Chiều cao người Việt Nam cải thiện được bao nhiêu trong 10 năm qua?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Chiều cao trung bình của người Việt Nam trẻ tuổi đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Cụ thể, thanh niên nam người Việt cao trung bình đạt 168,1cm; nữ đạt 156,2cm. Thống kê chiều cao trung bình người Việt Nam tăng hơn 3cm so với kết quả 10 năm trước, giúp chúng ta không còn thuộc nhóm “lùn nhất Đông Nam Á”.

1. Mức tăng chiều cao trung bình của người Việt Nam trong 10 năm qua

Bộ Y tế vừa công bố kết quả khảo sát được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia trong năm 2019 - 2020. Theo đó, nam thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình là 168,1cm; trong khi nữ giới đạt 156,2cm. Chiều cao trẻ em thành phố cao hơn 2cm so với trẻ em nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn nghèo, vùng hay xảy ra thiên tai và miền núi.

Như vậy so với 10 năm trước, chiều cao trung bình của nam giới trẻ tuổi đã tăng 3,7cm, còn các bạn gái nước ta đã cao thêm 2,6cm. Trong đó, chiều cao người Việt sinh từ năm 2000 trở lại đây tốt hơn giai đoạn trước, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước.

Với thống kê chiều cao người Việt Nam mới này, chuyên gia về dinh dưỡng nhận định các bạn trẻ nước ta không chỉ “thoát lùn”, mà còn được xếp vào top 4 nước cao nhất Đông Nam Á. Chiều cao trung bình của nam nữ thanh niên Việt tương đương Malaysia, chỉ còn thua Singapore và Thái Lan. Nếu đem chiều cao của người Việt Nam so với thế giới, Bộ Y tế đánh giá tăng trưởng của bạn trẻ Việt giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng tăng chiều cao của Nhật Bản (1955-1995) và các nước châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Để thu hẹp khoảng cách chiều cao với những nước cao hàng đầu châu Á (như Hàn Quốc), chúng ta cần duy trì được mức tăng trưởng trong các thập kỷ tới.

2. Nỗ lực cải thiện chiều cao người Việt

Có được kết quả tích cực khi thống kê chiều cao người Việt Nam lần này nhờ vào những can thiệp trong hơn 20 năm qua. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi chiều cao trung bình người Việt Nam so với 10 năm trước tăng từ 2,6 - 3,7cm ở nữ và nam thanh niên trong lần thống kê này.

Vài thập niên gần đây, Việt Nam đã tiến hành đo chiều cao 10 năm một lần. Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết cuộc khảo sát này tiến hành vào cuối năm 2019, đầu 2020, cỡ mẫu là 22.000 người sống ở tất cả các vùng của Việt Nam. Riêng nhóm thanh niên dưới 25 tuổi được đo đạc để tìm hiểu về chiều cao. Quy mô điều tra lần này lớn nhất từ trước đến nay và có các chuyên gia CDC Hoa Kỳ giúp đỡ và kiểm định mẫu.

Đối tượng tham gia khảo sát lần này chủ yếu sinh vào những năm 2000 - giai đoạn mà nước ta bắt đầu can thiệp về dinh dưỡng, hỗ trợ tăng trưởng từ 1.000 ngày đầu đời và sau này dinh dưỡng học đường, tẩy giun, bổ sung vitamin... Trong khi đó, cuộc đo lần trước tiến hành với những bạn sinh năm 1990 trở về trước, thời điểm mà nước ta chưa can thiệp nhiều về dinh dưỡng và kinh tế còn khó khăn.

Cũng thông qua điều tra năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 19,6%, lần đầu tiên thấp hơn 20%. Nhờ đó Việt Nam được coi là quốc gia có mức suy dinh dưỡng thấp còi thấp theo phân loại của WHO năm 1997.

chieu-cao-nguoi-viet
Chiều cao người Việt Nam dần được cải thiện theo thời gian

3. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến chiều cao người Việt

So với 10 năm trước, năng lượng trung bình trong khẩu phần của người dân nước ta đạt 2.023 kcal/ người/ ngày, tăng nhẹ so với năm 2010 (mức 1.925 kcal/ người/ ngày). Theo đó, người dân Việt Nam cũng ăn rau quả nhiều hơn, bình quân đầu người tăng từ 190,4 g rau/ người/ ngày năm 2010 lên 231 g. Năm 2010, người Việt chỉ ăn 60,9 g quả chín mỗi ngày, nay đã tăng lên 140,7 g. Tuy nhiên, so với khuyến nghị dinh dưỡng cho người trưởng thành, mức tiêu thụ này mới chỉ đạt 66 - 77%.

Ngoài ra, người Việt cũng ăn thịt nhiều hơn. Hiện nay trung bình mỗi ngày một người ăn 136,4 g thịt, trong khi năm 2010 chỉ tiêu thụ 84 g. Đặc biệt người ở thành phố ăn thịt nhiều nhất, khoảng 155,3 g thịt/ người/ ngày.

Do 3 năm đầu đời là mốc quan trọng để trẻ phát triển chiều cao, nên tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ cũng cần lưu tâm. Trong 10 năm qua, từ 19,6% gia đình nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đã cải thiện đáng kể lên hơn 45%. Tỷ lệ này ở thành thị cũng cao hơn những nơi khác.

Hơn nữa, người dân ngày càng có hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm cũng như quan tâm đến việc phát triển chiều cao hơn. Gần 36% người có kiến thức tốt, gần 56% đạt mức trung bình và chỉ khoảng 9% trả lời kém.

Các kết quả của cuộc thống kê chiều cao người Việt Nam và dinh dưỡng lần này sẽ giúp các chuyên gia định hướng xây dựng chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới. Riêng đối với các bậc phụ huynh cần phải chú trọng dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của con - giai đoạn duy nhất giúp trẻ có thể tăng trưởng chiều cao trên 10 - 14 cm/ năm nếu con được chăm sóc tốt. Phụ nữ ngay từ khi chuẩn bị mang thai đã cần ăn uống và bổ sung vi chất đầy đủ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan