Cách chữa ho có đờm cho trẻ sơ sinh

Ho có đờm ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến, về lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Việc chữa ho có đờm cho trẻ sơ sinh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh việc lạm dụng thuốc để lại những hậu quả nghiêm trọng.

1. Sử dụng thuốc ho cho trẻ khi ho đờm

Cách chữa ho có đờm cho trẻ sơ sinh phụ thuộc vào cả âm thanh của cơn ho và độ tuổi của trẻ. Cụ thể là nếu trẻ còn trong một tháng tuổi, sử dụng thuốc ho cho trẻ khi ho đờm không phải là một lựa chọn, vì hầu hết các nhãn ghi rõ không nên cho trẻ sơ sinh dùng những sản phẩm này.

Nếu trẻ dưới hai tuổi, không bao giờ cho trẻ dùng các sản phẩm trị ho và cảm lạnh với thuốc thông mũithuốc kháng histamin mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên, trong các cách chữa ho có đờm cho trẻ, cũng có một số tranh luận về việc liệu thuốc cảm có hiệu quả trong việc điều trị ho hay không. Một đánh giá tổng quan về các nghiên cứu đã kết luận là không có bằng chứng xác đáng về hiệu quả của thuốc chữa ho thông thường có tác dụng trong cơn ho cấp tính. Ngoài ra, siro ho còn được biết đến như một loại thuốc kết hợp vì sản phẩm này có thể điều trị nhiều hơn một triệu chứng. Điều này có nghĩa là thuốc ho cũng có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ và đi kèm với nguy cơ quá liều khi tự ý dùng cho trẻ nhỏ.

Vậy nên, một trong các cách chữa ho có đờm cho trẻ là dùng thuốc ho. Thuốc ho có thể giúp trẻ giảm ho nhưng cha mẹ không nên dùng cho trẻ dưới bốn tuổi, vì thuốc có thể gây hại cho trẻ. Thay vào đó, nên ưu tiên những cách chữa ho có đờm ở trẻ sơ sinh không dùng thuốc.

2. Các biện pháp chữa ho có đờm cho trẻ tự nhiên, không dùng thuốc

Ngoài cách chữa ho có đờm ở trẻ sơ sinh bằng thuốc thì có một số lựa chọn về các phương pháp chữa ho tự nhiên, có thể thực hiện ngay tại nhà mà không cần dùng thuốc, cha mẹ có thể tham khảo:

2.1. Máy tạo ẩm

Máy tạo độ ẩm giúp làm lỏng chất nhầy, có thể làm giảm ho và tắc nghẽn ở trẻ nhỏ bằng cách bổ sung thêm hơi nước vào trong không khí cho trẻ trước khi hít vào.

Máy làm ẩm không khí mát được khuyên dùng cho trẻ em vì lý do an toàn và được coi là hiệu quả như máy làm ẩm không khí ấm. Chạy máy tạo độ ẩm vào ban ngày khi trẻ thức và trong phòng nơi chúng đang ngủ vào ban đêm.

Nếu không có máy tạo độ ẩm, cha mẹ có thể cho trẻ ngồi trong phòng tắm khi xả vòi sen nước nóng có thể giúp giảm tắc nghẽn đường thở cho trẻ, loãng đờm và giúp trẻ dễ thở hơn.

2.2.Mật ong

Cha mẹ có thể cho trẻ từ một tuổi trở lên dùng phương pháp giảm ho đờm tại nhà tự chế bằng cách sử dụng mật ong hòa tan trong nước ấm với chanh.

Mật ong có thể chống lại nhiễm trùng do có đặc tính tự nhiên là ngăn chặn vi khuẩn. Ngoài ra, đây cũng là cách hiệu quả giúp làm dịu cơn đau họng. Tuy nhiên, tránh dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi vì tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.

2.3.Bổ sung nước

Giữ cho cơ thể trẻ đủ nước là điều quan trọng khi trẻ bị ho có đờm. Chất lỏng có vai trò giữ ẩm cho đường thở và giúp cơ thể chống lại bệnh tật, đồng thời còn giúp loãng đờm.

Do đó, cha mẹ cần đảm bảo cung cấp nước, sữa mẹ hoặc sữa công thức đều đặn khi con không được khỏe và có kèm ho đờm. Tuy vậy, cha mẹ cũng không nên cho trẻ sơ sinh uống nước trước sáu tháng, vì có thể dẫn đến hạ natri máu.

2.4.Nhỏ mũi bằng nước muối

Một cách chữa ho có đờm cho trẻ sơ sinh là nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ để giúp thông mũi, loãng đàm xuống vùng cổ họng dễ gây ho. Những loại thuốc nhỏ này có lợi khi trẻ bị cảm lạnh, vì thuốc giúp làm mềm chất nhầy và giúp tống chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn.

Thuốc nhỏ với nước muối sinh lý được coi là an toàn và có thể được sử dụng cùng với máy hút mũi hoặc khăn giấy cho trẻ sơ sinh. Để nhỏ nước muối sinh lý, hãy nghiêng đầu của trẻ ra sau, sau đó bóp nhỏ thuốc vào từng lỗ mũi. Lặp lại nếu cần thiết để giúp giảm tắc nghẽn và bớt ho đờm, đặc biệt là trước khi cho trẻ đi ngủ.

2.5. Kê cao đầu

Kê cao đầu của trẻ sơ sinh khi ngủ có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chảy mũi sau, giúp kích thích làm trẻ ho đờm. So với khi nằm thẳng, chất nhầy có nhiều khả năng tích tụ ở phía sau cổ họng, dẫn đến trẻ ho nhiều hơn để tống xuất ra ngoài.

Dù vậy, cha mẹ cần lưu ý rằng gối không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Do đó, mẹ cũng nên tránh dùng gối quá cao cho trẻ dưới một tuổi, vì dễ gây tổn thương cột sống của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ có thể kê mặt phẳng nghiêng phù hợp cho trẻ, việc này không chỉ giúp giảm ho đờm mà còn giúp hạn chế nôn trớ ở trẻ sơ sinh sau khi bú.

3. Khi nào trẻ ho đờm cần đến gặp bác sĩ?

Thông thường, các triệu chứng cảm lạnh và ho đờm của con sẽ hết sau vài ngày, nhất là khi áp dụng cách chữa ho có đờm cho trẻ sơ sinh như trên. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của trẻ trở nên tồi tệ hơn, mẹ nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ, nhất là với trẻ dưới 6 tháng.

Theo đó, trẻ ho có đờm sẽ cần được thăm khám nếu:

  • Bị ho kéo dài hơn 10 ngày.
  • Sốt trên 38.5 ° C trong hơn ba ngày.
  • Chảy mủ từ mũi, tai.
  • Lừ đừ
  • Thở nhanh, thở mệt
  • Khò khè
  • Bỏ bú
  • Quấy khóc liên tục
  • Có dấu hiệu suy hô hấp như da niêm tím tái

Lúc này, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân ho đờm của trẻ và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bởi lẽ các triệu chứng ho của trẻ không cải thiện hoặc ngày càng nặng hơn, có thể có nguyên nhân của một căn bệnh khác. Bác sĩ nhi khoa sẽ đánh giá nhịp thở của trẻ và có thể yêu cầu chụp X-quang phổi để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Một số trẻ có thể gặp phải tình trạng ho đờm mãn tính, nguyên nhân do dị ứng hoặc hen suyễn. Nếu bác sĩ nghi ngờ dị ứng, bác sĩ chuyên khoa dị ứng để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị phòng ngừa cho trẻ.

Tóm lại, ho là một trong những tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Các cơn ho của trẻ em thường kéo dài, nhưng nếu các triệu chứng được cải thiện bằng cách chữa ho có đờm ở trẻ sơ sinh tại nhà thì rất có thể trẻ sẽ sớm được chữa khỏi. Theo đó, cha mẹ không nên tự ý dùng các loại thuốc không kê đơn cho con mà không có ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc bắt đầu trầm trọng hơn, hãy thông báo cho bác sĩ nhi khoa biết để trẻ sớm được thăm khám và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: verywellfamily.com, timesofindia.indiatimes.com, .medicalnewstoday.com, healthychildren.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

108.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan