Cùng con học nói - Giai đoạn từ 3- 5 tuổi

Bài viết bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên m ngữ trị liệu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City

Giao tiếp cùng con là một trong những phần thú vị và bổ ích nhất trong hành trình nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ. Trẻ em học bằng cách hấp thụ thông tin một cách tự nhiên thông qua các tương tác và trải nghiệm hằng ngày, không chỉ với cha mẹ mà còn với những thành viên khác trong gia đình, bạn bè, thầy cô giáo ở trường học. Ở độ tuổi từ 3-5 tuổi, trẻ đã đi học mầm non, vì thế, kỹ năng ngôn ngữ là một phần vô cùng quan trọng của việc học ở lớp.

1. Giai đoạn từ 3 đến 4 tuổi

1.1. Đặc điểm ngôn ngữ - giao tiếp của trẻ

Ngoài học nói các con vật ở lớp hay ngoài môi trường, trẻ sẽ học được rất nhiều từ mới thông qua việc lắng nghe bố mẹ và những người lớn khác nói chuyện trong các ngữ cảnh khác nhau. Bên cạnh đó, trẻ cũng học hỏi được từ việc nghe và học từ mới ở lớp mẫu giáo. Khả năng hiểu của trẻ vẫn tốt hơn nhiều so với những gì chúng có thể nói được. Ở giai đoạn này:

  • Trẻ học và sử dụng được nhiều từ nối hơn như: “và”, “với”,... Ví dụ: con với mẹ cùng chơi,...
  • Trẻ nhận biết được nhiều chữ số hơn.
  • Trẻ nhận biết và gọi tên được các nhóm sự vật, ví dụ: các loại rau, động vật, phương tiện giao thông,...
  • Trẻ có thể gọi tên được những cảm xúc cơ bản như: vui, buồn, tức giận,...
  • Trẻ bắt đầu sử dụng được những câu phức tạp hơn. Ví dụ: xe đi nhanh quá bị ngã rồi,...
  • Trẻ sử dụng từ ngữ chỉ sự sở hữu như: mũ của con, giày của mẹ,..
  • Trẻ cùng sẽ đề cập đến: hôm qua, hôm nay, lúc nãy, bây giờ,... Ví dụ: lúc nãy, con ăn cháo rồi,...
  • Trẻ sử dụng đúng đại từ nhân xưng trong giao tiếp như: con, em, cháu,...
  • Trẻ bắt đầu kể được những câu chuyện theo chủ đề nhưng vẫn cần nhắc nhở để tiếp tục được câu chuyện như: “điều gì đã xảy ra vậy?”, “sau đó bạn ấy làm gì?”,...
  • Khi gần 4 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu học nói về những gì chúng nghĩ hoặc bắt đầu câu chuyện bằng việc hỏi, ví dụ: “Mẹ đoán xem trong này có gì?”,...
  • Đến 4 tuổi, hầu hết người lớn sẽ hiểu được lời nói của trẻ, mặc dù, một số trẻ có thể chưa nói đúng một số âm nhất định.
  • Trẻ sẽ hiểu và làm theo được những hướng dẫn nhiều hơn 2 bước trong bối cảnh quen thuộc. Ví dụ: “con đi lên tầng 2, mở cửa phòng, lấy điện thoại của mẹ rồi mang xuống đây”,...
  • Trẻ hiểu các câu hỏi hoặc những lời giải thích phức tạp đối với những sự việc đang diễn ra trước mặt. Ví dụ: “Cái bút này có đầu quá nhỏ nên không thể tự đứng được”,...
  • Trẻ nhận ra và bắt đầu có thể so sánh hai thứ với nhau. Ví dụ: xe ô tô này to hơn xe kia,...
  • Trẻ bắt đầu có thể thương lượng với người khác. Ví dụ: con ăn xong rồi mẹ cho con xem tivi nhé,...
  • Đến 4 tuổi, trẻ có thể giải thích vì sao trẻ lại muốn có một đồ vật nào đó. Ví dụ: con muốn lấy bút màu đen để tô màu bánh xe,...
  • Trẻ có thể bắt đầu đóng vai là một nhân vật nào đó khi chơi. Ví dụ: “Tôi là Khủng Long đây. Graooo...”

XEM THÊM: Dạy con tập nói: Kiến thức cần biết

Cùng con học nói
Cha mẹ cần lắng nghe và dạy con học nói theo từng giai đoạn độ tuổi

1.2. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể làm gì?

Đọc sách cùng con là một trong những cách thức tốt giúp con học nói ngôn ngữ. Bạn có thể đưa con đến nhà sách và hướng dẫn con chọn một cuốn sách để đọc với bố mẹ ở nhà. Trong khi đọc sách, bạn có thể đưa ra một vài câu hỏi định hướng hoặc gợi ý giúp con suy nghĩ tìm cách giải quyết tình huống truyện. Ví dụ: “Trời tối rồi, bạn phải làm gì để về được nhà bây giờ?”...

Cha mẹ hãy tôn trọng sở thích và cách học của con. Có trẻ thích ngồi yên tĩnh đọc sách, cũng có trẻ ưa vận động. Hãy tìm ra cách con học tốt nhất để dạy con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể chơi các trò chơi đóng vai: Việc tham gia chơi các trò chơi đóng vai trong bối cảnh cụ thể sẽ giúp con dễ hình dung ra cảm xúc của từng nhân vật. Trẻ sẽ học cách ứng xử và lựa chọn câu nói phù hợp với mỗi nhân vật để giao tiếp.

Giải thích dựa vào các tình huống: với mỗi tình huống, cha mẹ hãy cố gắng dừng lại vài phút và giải thích với con điều gì đã xảy ra. Điều này vừa giúp con kinh nghiệm xử lý tình huống vừa giúp con học hỏi và phát triển ngôn ngữ để trình bày, thuyết phục.

Ngoài ra, cha mẹ hãy cùng chơi và cùng thảo luận ý tưởng chơi: trẻ là một thành viên quan trọng của hoạt động chơi, vì thế không có lý do gì để trẻ không được tham gia vào xây dựng ý tưởng chơi. Điều này sẽ giúp kích thích khả năng sáng tạo, tư duy logic và ngôn ngữ diễn đạt của trẻ.

XEM THÊM: Phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua đồ ăn

2. Giai đoạn từ 4-5 tuổi

2.1. Đặc điểm ngôn ngữ - giao tiếp của trẻ

Ở giai đoạn này, việc bé học nói dường như đã hoàn thiện. Theo đó:

  • Trẻ quan tâm và có thể duy trì được giao tiếp với người khác.
  • Trẻ thích chơi và khám phá nhiều môi trường khác nhau: ở sân chơi, trong công viên,...
  • Trẻ có thể duy trì một hoạt động hoặc một chủ đề chơi trong khoảng 15 phút.
  • Trẻ sử dụng nhiều liên từ hơn, chẳng hạn: “khi nào đến công viên, mẹ cho con đi ô tô nhé”.
  • Trẻ diễn tả được những cảm xúc, cảm giác của bản thân. Ví dụ: con buồn, con không biết, con bị đau,...
  • Trẻ hiểu được các khái niệm: ở trên, ở dưới, ở giữa, bên cạnh,...
  • Trẻ biết cách ghép các câu nhỏ lại với nhau để tạo nên những câu phức tạp hơn.
  • Trẻ bắt đầu hiểu nghĩa bóng của câu.
  • Trẻ biết đặt câu hỏi khi chưa hiểu. Ví dụ: “bóng ở đâu rồi mẹ?”
  • Trẻ làm theo được các chỉ dẫn nhiều hơn hai bước ngay cả trong bối cảnh mới. Ví dụ: con đi đến cổng rồi đưa vé cho bác soát vé, sau đó mình cùng vào sở thú nhé”.
  • Trẻ có thể tự kể lại câu chuyện, thỉnh thoảng bỏ sót thông tin hoặc kể không đúng trình tự của câu chuyện.
  • Trẻ biết cách nói chuyện luân phiên trong một nhóm nhỏ.
  • Trẻ có thể biết nói “bịa chuyện” để làm người khác cười. Ví dụ: “con vừa đánh một con Khủng Long to đùng.”

XEM THÊM: Dạy ngôn ngữ cho trẻ như thế nào?

Dạy con học nói
Dạy con học nói giai đoạn 4-5 tuổi dễ dàng hơn các giai đoạn trước

2.2. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể làm gì?

Để giúp bé học nói tốt hơn, tránh lặp từ hay nói ngọng,... thì cha mẹ hãy nói chuyện với con về hoạt động hằng ngày. Hãy dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để cùng con kể về một ngày của mình: con đã có những hoạt động nào, con thích hoạt động nào nhất, vì sao con thích hoạt động đó, ngày mai con thích làm gì,... Chỉ với những câu hỏi đơn giản như vậy, bạn vừa giúp con phát triển khả năng kể chuyện, vừa giúp con phát triển tư duy, ngôn ngữ để bày tỏ ý tưởng của mình.

Nói chuyện với con về những cuốn sách mà con đã đọc cùng bố mẹ. Mỗi cuốn sách đều sẽ mang đến cho con những ấn tượng nhất định. Cùng thảo luận về “cuốn sách chung” sẽ giúp con học được cách đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm của mình cũng như chấp nhận ý tưởng, quan điểm khác biệt của người khác. Chấp nhận việc người khác không giống mình sẽ là kỹ năng rất quan trọng giúp con hòa nhập tốt hơn với các bạn ở lớp hoặc ở nơi vui chơi.

Nói chuyện về những chương trình ti vi hoặc video mà con đã xem cùng bố mẹ. Hãy cùng con thảo luận xem chương trình đó có gì thú vị, con thích gì ở chương trình đó, con còn thích chương trình nào khác không. Bạn cũng có thể gợi ý cho con thêm một vài chương trình phù hợp với độ tuổi và sở thích của con. Điều quan trọng là hãy luôn cùng con xem và thảo luận về nó. Ngoài ra, cha mẹ hãy:

  • Để sách ở nơi mà trẻ có thể tự lấy đọc được.
  • Cùng con ghi lại và tạo ra một album lưu giữ những hình ảnh, trải nghiệm của con cùng gia đình và bạn của con.
  • Cùng trẻ lên kế hoạch tổ chức một hoạt động nào đó thú vị. Ví dụ, rủ bạn của con về nhà chơi hay tổ chức một buổi dã ngoại,...

Trẻ càng được tham gia nhiều vào các cuộc trò chuyện và tương tác, chúng sẽ càng học hỏi được nhiều hơn. Đọc sách, hát, chơi trò chơi hay đơn giản chỉ là nói chuyện là cơ hội để trẻ gia tăng vốn từ vựng, đồng thời phát triển kỹ năng lắng nghe của mình tốt hơn. Những điều này vô cùng hữu ích với trẻ khi đi học ở trường và phát triển những mối quan hệ bạn bè sau này.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

710 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan