sử dụng kẽm trong điều trị tiêu chảy sẽ làm giảm lượng nước trong phân

2. Bổ sung vitamin A, kẽm và các vi chất dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy

Một nghiên cứu đã được thực hiện với mục tiêu so sánh hiệu quả lâm sàng của việc bổ sung kẽm, kẽm cộng với vitamin A và kết hợp kẽm với các vi chất dinh dưỡng và vitamin (sắt, đồng, selen, vitamin B12, folate, vitamin A) trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em.

Đây là một thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược. Thử nghiệm được tiến hành trên trẻ em từ 6 đến 24 tháng tuổi bị tiêu chảy và mất nước vừa phải được phân ngẫu nhiên để nhận kẽm cộng với bổ sung vitamin A, giả dược (nhóm 1), kẽm cộng với các vi chất dinh dưỡng khác cộng với vitamin A (nhóm 2), kẽm và vitamin A (nhóm 3) hoặc giả dược (nhóm 4) như một chất bổ trợ cho giải pháp bù nước bằng đường uống.

Thời gian, mức độ tiêu chảy và tiêu thụ dung dịch bù nước uống được so sánh như các biến kết quả trong nhóm được bổ sung và với nhóm giả dược.

Kết quả thử nghiệm cho thấy có 167 đối tượng nghiên cứu, bao gồm 41 trẻ ở nhóm 1, 39 trẻ ở nhóm 2, 44 trẻ ở nhóm 3 và 43 trẻ ở nhóm 4. Cả 3 nhóm được bổ sung đều cho thấy sự giảm đáng kể về thời gian, mức độ tiêu chảy và tiêu thụ dịch bù nước uống so với nhóm giả dược.

Nhóm 3 có mức giảm thấp nhất của các biến kết quả và nhóm 2 có sự phục hồi nhanh chóng, nhưng sự khác biệt giữa các nhóm được bổ sung không có ý nghĩa thống kê.

Như vậy việc bổ sung kết hợp vi chất dinh dưỡng và vitamin không vượt trội so với chỉ bổ sung kẽm, điều này khẳng định lợi ích lâm sàng của kẽm ở trẻ bị tiêu chảy.

Đặc biệt, việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé, kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan