Có đúng caffeine có thể làm trẻ chậm phát triển?

Những ai có thói quen uống một tách cà phê hoặc trà buổi sáng đều biết rằng caffein là một chất kích thích. Chất này có thể khiến trẻ cáu kỉnh, khó chịu ở bụng, khiến tim đập nhanh hơn, tăng huyết áp và làm gián đoạn giấc ngủ, nhưng sẽ không khiến trẻ chậm phát triển.

1. Quan niệm sai lầm về caffein có trong cà phê

Theo thống kê, những người trưởng thành ở Mỹ từ 18 - 65 tuổi uống nhiều cà phê nhất trong số các loại đồ uống có chứa caffein, bao gồm nước tăng lực, trà và soda. Đối với thanh thiếu niên, cà phê là thức uống có chứa caffein được tiêu thụ nhiều thứ hai, sau thức uống bổ sung năng lượng. Do đó, có nhiều tranh luận về việc liệu thức uống có chứa caffein có tốt cho trẻ và an toàn với thanh thiếu niên hay không?

Không có bằng chứng khoa học hợp lệ nào cho thấy cà phê có thể làm trẻ chậm phát triển. Ý tưởng này có thể xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng cà phê gây ra chứng loãng xương (một tình trạng có thể liên quan đến mất chiều cao). Nhưng đổ lỗi cho cà phê làm giảm chiều cao là một sai lầm vì ít nhất hai lý do sau:

  • Cà phê không gây loãng xương.
  • Loãng xương không hẳn sẽ khiến bạn thấp đi.

Một lý do phản biện khác là hầu hết mọi người đều hoàn thành tăng trưởng chiều cao trước khi bắt đầu uống cà phê thường xuyên. Trẻ em gái gần như đã đạt đến chiều cao đầy đủ khi được 15 - 17 tuổi, còn trẻ trai thì muộn hơn. Bạn không thể rút ngắn sự phát triển của xương chỉ vì uống cà phê nhiều vào những năm trưởng thành.

Nhiều thập kỷ trước, các nghiên cứu đã báo cáo rằng những người uống cà phê có thể tăng nguy cơ loãng xương bởi:

  • Caffeine có thể làm tăng quá trình đào thải canxi ra khỏi cơ thể.
  • Thiếu canxi có thể góp phần gây loãng xương.
Caffeine
Caffein hầu như không có ảnh hưởng gì đến tình trạng thiếu canxi

Tuy nhiên ảnh hưởng của caffein đến bài tiết canxi là rất nhỏ. Bạn có thể bù đắp sự giảm hấp thụ canxi này bằng cách thêm 1 - 2 thìa sữa vào mỗi cốc cà phê 180 ml. Hơn nữa, mối liên hệ giữa tiêu thụ cà phê và loãng xương chưa bao giờ được xác nhận. Một nghiên cứu đã theo dõi 81 bạn nữ từ 12 - 18 tuổi trong 6 năm, và không tìm thấy sự khác biệt về sức khỏe xương giữa những người tiêu thụ lượng caffeine hàng ngày cao nhất so với những người dùng thấp nhất.

Trên thực tế, khi phân tích các nghiên cứu, những người uống nhiều cà phê lại ít uống sữa và các đồ uống có chứa canxi khác. Vì vậy, có thể là do chế độ ăn uống của những người nghiện cà phê đã làm tăng nguy cơ loãng xương, chứ không phải là do caffein.

2. Khuyến nghị về lượng caffeine ở trẻ em

Caffeine có nhiều tác dụng không mong muốn, nhưng khiến trẻ chậm phát triển không phải là một trong số đó. Thực tế, những loại đồ uống có chứa caffein, chẳng hạn như soda, hầu hết là calo rỗng. Chúng khiến cho trẻ cảm thấy no nhưng không có dinh dưỡng. Sự thiếu hụt này lâu dần sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Đó là lý do chính đáng để hạn chế lượng caffeine và đường trẻ tiêu thụ ở mức tối thiểu. Những khuyến nghị này đề cập đến caffeine từ tất cả các nguồn, không chỉ riêng cà phê. Caffeine cũng có trong trà, soda, nước tăng lực và sôcôla.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị hạn chế lượng caffeine hàng ngày của trẻ em ở mức thấp hơn:

  • 45 mg cho trẻ em từ 4 - 6 tuổi;
  • 62,5 mg cho trẻ từ 7 - 9 tuổi;
  • 85 mg cho trẻ em từ 10 - 12 tuổi;
  • 2,5 mg / kg trọng lượng cơ thể / ngày cho thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi. Con số này tương đương với khoảng 1 tách cà phê mỗi ngày.

Hãy kiểm tra nhãn dinh dưỡng trước khi cho con bạn uống những món có caffeine. Bạn có thể ngạc nhiên khi phát hiện ra trong một khẩu phần:

  • Nước ngọt có thể chứa 22 - 69 miligam (mg) caffein
  • Nước tăng lực có 76 - 280 mg caffein
  • Trà đá có 27 - 42 mg caffein
  • Chocolate trắng có 12 mg caffein
  • Chocolate đen có 40 mg caffein
  • Sữa hương vị chocolate có 5 mg caffein.

Cũng như uống caffein sẽ không làm trẻ thấp đi thì việc tránh sử dụng chúng sẽ không khiến con bạn cao thêm. Nếu tiêu thụ caffeine trong giới hạn được khuyến nghị, cà phê vẫn an toàn và thậm chí cà phê còn có lợi.

nước ngọt
Trong nước ngọt chứa một lượng lớn caffein

3. Cách tối ưu hóa sức khỏe xương

3.1. Tận dụng “giai đoạn vàng”

Chiều cao cơ thể của bạn phần lớn do gen quyết định, mặc dù chế độ ăn uống không đủ chất và suy dinh dưỡng có thể khiến trẻ thấp còi. Tuy nhiên, bạn có thể giúp bảo vệ xương bằng thực đơn dinh dưỡng và tập thể dục thích hợp, đặc biệt là trong những năm thanh thiếu niên.

Hầu hết mọi người đạt sức mạnh xương tối đa vào cuối tuổi thiếu niên đến đầu những năm hai mươi. Vì vậy, tuổi thanh niên là thời gian tốt nhất để tạo tiền đề cho xương chắc khỏe.

3.2. Dinh dưỡng

Canxi và vitamin D là hai chất dinh dưỡng quan trọng giúp xương khỏe mạnh. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, hỗ trợ cấu trúc và chức năng của xương.

  • Trên thực tế, 99% nguồn cung cấp canxi cho cơ thể được lưu trữ trong xương và răng của bạn. Canxi được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, nhưng nguồn phổ biến nhất bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa khác.
  • Rất ít thực phẩm tự nhiên chứa hàm lượng vitamin D cao, nhưng nhiều loại thực phẩm được tăng cường dưỡng chất, bao gồm nước cam, sữa, sữa chua và ngũ cốc ăn sáng. Vitamin D cũng có thể được sản xuất tự nhiên trong cơ thể khi da bạn tiếp xúc với ánh nắng.
Vì sao nên uống sắt với nước cam? Không nên uống sắt với gì?
Nước cam có thể tăng cường bổ sung vitamin D

3.3. Tập luyện

Khi nâng tạ, bạn tạo sức căng cho cơ bắp. Cơ bắp thích ứng với độ căng này bằng cách phát triển lớn hơn và mạnh hơn. Ngược lại nếu bạn không tạo áp lực cho các cơ của mình, chúng sẽ không thay đổi sức mạnh và kích thước vốn có, hoặc thậm chí là yếu hơn.

Điều này cũng đúng với xương. Nâng tạ gây áp lực lên xương của bạn, khiến chúng trở nên mạnh hơn và có khả năng chống gãy. Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể tập luyện một cách an toàn bằng cách sử dụng tạ tự do, máy tập tạ, bộ dây thun đàn hồi hoặc trọng lượng cơ thể của bản thân (chống đẩy, plank,...).

Tóm lại, những loại đồ uống phổ biến có chứa caffein không làm trẻ chậm phát triển. Chiều cao của trẻ phần lớn được quyết định bởi chiều cao của bố mẹ, chất lượng của chế độ ăn uống và sức khỏe tổng thể trong quá trình phát triển. Nếu tuân thủ một thực đơn dinh dưỡng cân bằng và thực hiện các biện pháp bảo vệ xương, trẻ có khả năng đạt được chiều cao tối đa mà gen cho phép.

Nếu trẻ chậm phát triển hơn nhiều so với lứa tuổi thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe tổng thể để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và sớm có hướng khắc phục kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.harvard.edu, healthline.com, babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan