Các vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến tăng trưởng và nhận thức của trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra các bằng chứng mạnh mẽ cho thấy suy dinh dưỡng, thiếu protein, không đủ năng lượng, thiếu sắt và i-ốt ngay từ khi còn nhỏ sẽ dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức và sự tăng trưởng của trẻ. Gần đây, kết quả nghiên cứu vẫn tiếp tục chỉ ra rằng các vi chất dinh dưỡng cũng đóng một vai trò trong sự phát triển của trẻ nhỏ.

1. Vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và nhận thức của trẻ

Phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành một loạt các hướng dẫn về bổ sung dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Bổ sung dinh dưỡng không chỉ có thể cải thiện sự tăng trưởng và sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng lớn đến nhận thức của trẻ. Việc đạt được sự phát triển sớm tối ưu là rất quan trọng bởi đây là tiền đề đáng tin cậy về sức khỏe, giáo dục và hạnh phúc sau này.

Trên thực nghiệm, hậu quả của việc sử dụng vitamin A liều cao gây thừa hoặc việc bổ sung thiếu vitamin A đã được chứng minh là có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em. Một phân tích tổng hợp từ các thử nghiệm can thiệp vào mức độ vitamin A cho thấy tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân đã giảm tổng thể là 23% khi vitamin A được duy trì ở mức ổn định. Trẻ chậm phát triển, đặc biệt là thể thấp còi được ghi nhận có các dấu hiệu lâm sàng của tình trạng thiếu vitamin A.

Ngoài ra, sự thiếu hụt kẽm - chất cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA và protein - sẽ dẫn đến tình trạng chậm phát triển và chậm sự thành thục của hệ sinh dục. Trẻ sinh non sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng kẽm trong việc hỗ trợ sự tăng trưởng của trẻ.

Kẽm cũng đóng một vai trò quan trọng trong chức năng não dựa trên bằng chứng mạnh mẽ từ các thí nghiệm trên động vật. Thiếu kẽm khi mang thai ở chuột nhắt, chuột cống, khỉ sẽ gây suy giảm khả năng học tập, giảm chú ý và trí nhớ kém ở con cái của chúng. Tuy nhiên dữ liệu về con người vẫn còn rất ít và hiện chưa thể kết luận được.

Liên quan đến chức năng não và nhận thức, các vi chất dinh dưỡng khác cũng ảnh hưởng rất lớn như:

  • Axit docosahexaenoic (DHA) giúp cải thiện thị lực và sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ;
  • Bổ sung folate trong thời kỳ mang thai giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh;
  • Thiếu hụt selen ở động vật ảnh hưởng đến hoạt động của các enzym cần thiết cho sự phát triển chức năng của não.

Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy các vi chất dinh dưỡng khác ngoài sắt và i-ốt có thể quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ và phát triển trí não, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu có kiểm soát hơn ở người.

vi chất dinh dưỡng
Bổ sung vi chất dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện

2. Giai đoạn nào cần chú trọng bổ sung các vi chất dinh dưỡng?

Số lượng chất dinh dưỡng dường như là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển nhận thức tối ưu. Việc bổ sung từ 5 vi chất dinh dưỡng trở lên có những lợi ích mạnh mẽ hơn nhiều so với chỉ bổ sung những chất dinh dưỡng đơn lẻ. Điều này có liên quan đến thực trạng thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng cùng lúc - vấn đề tương đối phổ biến ở các nước đang phát triển. Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng đồng thời sẽ giúp thu hẹp khoảng cách và chuẩn bị nền tảng tối ưu cho sự phát triển trí não.

Thời thơ ấu trẻ cần được bổ sung sắt, kẽm, canxi, vitamin B2, protein... các chất này đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện kết quả nhận thức mặc dù cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên hầu hết đều có liên quan đến vai trò của những chất dinh dưỡng này trong sự phát triển trí não sớm. Ví dụ, protein đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não và nâng cao khả năng nhận thức, vitamin B2 (riboflavin) cần thiết để chuyển hóa axit béo liên quan đến sự phát triển của tế bào não...

Thời gian thực hiện việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự phát triển nhận thức của trẻ, do não của chúng ta phát triển nhanh nhất trong những năm đầu đời, vì vậy các chương trình bổ sung được thực hiện từ 6 - 18 tháng tuổi sẽ mang lại lợi ích lớn nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Mặt khác, bổ sung dinh dưỡng trong 3 tháng đầu của thai kỳ thực sự có lợi cho sự phát triển nhận thức của trẻ.

Vấn đề quan trọng cần được lưu ý bao gồm: các chất dinh dưỡng đơn và đa lượng nào sẽ được bổ sung trong chế độ ăn, tình trạng thiếu hụt thực tế của từng cá thể, các chỉ số cho thấy trẻ đáp ứng tốt và các yếu tố ảnh hưởng như môi trường, tâm lý và xã hội. Bổ sung dinh dưỡng trước khi sinh nên nhắm mục tiêu vào phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu để có lợi ích phát triển nhận thức tối ưu.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, nature.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

650 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan