Cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý

Những năm gần đây, thống kê số trẻ em mắc chứng tăng động ngày càng nhiều, trong đó có chứng tăng động giảm chú ý. Nếu không phát hiện sớm, tình trạng bệnh lý của trẻ có thể chuyển biến nặng hơn, nhiều nguy cơ gây ra các hậu quả xấu ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển về sau của trẻ nhỏ.

1. Rối loạn tăng động là gì?

Tăng động giảm chú ý còn có tên tiếng anh là Attention Deficit/Hyperactivity Disorder – ADHD. Đây là 1 hội chứng rối loạn thường gặp ở trẻ em. Khi trẻ mắc phải căn bệnh này thường sẽ có dấu hiệu kém khả năng tập trung, trẻ trở nên phấn khích, dễ kích động và không thể ngồi yên một chỗ. Tình trạng này sẽ gây nên rất nhiều khó khăn đối với việc học tập, giao tiếp và các sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

2. Dấu hiệu của trẻ bị tăng động giảm chú ý

Dấu hiệu tăng động:

Các triệu chứng khi trẻ bị tăng động giảm chú ý thường xuất hiện khá sớm, trước 6 tuổi và kéo dài tới khi đã trưởng thành. Các triệu chứng phổ biến của hội chứng tăng động giảm chú ý bao gồm:

  • Trẻ không thể tập trung quá lâu vào 1 việc bất kỳ như: Việc học, chơi 1 thứ gì đó,...
  • Thường xuyên cử động chân tay, không thể ngồi yên một chỗ quá lâu.
  • Thường xuyên phạm lỗi khi phải thực hiện công việc nào đó do không chú ý đến những chi tiết nhỏ.
  • Gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề sắp xếp và bố trí công việc hàng ngày.
  • Hay quên, rất dễ làm mất đồ đạc như tập, sách, bút, đồ chơi,...
  • Hay chen ngang vào câu chuyện của người khác hoặc ngắt ngang lời mà người khác đang nói.
  • Thiếu tính tự giác trong học tập, công việc.

Dấu hiệu giảm chú ý:

  • Bốc đồng trong hành động, khó kiềm chế cảm xúc, chẳng hạn như hay kéo tóc, la hét, đánh bạn hoặc cáu giận, tấn công bất ngờ ngay cả khi cha mẹ đang ôm ấp.
  • Tay chân hay ngó ngoáy và ngồi không yên.
  • Hoạt động không ngừng nghỉ và thường ngủ rất ít.
  • Nói quá nhiều, thích quấy rầy hoặc phá đám trong các trò chơi, thường trả lời xong trước khi người khác đang hỏi.

3. Cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý

Xây dựng thời gian biểu khoa học:

Trẻ em bị hội chứng tăng động giảm chú cần có sự định hướng rõ ràng về mặt thời gian để trẻ tuân theo. Cha mẹ cần lập thời gian biểu cụ thể, khoa học và chi tiết cho từng việc trong ngày mà trẻ phải làm, như thời gian thức dậy, đánh răng, ăn sáng, đi học... đến khi kết thúc một ngày. Phương pháp này sẽ giúp trẻ tập trung và chú ý hơn, hạn chế tình trạng bỏ giữa chừng, lơ là trong sinh hoạt, đồng thời rèn cho trẻ óc làm việc và sinh hoạt có tổ chức.

Không tạo áp lực, nên khen ngợi trẻ:

Khi trẻ có những hành vi không đúng, thay vì trách móc, cha mẹ cần giữ bình tĩnh chỉ bảo nhẹ nhàng và chỉ ra đúng sai. Khi trẻ có những hành vi đúng đắn hoặc có những thành tích trong học tập, cha mẹ hãy khen ngợi động viên trẻ để trẻ có động lực cố gắng.

Tạo không gian yên tĩnh cho trẻ khi học tập:

Trẻ hay bị mất tập trung, vì vậy hãy để trẻ học trong phòng học yên tĩnh.

Hướng dẫn trẻ chia nhỏ, giải quyết từng việc một tại một thời điểm:

Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ làm từng việc tại một thời điểm. Nhắc nhở trẻ sau khi hoàn thành một nhiệm vụ mới chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo. Việc chia thành nhiều bước nhỏ sẽ giúp trẻ dễ dàng hoàn thành và hứng thú hơn với nhiệm vụ tiếp theo.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao:

Cha mẹ nên cho trẻ tham gia các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, cầu lồng, tập bơi,... không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, mà còn góp phần giải phóng bớt năng lượng dư thừa, giảm bớt biểu hiện hiếu động và nghịch ngợm.

4. Bài tập cho trẻ bị rối loạn tăng động

Trẻ bị rối loạn tăng động sẽ kém tập trung và nhanh chóng chán khi học hoặc khi chơi 1 trò chơi, vì vậy để cải thiện vấn đề này, các bậc cha mẹ nên lồng ghép giữa bài tập rèn luyện và trò chơi để trẻ thích thú hơn. Dưới đây là 1 số bài tập cải thiện chứng rối loạn tăng động ở trẻ.

Trò chơi với thẻ bài:

Trò chơi với thẻ bài sẽ giúp trẻ cải thiện được kỹ năng quan sát và chú ý. Trò chơi bắt đầu bằng việc cha mẹ sử dụng khoảng 2 đến 3 lá bài, sau đó úp lại và hỏi xem trẻ có ghi nhớ được tên của lá bài nào không. Sau khi trẻ có thể nhớ được tên của toàn bộ lá bài và dần quen với trò chơi thì từ từ tăng dần số lượng lá bài lên.

Để tăng sự phấn khích cho trẻ, các mẹ có thể sử dụng các lá bài giống nhau để kích thích sự tò mò của trẻ, mỗi khi tìm được 2 lá bài giống sẽ được cộng thêm điểm. Bên cạnh đó, cha mẹ không nên chỉ để con chơi một mình mà cần cùng quan sát và tham gia trò chơi với trẻ. Tốt nhất nên phân chia lượt chơi để trẻ cảm thấy hứng thú và kích thích hơn.

Úp cốc giấu vật:

Trò chơi đơn giản và dễ áp dụng cho trẻ chơi. Thực hiện bằng cách: Ban đầu mới chơi, sử dụng 2 cái cốc, sau đó để một vật gì đó dưới 1 cái cốc và di chuyển từ từ để trẻ đoán xem ly nào có chứa vật trong đó. Sau khi thấy trẻ bắt đầu quen với bài tập thì tăng dần số ly và tốc độ lên. Trò chơi này sẽ giúp con tập trung quan sát hơn, gia tăng sự chú ý, đồng thời cải thiện phản xạ mắt và trí nhớ của trẻ.

Đọc sách:

Cùng trẻ đọc sách cũng là một trong các bài tập rất tốt đối với những trẻ bị tăng động giảm chú ý. Cha mẹ đọc cho trẻ hoặc cho trẻ tự đọc một quyển sách nào đó mà trẻ thích. Trong lúc đọc sách có thể kèm vào những câu hỏi về số lượng, hình ảnh, các vấn đề liên quan đến câu chuyện để trẻ tập trung và thấy hứng thú hơn. Sau khi đọc xong một quyển sách hoặc một câu chuyện, bạn nên khen ngợi trẻ, tán dương sự chú ý và lắng nghe của trẻ.

Bài tập lắng nghe:

Đây được xem là một bài tập cho trẻ bị tăng động giảm chú ý hiệu quả mà các bậc phụ huynh nên áp dụng thử. Cha mẹ chọn mở một bài hát vui nhộn, trong lời bài hát nên có những từ nói về các hành động như dậm chân, giơ tay, ngồi xuống, đứng lên,...Khi cho trẻ nghe, nên để trẻ tập trung vào lời bài hát và hướng dẫn trẻ thực hiện đúng theo các động tác có trong bài hát. Lặp lại điều này nhiều lần để trẻ có thể ghi nhớ và tự thực hiện được các yêu cầu có trong bài hát.

Bài tập chuỗi động tác:

Để giúp trẻ tập trung hơn để hoàn thành tốt việc học tập và sinh hoạt hàng ngày thì các bậc phụ huynh có thể áp dụng bài tập chuỗi động tác cho trẻ. Cha mẹ sẽ bắt đầu thực hiện một chuỗi động tác sau đó để con bắt chước làm theo xem trẻ ghi nhớ và thực hiện đúng bao nhiêu động tác, có khớp với thứ tự ban đầu không. Cũng như các bài tập khác, cha mẹ nên bắt đầu với những động tác đơn giản và tăng dần cấp độ.

Hoạt động nấu ăn:

Nấu ăn chính là hoạt động lý tưởng để giúp trẻ gia tăng sự tập trung và có thể thực hiện theo đúng hướng dẫn của cha mẹ. Các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn cho trẻ thực hiện những công việc đơn giản, phù hợp với lứa tuổi như rửa rau, nhặt hạt đỗ, bóc vỏ lạc,...Cha mẹ cũng nên thực hiện trước cho trẻ các bước cần làm để trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ từ đầu đến cuối.

Tuy tăng động giảm chú ý là hội chứng khó có thể điều trị dứt điểm nhưng nếu được phát hiện sớm và áp dụng các bài tập điều trị phù hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng ở trẻ tốt hơn. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát đến những hành vi, lời nói của con cái để sớm nhận biết được những dấu hiệu bất thường của trẻ. Ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan