Dự phòng hen phế quản ở trẻ nhỏ

Hen phế quản ở trẻ em là tình trạng viêm mạn tính đường thở, kèm theo tăng phản ứng với các kích thích và gây tắc nghẽn đường hô hấp. Để giảm viêm và ngăn chặn triệu chứng, bệnh nhân phải dùng thuốc hàng ngày trong thời gian dài - được gọi là điều trị dự phòng.

1. Tổng quan về hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản (suyễn) là bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, dẫn tới tắc nghẽn đường thở kèm theo các triệu chứng như: khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Ho thường xuất hiện về đêm và gần sáng, hoặc sau khi gắng sức. Ngoài viêm đường hô hấp, tình trạng này còn gây ra phản ứng quá mức của phế quản với các tác nhân kích thích, khiến cơn hen tái đi tái lại. Cơ chế bệnh lý của hen phế quản là:

  • Viêm phế quản: Xảy ra khi dị nguyên thâm nhập cơ thể, tạo phản ứng dị ứng, đồng thời các tế bào viêm giải phóng hóa chất trung gian gây viêm;
  • Tăng phản ứng quá mức ở phế quản: Xuất hiện sau khi cơ thể tiếp xúc các tác nhân kích thích (dị ứng hoặc không), dẫn đến co thắt cơ trơn phế quản.

Để phát hiện sớm bệnh hen phế quản ở trẻ em, bố mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ ngay khi thấy bé có những biểu hiện sau đây:

  • Ho, đặc biệt là ho về đêm, ho làm gián đoạn giấc ngủ;
  • Ho hoặc khò khè sau khi tập thể dục, chơi thể thao, chạy nhảy;
  • Khò khè theo mùa, khi thời tiết thay đổi;
  • Ho, khò khè hoặc khó thở sau khi tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật,...;
  • Bị cảm lạnh kéo dài trên 10 ngày, các triệu chứng sẽ giảm nếu sử dụng thuốc giãn phế quản.
Ho trẻ nhỏ
Hen phế quản gây ra các cơn ho ở trẻ

Hen phế quản là bệnh không thể chữa khỏi và sẽ theo bệnh nhân suốt đời. Ngay cả khi người bệnh cảm thấy khỏe, không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, thì đường thở vẫn có thể bị viêm và cơn khó thở sẽ lại xuất hiện khi gặp tác nhân khởi phát. Tuy nhiên, việc điều trị đúng có thể giúp kiểm soát cơn hen phế quản ổn định hơn và trẻ mắc bệnh sẽ có cuộc sống bình thường.

2. Nguyên nhân hen phế quản ở trẻ em

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây hen phế quản ở trẻ em, song phần lớn các chuyên gia cho rằng có hai yếu tố nguy cơ gây bệnh chính là:

  • Cơ địa dị ứng có nguồn gốc gia đình;
  • Người bệnh đã tiếp xúc với một số yếu tố môi trường: Hít phải khói thuốc lá, virus, hoặc dị nguyên (phấn hoa, lông động vật, nấm mốc,...).

Ngoài ra, các yếu tố khởi phát - tác nhân khiến người có nguy cơ mắc bệnh bộc phát cơn hen thật sự, bao gồm:

  • Thay đổi thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ;
  • Khói bụi;
  • Gắng sức khi tập thể dục hoặc trẻ nô đùa quá mức;
  • Xúc động mạnh, quá vui hoặc buồn;
  • Hút thuốc chủ động hoặc bị động;
  • Nhiễm lạnh hoặc nhiễm virus, đặc biệt là virus thực bào hô hấp VRS.
Thuốc lá
Hít phải khói thuốc lá có thể gây hen phế quản ở trẻ em

3. Dự phòng hen phế quản ở trẻ em

Điểm mấu chốt của bệnh hen phế quản là viêm đường thở do dị ứng. Chính hiện tượng viêm này đã khiến các cơn hen phế quản tái phát. Nếu không kiểm soát được tình trạng viêm, về lâu dài thành phế quản có thể bị dày lên, dẫn tới hẹp phế quản không hồi phục và kém đáp ứng với thuốc điều trị.

Chính vì vậy, mục đích của dự phòng hen phế quản ở trẻ em và cách điều trị là kiểm soát quá trình viêm, đồng thời giảm phản ứng quá mức của đường thở với tác nhân kích thích.

3.1. Mục đích của điều trị dự phòng

Dự phòng hen phế quản ở trẻ em và cách điều trị khoa học sẽ mang lại lợi ích rõ ràng, không chỉ hạn chế số lần lên cơn hen, mà thậm chí người bệnh có thể không còn cơn hen nữa. Mục đích của điều trị dự phòng là giúp trẻ:

  • Không còn triệu chứng hen khi nghỉ ngơi hoặc chơi thể thao;
  • Duy trì chức năng phổi bình thường;
  • Giảm ho về đêm để không phải thức giấc khi ngủ;
  • Kiểm soát được cơn hen cấp tính;
  • Hạn chế tới mức thấp nhất tác dụng phụ của thuốc điều trị đợt hen cấp tính;
  • Ngăn ngừa và giảm bớt tổn thương đường thở.

Nếu không điều trị dự phòng, mỗi lần lên cơn hen cấp tính, trẻ có thể phải nhập viện điều trị bằng thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm corticosteroid (prednisolon hoặc solumedrol) từ 7 - 10 ngày với liều cao và có nguy cơ gây ra tác dụng phụ lên toàn thân.

Ho đêm
Tình trạng ho về đêm ở trẻ

3.2. Nguyên tắc điều trị

Một số nguyên tắc trong dự phòng hen phế quản ở trẻ em và cách điều trị là:

  • Dùng thuốc giảm viêmgiãn cơ trơn đường thở để kiểm soát triệu chứng, tăng cường chức năng hô hấp;
  • Thuốc phải được dùng hàng ngày và trong một thời gian dài;
  • Thuốc được chọn dựa trên mức độ nặng nhẹ của tình trạng hen, tiền sử ở trẻ nhỏ và cung lượng đỉnh phổi ở trẻ lớn;
  • Các thuốc thường dùng là Corticosteroid dạng hít, thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài hoặc thuốc kháng leucotrien.

Trong đó, lứa tuổi của bệnh nhân và độ nặng nhẹ của cơn hen là một trong những nguyên tắc xây dựng phác đồ điều trị dự phòng hen phế quản. Cụ thể đối với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, điều trị hen phế quản có một số đặc thù như sau:

  • Đánh giá mức độ nghiêm trọng của hen ngoài cơn (dựa vào bệnh sử);
  • Từng bước điều trị tương tự như với trẻ trên 5 tuổi, nhưng không dùng theophylline;
  • Dùng Montelukast như thuốc kháng leucotrien.
Corticosteroid dạng hít
Điều trị hen phế quản ở trẻ em cần theo đúng phác đồ

3.3. Một số lưu ý

Trong quá trình dự phòng hen phế quản ở trẻ em và cách điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Dự phòng bằng corticoid dạng hít là hướng điều trị hen phế quản hiệu quả nhất;
  • Thuốc cần dùng hàng ngày, theo chỉ định của bác sĩ tùy theo mức độ nặng nhẹ của cơn hen;
  • Việc đánh giá tình trạng bệnh sẽ dựa vào lâm sàng và số đo chức năng phổi - cung lượng đỉnh;
  • Không được tự ý ngưng thuốc điều trị dự phòng khi thấy hết triệu chứng;
  • Không dùng kháng sinh trong điều trị hen phế quản, ngoại trừ trường hợp có nhiễm vi khuẩn.

Ngoài dùng thuốc điều trị dự phòng và thuốc giãn phế quản, việc kiểm soát môi trường và theo dõi chức năng phổi bằng phương pháp đo cung lượng đỉnh cũng là những thành phần chính trong dự phòng hen phế quản ở trẻ em và cách điều trị.

Bệnh hen phế quản ở trẻ em là không thể chữa khỏi, song có thể kiểm soát được nếu việc điều trị dự phòng bằng thuốc chống viêm (steroids) và thuốc giãn phế quản kéo dài được áp dụng một cách khoa học. Phác đồ điều trị hen luôn được cập nhật liên tục, do đó phụ huynh chỉ nên nắm thông tin tổng quan về hen phế quản ở trẻ em và cách điều trị để tham khảo, ngoài ra cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Khám nhi Vinmec Times City
Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan