Chăm sóc trẻ rối loạn tiêu hóa tại nhà

Hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ còn đang non yếu khó có thể tránh khỏi được các vấn đề liên quan đến hệ cơ quan này, nhất là rối loạn tiêu hoá. Tình trạng này diễn ra khiến cho bé không hấp thu được các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển dẫn đến còi cọc, chậm tăng cân và chậm phát triển. Vì vậy, hiểu biết về triệu chứng này giúp cha mẹ có phương pháp chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hoá được hiệu quả.

1. Một vài đặc điểm về rối loạn tiêu hoá ở trẻ em

Rối loạn tiêu hoá ở trẻ thường xuất hiện khi hệ tiêu hoá của trẻ gặp vấn đề như co thắt bất thường làm cho trẻ cảm thấy đau bụng kèm theo một số triệu chứng như đầy hơi và chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn và có thể nôn, tiêu chảy, táo bón...

Ngoài ra, với những trẻ bị rối loạn tiêu hoá còn có các biểu hiện như da xanh xao, nhợt nhạt, kém vận động thể chất, lúc nào cũng uể oải và mệt mỏi, đi ngoài sống phân, có mùi tanh và nước có bọt khí, trẻ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.

Tuỳ theo thể trạng của trẻ và mức độ bị rối loạn tiêu hoá khác nhau ở trẻ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

2. Những lý do dẫn đến rối loạn tiêu hoá ở trẻ em

Chế độ ăn uống hàng ngày, lạm dụng thuốc kháng sinh, môi trường ô nhiễm... có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Chế độ ăn uống không hợp lý

Khi cha mẹ chế biến thực phẩm cho bữa ăn của trẻ không đúng cách đồng thời không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì trẻ dễ bị đầy bụng, tiêu chảy, nôn trớ. Bên cạnh đó, khi ép trẻ ăn quá no hoặc không đúng giờ ăn hoặc ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu như thịt đỏ, chất béo khiến cho đường tiêu hoá của trẻ hoạt động quá tải.

Lạm dụng thuốc kháng sinh

Khi trẻ ốm, nhiều phụ huynh sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Bởi vì kháng sinh có chức năng khử khuẩn tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh. Và đồng thời nó cũng vô tình tiêu diệt luôn những vi khuẩn đường ruột có lợi dẫn đến hệ tiêu hoá của trẻ bị loạn khuẩn gây nên mất cân bằng vi khuẩn đường ruột ở trẻ.

Bé mắc bệnh về đường tiêu hóa

Trẻ mắc một số bệnh liên quan đến đường ruột như viêm đại tràng, viêm dạ dày, bệnh viêm ruột ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá của trẻ.

Môi trường ô nhiễm

Môi trường sống xung quanh trẻ ô nhiễm, bẩn, hoặc đồ chơi bẩn không được vệ sinh thường xuyên sẽ khiến cho đường ruột của trẻ rất dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

3. Cách xử trí cho trẻ bị rối loạn tiêu hoá

Với mỗi trường hợp rối loạn tiêu hóa, ba mẹ cần có những biện pháp xử trí kịp thời nhằm giảm khó chịu và nguy hiểm về sức khỏe cho các con.

Trường hợp trẻ có triệu chứng nôn, trớ, cha mẹ hãy thực hiện các thao tác sau:

  • Cho trẻ nghiêng đầu sang một bên, nhanh chóng thấm hết chất nôn trong miệng, họng và mũi của trẻ bằng gạc, khăn hoặc hút.
  • Sử dụng bàn tay khum lại vuốt nhẹ hai bên lưng của trẻ vừa để an ủi trẻ vừa để trẻ ho để đưa ra hết chất nôn còn lại trong cổ họng của trẻ.
  • Dùng một chiếc khăn khác cùng nước ấm lau cổ, miệng và người của trẻ.
  • Sau đó, thay quần áo cho trẻ.
  • Cha mẹ cần theo dõi xem trẻ có nôn trớ nữa không và tình trạng nôn của trẻ như thế nào.

Đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần thực hiện bù nước cho trẻ bằng đường uống, sử dụng oresol. Cho trẻ uống từ từng ít một cho tới khi trẻ hết khát. Đặc biệt lưu ý dung dịch oresol chi uống trong ngày, nếu không uống hết thì phải đổ đi

Trường hợp, các con bị táo bón do rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cần xác định rõ nguyên nhân là gì? Thường trẻ bị táo bón do rối loạn tiêu hóa thường có biểu hiện, đi ngoài không thường xuyên, phân giống hạt dẻ, khô cứng, và sờ bụng trẻ thấy cứng và trẻ có cảm giác đau. Trong trường hợp này, cha mẹ khuyến khích trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh đặc biệt những loại rau có tính nhuận tràng như rau mồng tơi, khoai lang, rau lan, các loại trái cây như chuối tiêu, cam, bưởi...

Nếu trẻ vẫn ở trong độ tuổi sử dụng sữa công thức, cha mẹ cần lựa chọn những loại sữa không gây táo bón và có bổ sung chất xơ. Hơn nữa, trẻ bị táo bón không nên sử dụng các loại trái cây có vị chát như ổi, hồng xiêm..

chăm sóc trẻ rối loạn tiêu hóa
Cha mẹ cần thực hiện bù nước cho trẻ bằng đường uống khi trẻ bị tiêu chảy

4. Một vài lưu ý trong cách chăm sóc trẻ em bị rối loạn tiêu hoá

Khi chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hoá, các bậc phụ huynh cần có một số lưu ý sau:

4.1. Xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng

Cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn hàng ngày phù hợp với các tiêu chí: Chất lượng bữa ăn cần được đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng. Thành phần các chất dinh dưỡng cần cung cấp đủ 4 nhóm protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng.

Bên cạnh đó cha mẹ cần lựa chọn thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ để giúp cho trẻ có thể tiêu hoá các chất dinh dưỡng từ thức ăn được dễ dàng hơn. Vì nếu trẻ mới ăn dặm mà cha mẹ chọn những loại thực phẩm rắn, cứng, khó ăn có thể khiến cho hệ tiêu hoá của trẻ chưa được phát triển toàn diện phải làm việc quá tải hoặc làm giảm sự tiết men và giảm nhu động ruột.

Ngoài ra, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi thực hiện chế biến thức ăn cho trẻ là rất quan trọng. .

Cải thiện thói quen ăn uống của trẻ cũng giúp cho tình trạng rối loạn tiêu hoá được tốt hơn. Đối với trẻ nhỏ, khi ép trẻ ăn hoàn chỉnh một bữa khá khó khăn, hơn nữa gây tâm lý lo sợ và phản ứng tiêu cực ở các con. Vì vậy, cha mẹ nên tạo không khí vui vẻ khi cho trẻ ăn và nếu trẻ không ăn hết khẩu phần thì nên chia nhỏ các bữa ăn giúp trẻ có thể tiêu thụ hết được nhu cầu về chế độ ăn hàng ngày. Quá trình chia nhỏ bữa ăn cũng giúp cho trẻ ăn được nhiều hơn, thức được tiêu hoá hết và tránh được tình trạng hệ tiêu hoá của trẻ phải làm việc quá tải.

4.2. Giữ vệ sinh cho các bé

Một trong những cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa mà cha mẹ cần quan tâm nên giữ vệ sinh cho trẻ. Trẻ nhỏ thường xuyên ngậm tay hay đồ chơi hoặc đồ vật xung quanh trẻ. Đây cũng là con đường vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dễ dàng nhất gây nên tác động đối với các cơ quan trong cơ thể.

Vì vậy, với trẻ nhỏ, thì cha mẹ thường xuyên vệ sinh nhà cửa, và môi trường sống, đồng thời rửa sạch đồ chơi của trẻ thường xuyên. Còn với trẻ lớn thì cha mẹ nên nhắc nhở trẻ và tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh tay chân.

4.3. Tăng cường vận động ở trẻ

Ba mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tăng cường vận động giúp tăng sức đề kháng. Chăm sóc bé bị rối loạn tiêu hóa được biết đến với cách cho trẻ vận động và hoạt động thể chất vừa giúp trẻ phát triển thể chất vừa tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tuỳ độ tuổi của trẻ thì cha mẹ sẽ lựa chọn những loại hình luyện tập phù hợp như đi xe đạp, đá bóng, đánh cầu,...

4.4. Tránh lạm dụng thuốc

Cha mẹ không được tự ý sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy con có vấn đề về hệ tiêu hóa thường tự ý sử dụng thuốc để chữa trị căn bệnh này. Tuy nhiên những loại thuốc, cha mẹ sử dụng có thể giảm đầy bụng, trị táo bón tiêu chảy hay men tiêu hoá.

Những sản phẩm này có thể là con dao hai lưỡi trong điều trị bệnh cho trẻ. Mặc dù có thể ngay lập lúc cha mẹ sẽ thấy hiệu quả của thuốc với tình trạng của trẻ, nhưng nếu sử dụng thường xuyên có thể khiến trẻ gặp phải tình huống lệ thuộc vào thuốc và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ tiêu hoá bao gồm quá trình tiết enzyme, co bóp nhu động ruột...

chăm sóc trẻ rối loạn tiêu hóa
Tránh lạm dụng thuốc khi chăm sóc trẻ rối loạn tiêu hóa

4.5. Bổ sung các sản phẩm lợi khuẩn

Ba mẹ nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ bổ sung sản phẩm lợi khuẩn giúp khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hoá ở trẻ. 70% hệ miễn dịch của trẻ nằm ở hệ tiêu hoá. Khi hệ tiêu hoá khoẻ mạnh thì sẽ giúp trẻ vượt qua mọi bệnh tật nhanh chóng. Việc bổ sung sản phẩm lợi khuẩn có thể đáp ứng được yêu cầu này, nhưng cần được khám và chỉ định bởi bác sĩ.

5. Những dấu hiệu nào cho biết trẻ nên được đi khám bác sĩ

Với những trẻ mà bị rối loạn tiêu hoá đồng thời xuất hiện kèm theo các dấu hiệu sau thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để chẩn đoán được nguyên nhân cụ thể, sau đó mới có phác đồ điều trị.

  • Trẻ rối loạn tiêu hoá thường kèm thêm nôn trớ nhiều, ăn ngủ kém người lúc nào cũng mệt mỏi và với trẻ nhỏ thì hay quấy khóc
  • Trẻ rối loạn tiêu hoá cùng với tình trạng tiêu chảy kéo dài và kèm theo tình trạng mất nước.
  • Trẻ có biểu hiện táo bón nhiều ngày, có khi đi đại tiểu tiện xuất hiện máu, hoặc nứt kẽ hậu môn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan