Các loại chàm ở trẻ sơ sinh

Ở lần tắm đầu tiên sau khi sinh, da của trẻ có thể hơi đỏ do một lượng lớn hồng cầu trong máu. Sau đó da trẻ nhanh chóng chuyển sang nhợt nhạt hoặc nổi vân xanh nếu lạnh. Ngoài ra nhiều trẻ sẽ xuất hiện các ban đỏ hoặc vết chàm. Vậy các loại chàm ở trẻ sơ sinh gồm những loại nào?

1. Các loại chàm ở trẻ sơ sinh

Chàm sữa (lác sữa) là dạng chàm thể tạng phổ biến ở trẻ sơ sinh từ 2 tháng- 2 tuổi, với đặc tính là bệnh viêm da mạn tính, gồm 3 triệu chứng chính là khô da, đỏ da và ngứa nhiều. Bệnh thường khởi phát lúc trẻ 2-3 tháng tuổi với sự xuất hiện các đám mụn nước trên nền da đỏ vùng 2 má, trán và cằm, trẻ cào gãi nhiều do ngứa khiến tổn thương chảy dịch nhiều, làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Các loại các loại chàm ở trẻ sơ sinh gồm có:

  • Thể cấp tính: Các mụn nước màu hồng trên da, tiết dịch nhiều, có thể vỡ ra và gây phù nề;
  • Thể mạn tính: Tổn thương xuất hiện trên vùng da rộng, da bị khô ráp và có thể dày sừng, liken hoá;
  • Thể bán cấp: Thường tiết dịch ít hơn, do đỏ ít và không phù nề.

2. Nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chàm ở trẻ em như:

  • Yếu tố di truyền: Chiếm tới 60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này, nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì 80% trẻ sinh ra bị chàm sữa.
  • Trẻ bị chàm sữa hiếm khi liên quan đến dị ứng thực phẩm. Nếu phụ huynh nghĩ con bị dị ứng thực phẩm thì nên tham khảo ý kiến chuyên gia dị ứng để được đánh giá chi tiết hơn.
  • Các yếu tố làm khởi phát chàm sữa ở trẻ có thể kể đến như dị nguyên (sữa công thức, không khí, vật nuôi, phấn hoa); chất kích ứng da (xà phòng, bột giặt, thuốc tẩy, vải len, khói bụi,...); khí hậu (nóng, lạnh, khô); nhiễm trùng, nhiễm siêu virus, da khô do tắm rửa nhiều lần

3. Phân biệt chàm ở trẻ với các bệnh lý về da khác

Chàm sữa thường xuất hiện nhiều ở vùng mặt của trẻ sơ sinh, nhất là 2 bên má. Chúng thường khởi phát trên bề mặt da trẻ chỉ từ một số nốt hồng đỏ rồi tập trung thành từng mảng. Trên nền hồng ban có xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ riêng lẻ hoặc tập trung thành từng bóng nước, chảy tiết dịch, có vảy và bong tróc. Tuỳ giai đoạn phát triển mà biểu hiện của chàm sữa sẽ khác nhau như:

  • Giai đoạn da tấy đỏ: Là khi chàm sữa mới khởi phát nên tại vùng da tổn thương xuất hiện các mảng đỏ, hơi ngứa hoặc cũng có thể thêm các hạt màu trắng sau tạo thành mụn nước.
  • Giai đoạn nổi mụn nước: Là giai đoạn da trở nên đỏ hơn, mụn nước tập trung thành hạt lớn, bên trong có dịch, thường nông và dày. Mụn nước dễ vỡ nên khi trẻ gãi dễ khiến chàm lan ra các vùng da xung quanh.
  • Giai đoạn chảy nước: Là khi vùng da bị tổn thương do nhiều vết trầy xước, mụn nước vỡ nên chảy nước ra, dễ gây nhiễm trùng.
  • Giai đoạn da nhẵn: Mụn nước bị vỡ một thời gian sẽ đọng lại thành huyết thanh trên da. Theo thời gian tạo thành vảy tiết dày và bong vảy, để lại lớp da nhẵn bóng.
  • Giai đoạn bong da: Là lớp da nhẵn vừa được tái tạo nhanh chóng tự rạn da, bong vảy và gây ngứa.

Để phân biệt chàm sữa với các bệnh lý ngoài da khác ở trẻ sơ sinh cần chú ý một số đặc điểm sau:

  • Rôm sảy: Là mụn nước tập trung ở vùng da nóng, ẩm, gây ngứa nhiều khi thời tiết nóng và giảm nếu thời tiết dịu mát.
  • Mề đay: Là các nốt mẩn và phù tạo thành từng đám hoặc rải rác.
  • Chốc lở: là mụn hoặc bóng nước trên da chuyển thành mủ, khi vỡ ra khô lại sẽ đóng vảy dày có màu vàng.
  • Bệnh vảy trắng: Là vùng da bị giảm sắc tố, màu trắng, chứa nhiều vảy mịn, thường ở nửa thân trên và tay hoặc má.

4. Xử trí chàm sữa ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Bản chất chàm sữa không lây và không ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhưng nếu tình trạng bệnh tái phát kéo dài sẽ khiến trẻ vô cùng khó chịu. Nhìn chung rất khó để điều trị khỏi hẳn chàm sữa và dễ tái phát khi trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh hoặc thay đổi thời tiết. Trước thời điểm trẻ 2 tuổi bệnh thường dai dẳng và chỉ ổn định sau 2 tuổi với 95% các trường hợp, còn 5% trẻ sẽ chuyển thành viêm da cơ địa khi lớn. Nguyên tắc chung trong việc điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh là:

  • Chăm sóc da và làm ẩm da.
  • Điều trị kháng viêm.
  • Điều trị ngứa.

Tuỳ vào từng cơ địa mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc thích hợp, có thể là chống viêm, kháng histamin nếu có bội nhiễm hay kháng sinh nếu có nhiễm trùng, mủ da. Ngoài ra cần giữ ẩm da giúp giảm độ nặng và tần suất tái phát, phục hồi da cho trẻ. Thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ trong vòng 3 phút sau khi tắm ngày 2-3 lần. Sau khi khỏi hẳn vẫn duy trì dùng một thời gian sau để tránh tái phát. Tuy nhiên, những loại kem dùng cho trẻ cần theo khuyến cáo của bác sĩ, tránh loại kích ứng không an toàn.

5. Chăm sóc trẻ bị chàm sữa tại nhà như thế nào?

Việc trị khỏi hoàn toàn chàm sữa là rất khó khăn, lại dễ tái phát nên việc chăm sóc trẻ bị chàm sữa tại nhà trong 2 năm đầu đời vừa là điều trị vừa là phòng ngừa tái phát chàm về sau. Phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ bị chàm sữa như sau:

  • Vệ sinh tắm rửa: Tắm nước ấm, không quá 2 lần mỗi ngày, mỗi lần không quá 15 phút. Dùng sữa tắm dịu nhẹ, pH trung tính hay acid nhẹ hoặc Lactodiall. Lau khô sau khi tắm bằng khăn mềm, mịn không chà xát mạnh lên da trẻ. Thoa chất dưỡng ẩm thường xuyên sau khi tắm 3 phút, ngày 3-4 lần. Không nên để trẻ tiếp xúc với bột giặt, hoá chất, phấn rôm, nước hoa,...
  • Quần áo: Cho trẻ mặc quần áo làm từ 100% cotton giúp thông thoáng, không mặc đồ quá chặt hay vải bằng sợi len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da.
  • Tránh xước da cho trẻ: cắt ngắn móng tay để trẻ tránh việc tự gãi gây nhiễm trùng da hoặc mang vớ, găng tay cho trẻ hạn chế gãi lên da
  • Không gian ở: Thông thoáng, sạch sẽ, không khói thuốc, nước hoa hay vật nuôi. Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm thấp.
  • Ăn uống: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kiêng thực phẩm dễ gây dị ứng, cho trẻ uống thêm nước (ở trẻ không bú mẹ hoặc đã trên 6 tháng tuổi). Vệ sinh nhẹ nhàng sạch sẽ sau mỗi lần trẻ bú hoặc ăn.

Đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi có các dấu hiệu sau:

  • Sang thương da lan rộng hết mặt hay toàn thân.
  • Bội nhiễm mủ trên vết chàm.
  • Sốt, lừ đừ, bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc, khó chịu.

Tóm lại, bản chất chàm sữa không lây và không ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ, nhưng nếu tình trạng bệnh tái phát kéo dài sẽ khiến trẻ vô cùng khó chịu. Do đó, nếu phát hiện các bất thường trên da của trẻ, phụ huynh nên đưa con tới cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan