Một số bệnh suy hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Văn Bình - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Suy hô hấp là tình trạng rất thường gặp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ sơ sinh. Hiện nay, có một số bệnh suy hô hấp ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

1. Thoát vị cơ hoành

Tỷ lệ mắc bệnh thoát vị cơ hoành ở trẻ chiếm khoảng 1/2000-3000 ca. Thường thì trẻ sẽ bị thoát vị bên trái, các cơ quan ở ổ bụng chiếm chỗ của phổi trong lồng ngực, gây thiểu sản phổi. Hiện nay, thoát vị cơ hoành có thể được chẩn đoán trước sinh nhờ siêu âm thai.

Những trẻ bị thoát vị cơ hoành sẽ bị suy hô hấp ngay sau khi sinh, với các biểu hiện tím tái và thiếu oxy nặng. Khi khám ám thấy thấy mỏm tim đập bên phải, lồng ngực phồng, không thấy rì rào phế nang bên trái, bụng phẳng.

Chụp X quang có giá trị chẩn đoán xác định thoát vị cơ hoành ở trẻ. Kết quả sẽ cho thấy hình ảnh của ruột trong lồng ngực, trung thất bị đẩy sang bên đối diện (thường bên phải), xẹp phổi bên lành. Nếu dùng sonde cản quang đặt vào dạ dày thì sẽ xác định được vị trí của dạ dày trên phim.

Xử trí thoát vị hoành ở trẻ sơ sinh:

  • Đặt trẻ ở tư thế 45o, nghiêng sang bên bệnh;
  • Đặt sonde dạ dày để làm xẹp dạ dày;
  • Không hô hấp viện trợ qua mặt nạ;
  • Đặt nội khí quản, thở máy;
  • Truyền tĩnh mạch glucose, đảm bảo thăng bằng kiềm -toan, giữ nhiệt độ ổn định cho trẻ;
  • Chuyển ngoại, mổ cấp cứu.

Tỷ lệ tử vong đối với trẻ bị thoát vị hoành chiếm khoảng 50-60%.

2. Teo thực quản gây suy hô hấp

Bệnh teo thực quản ở trẻ sơ sinh chiếm tỷ lệ 1/3000-4000 ca còn sống. Trong đó 1/3 là trẻ sinh non, 90% có lỗ dò thực quản - khí quản.

Teo thực quản ở trẻ sơ sinh chia thành 4 loại:

  • Loại 1: Teo thực quản đơn thuần (7,5-10%);
  • Loại 2: Teo thực quản + dò thực quản -khí quản ở túi cùng trên (1-2%);
  • Loại 3: Teo thực quản + dò thực quản -khí quản ở túi cùng dưới (86%);
  • Loại 4: Teo thực quản + dò thực quản -khí quản ở túi cùng trên và dưới (1-5%);

Bệnh teo thực quản có thể chẩn đoán trước sinh nhờ siêu âm thai, sau tuần thứ 24. Sau sinh trẻ sẽ bị suy hô hấp, tăng tiết đờm dãi, bụng phẳng. Khi đặt sonde dạ dày ta thấy sonde bị đùn trở lại.

Chụp phim đứng, để sonde ở nguyên vị trí, tiêm 10ml không khí qua sonde (hoặc 0, 5 ml thuốc cản quang tan trong nước) cho phép xác định vị trí của túi cùng trên của thực quản. Ở loại 1+2: Không có không khí dưới cơ hoành, ổ bụng trắng. ở loại 3+4: Có rất nhiều không khí trong ổ bụng.

50% số trường hợp trẻ bị teo thực quản có kèm các dị dạng khác như: Cột sống, hậu môn, tim, thận, chi.

Trẻ bị teo thực quản do bất thường về nhiễm sắc thể chiếm từ 8-27%, thường gặp là 3 NST 18 và 21.

Xử trí trẻ bị teo thực quản gây suy hô hấp:

  • Tư thế 45o, nghiêng sang một bên để tránh trào ngược;
  • Hút đờm dãi liên tục. Có thể dùng atropine 0,02 mg/kg trước khi chuyển sang khoa ngoại để làm giảm tiết đờm dãi;
  • Nhịn ăn, truyền tĩnh mạch;
  • Không hô hấp viện trợ qua mặt nạ vì luồng không khí qua lỗ dò làm rộng lỗ dò thực quản -khí quản;
  • Đặt nội khí quản, thở máy cũng có thể gây vỡ dạ dày trong trường hợp lỗ rò lớn. Trong trường hợp cần thiết phải đặt nội khí quản sâu hơn vị trí lỗ dò;
  • Chuyển ngoại mổ cấp cứu

Tỷ lệ tử vong đối với trẻ bị teo thực quản chiếm khoảng 10%.

Teo thực quản gây suy hô hấp
Teo thực quản gây suy hô hấp

3. Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi xảy ra khi trẻ già tháng bị suy hô hấp, hít nước ối phân su, đang được hô hấp viện trợ qua mặt nạ hoặc thở oxy qua sonde với áp lực cao.

Qua thăm khám sẽ thấy lồng ngực mất cân đối, rì rào phế nang mất 1 bên, mỏm tim lệch sang bên lành, bụng chướng. Cần X quang phổi để chẩn đoán xác định.

Xử trí:

  • Chọc dò, dẫn lưu khí: Có thể dùng Valium 0,3 mg/kg tiêm tĩnh mạch hoặc Katalar 2 mg/kg tiêm tĩnh mạch trước khi dẫn lưu để trẻ khỏi bị đau khi chọc;
  • Hô hấp viện trợ nếu cần.

4. Hội chứng suy hô hấp nhất thời (chậm hấp thu dịch phổi)

Bình thường sau khi ra đời thì trong lòng phế nang của trẻ sẽ không còn dịch. Vì 1 lý do nào đó như có chỉ định mổ lấy thai chủ động trước khi chuyển dạ, đứa trẻ lọt quá nhanh, dùng thuốc ức chế β ở mẹ...thì trong lòng phế nang sẽ còn dịch gây cản trở thông khí và dẫn đến trẻ bị suy hô hấp.

Biểu hiện lâm sàng của hội chứng suy hô hấp nhất thời: Trẻ thở rất nhanh (thường trên 100 nhịp/ phút), co rút lồng ngực kín đáo và mức độ suy hô hấp vừa phải.

Chụp X quang phổi thấy hội chứng kẽ, rõ rãnh liên thuỳ, có thể gặp tràn dịch màng phổi.

Điều trị: Cho trẻ thở oxy qua sonde, hô hấp viện trợ nếu cần. Tiên lượng tốt.

5. Hít nước ối phân su

Hội chứng hít nước ối phân su thường xảy ra với sản phụ bị Suy thai cấp, là tình trạng thiếu oxy và toan máu, dẫn đến thải phân su vào nước ối. Cùng với động tác hít vào sẽ khiến cho phân xu tràn vào phổi của trẻ.

Hội chứng hít nước ối phân su thường xảy ra trên trẻ đủ tháng quá to hoặc vòng nhau quấn cổ.

Trường hợp trẻ sơ sinh có suy hô hấp, nước ối phân su thì phải hút sạch mũi họng và đặt nội khí quản ngay, đồng thời hút dịch qua nội khí quản để tránh lan toả nước ối phân su vào các phế quản nhỏ, gây phù phổi tổn thương.

Nếu tình trạng trẻ tốt lên, để ống nội khí quản 24 - 48 giờ nhằm mục đích hút dịch qua nội khí quản thường xuyên. Hạn chế thở máy.

Trường hợp chụp Xquang phổi thấy các hình mờ rải rác khắp 2 phế trường, xẹp phân thuỳ phổi thì cần tìm phân su trong nước tiểu để chẩn đoán xác định.

Trong những trường hợp suy hô hấp rất nặng thì cần cho trẻ thở máy, để hạn chế tình trạng toan chuyển hoá do thiếu oxy tế bào làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp.

Điều trị: Ngoài việc đảm bảo nhu cầu oxy, thăng bằng toan -kiềm, đảm bảo khối lượng tuần hoàn bằng các dung dịch cao phân tử, ta có thể dùng Talazoline (ức chế α không đặc hiệu) làm giảm co thắt mạch phổi với liều 1-2 mg/kg chuyền bằng catheter tĩnh mạch trung tâm vào tĩnh mạch chủ trên hoặc nhĩ phải trong vòng 10 phút (theo dõi chặt chẽ huyết áp động mạch) rồi duy trì với liều 1-2 mg/kg/giờ, giảm liều từ từ. Hiện nay, việc dùng NO không gây nên biến chứng hạ huyết áp.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ hít nước ối phân su còn cao (khoảng 50%). Để lại di chứng thần kinh, thận nặng nề ở những trẻ sống sót.

Hít nước ối phân su có thể gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Hít nước ối phân su có thể gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

6. Bệnh màng trong

Bệnh màng trong chiếm 1% tổng số trẻ sơ sinh, 10% trẻ đẻ non, 50% trẻ đẻ non dưới 30 tuần. Hiện nay, việc sử dụng glucosteroid cho các bà mẹ dọa sinh non đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ bị bệnh và mức độ nặng của bệnh màng trong ở trẻ.

Dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh màng trong:

  • Điển hình là ngay sau đẻ hoặc trong vòng 6 giờ đầu tiên của cuộc sống, trẻ xuất hiện suy hô hấp, thở nhanh trên 60 lần phút, co kéo cơ hô hấp rõ, cánh mũi phập phồng, tiếng thở rên ở thì thở ra, rì rào phế nang yếu, tím tái. Tiến triển nặng dần lên trong vòng 24 giờ. Trong thời gian này có thể nguy hại đến tính mạng của trẻ nếu không được hô hấp viện trợ. Sau 2-3 ngày có thể tiến triển tốt lên từ từ.
  • Rối loạn nghiêm trọng các chất khí trong máu: PaO2 giảm tới 50 mmHg, PaCO2 tăng trên 70 mmHg, pH giảm.
  • X Quang phổi giúp chẩn đoán xác định bệnh mang trong: Những nốt mờ nhỏ khắp 2 phế trường và hệ thống phế quản ứ khí quá sáng trên phim. Dựa vào hình ảnh X quang phổi, bệnh màng trong được chia làm 4 độ:

+Độ 1: nốt mờ nhỏ khắp hai phế trường;

+Độ 2: Độ1 + nhìn rõ hệ thống phế quản bên ngoài bóng tim;

+Độ 3: Độ 2 + còn phân định rõ ranh giới của tim;

+Độ 4: phổi trắng.

Điều trị:

Điều trị triệu chứng:

  • Hạn chế tối đa những động chạm không cần thiết tới trẻ bị suy hô hấp. Lấy bệnh phẩm xét nghiệm, chụp X quang cũng phải nhẹ nhàng. Trẻ ít xuất tiết nên hút nội khí quản 6 giờ /lần;
  • Theo dõi huyết áp động mạch, giữ nhiệt độ ổn định cho trẻ;
  • Đo khí máu để điều chỉnh máy thở và nồng độ oxy phù hợp với yêu cầu của trẻ (đảm bảo PaO2 40®-70 mmHg trong máu mao mạch);
  • CPAP mũi với 5-7 cm nước khi nhu cầu oxy trên 50%. Khi dùng CPAP sớm sẽ tiết kiệm được surfactant, giảm biến chứng ở phổi và tiên lượng tốt hơn;
  • Thở máy khi tình trạng suy hô nặng lên, khi nhu cầu oxy trên 60%, hoặc PCO2 trên 50-60 mmHg với PEEP là 4 cm nước;
  • Kháng sinh: Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn, dùng β lactamin+ gentamycine. Dừng kháng sinh sau 5 ngày nếu không có triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của nhiễm khuẩn;
  • Truyền proteine 1g/kg/24 giờ vì tổng hợp surfactant tiêu thụ một lượng lớn protit;
  • Đảm bảo đường huyết cho trẻ bằng dung dịch glucose;
  • Chú ý đến lượng nước đưa vào để tránh sự tồn tại của ống động mạch và tránh suy thận. 70 ml /kg/24 giờ đầu là hợp lý;
  • Đảm bảo thăng bằng toan -kiềm;
  • Chú ý phát hiện sớm còn ống động mạch để điều trị kịp thời.

Dùng surfactant: Có 2 loại chính là surfactant có nguồn gốc tự nhiên và surfactant tổng hợp. Chất surfactant được bơm vào phổi qua nội khí quản

  • Surfactant động vật: Nguồn gốc từ bò (Survanta: 100mg/kg, Alveofact); Nguồn gốc từ bê (Infasurf, BLES); Nguồn gốc từ lợn (Curosurf: 100-200 mg/kg).
  • Surfactant tổng hợp: Alec (Pum actant); Surfexo; Newfactant...

Phòng bệnh:

  • Phòng bệnh mang trong ở trẻ bằng cách dùng Betamethasone (12mg IM x 2 cách nhau 24 giờ) cho mẹ trong trường hợp dọa sinh non dưới 34 tuần tuổi và 24-72 giờ trước sinh để giúp các tế bào phổi 2 sản xuất surfactant. Thuốc có tác dụng từ tuần thứ 24, giúp làm giảm tần suất và mức độ của suy hô hấp.
  • Sự trưởng thành của phổi còn được đánh giá bằng tỷ lệ Lecithin/ Sphingomyelin trong nước ối. Nếu tỷ lệ này < 2 thì khả năng suy hô hấp sau sinh là rất lớn.
  • Sản phụ cần dùng thuốc giảm co bóp tử cung và kháng sinh phòng nhiễm khuẩn trong trường hợp cần thiết.
Trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp do bệnh màng trong
Trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp do bệnh màng trong

7 Phổi quá non

Thường gặp ở trẻ sinh non < 1500g, đặc biệt là dưới 1000g. Lúc này tổ chức phổi của trẻ còn quá non và không đảm đảm nhiệm vụ trao đổi khí.

Trong giai đoạn bào thai, các tế bào phế nang dày, hình trụ, thành mao mạch dày, tế bào cũng hình trụ; tổ chức kẽ giữa phế nang và mao mạch rộng, chứa nhiều glycogen. Do đó hầu như không có sự trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch. Từ tuần thứ 28, tế bào phế nang và mao mạch dẹt dần, thành phế nang và thành mao mạch mỏng dần, khoảng cách giữa phế nang và mao mạch hẹp dần, giúp cho sự trao đổi khí xảy ra dễ dàng.

Nếu trẻ được sinh ra trước thời gian đó, sự trao đổi khí giữa máu và phế nang không tốt, trẻ bị suy hô hấp, tử vong trong bệnh cảnh của xuất huyết phổi hoặc xẹp phổi.

8. Nhiễm trùng phổi

Hay gặp vì hệ thống miễn dịch của trẻ hoạt động chưa tốt.

Nhiễm trùng sớm (nhiễm trùng mẹ -con) thường nằm trong bệnh cảnh nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết.

Triệu chứng suy hô hấp có thể bị các triệu chứng toàn thân che lấp như nổi vân tím, sốc, rên rỉ, giảm trương lực cơ.

Hình ảnh Xquang phổi không điển hình: Nốt mờ không đều rải rác 2 phế trường. Có thể chẩn đoán nhầm là bệnh màng trong ở trẻ đẻ non.

Nhiễm trùng phổi do nhiễm trùng mẹ -con:

  • Có thể do đường máu hoặc do hít phải nước ối nhiễm khuẩn lúc sinh;
  • Vi khuẩn được tìm thấy bằng cấy máu, trong dịch dạ dày, bệnh phẩm ngoại biên hoặc có khi trong nước não tuỷ;
  • Một số loại vi khuẩn thường gặp là Streptocoque B, E. Coli;
  • Điều trị: β lactamine + gentamycine đường tĩnh mạch. Nếu điều trị muộn sẽ gây ra sốc nhiễm khuẩn hoặc thiếu oxy nặng không hồi phục, đặc biệt đối với liên cầu B.

Nhiễm trùng phổi tại bệnh viện:

  • Thường xảy ra trên trẻ sinh non trong phòng cấp cứu, phải đặt nội khí quản -thở máy dài ngày;
  • Các chủng vi khuẩn vào được đường hô hấp dưới của trẻ là do động tác hút nội khí quản, chúng sẽ cư trú ở đó sau khi đặt nội khí quản trên 1 tuần.
  • Tìm vi khuẩn gây bệnh bằng cách cấy dịch rửa phế quản -phế nang.
  • Vi khuẩn thường gặp là Staphylococcus aureus hoặc epidermidis, trực trùng Gram (-) như Enterobacteriesn, Pseudomonas.
  • Điều trị:
  • Tụ cầu vàng: Dùng Vancomycine + Aminozide; Fosfomycine + Cefotaxime;
  • Trực trùng Gram (-): Dùng Cephalosporine thế hệ 3 C+ Aminoside.
  • Ở trẻ đẻ non có đặt nội khí quản, tăng nhu cầu 02, hình ảnh X quang phổi thấy tổn thương phế nang - tổ chức kẽ phải đặt ra chẩn đoán phân biệt giữa viêm phổi, phù phổi do còn ống động mạch và loạn sản phổi -phế quản.

Nhiễm trùng phổi do virus:

  • Có thể gặp ở trẻ đẻ non vì tiếp xúc với người lành mang bệnh;
  • Virus thường gặp là: Respiratoire syncitial (VRS), Myxovirus parainfluenzae.
  • Tìm virus ở dịch mũi -họng bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang hoặc cấy.
  • Bội nhiễm thường do Haemophilus influenzae, Pneumocoque.
  • Nhiễm trùng do VRS có thể nhẹ nhưng cũng có thể gây suy hô hấp nặng, đặc biệt trên những cá thể bị loạn sản phổi -phế quản, tim bẩm sinh.
  • Điều trị bằng khí dung Ribavirine, thuốc đặc hiệu đối với VRS.

Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng của bệnh suy hô hấp nặng thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị. Hiện nay, Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng lựa chọn để thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải. Vinmec mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao bởi:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: Gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành.
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.

Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh màng trong

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

567 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan