Nhiễm virus hợp bào hô hấp: Khi nào là nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Mai Phương - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Virus hợp bào hô hấp là một trong những tác nhân thường gặp gây nhiễm trùng đường hô hấp do virus, ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh có thể biểu hiện mức độ nhẹ như cảm lạnh thông thường nhưng trong trường hợp nguy hiểm có thể phải nhập viện.

1. Virus hợp bào hô hấp là gì?

Virus hợp bào hô hấp là một nguồn virus rất dễ lây lan trong cộng đồng. Cơ quan thường bị ảnh hưởng nhất là hệ hô hấp. Và đây chính là nguồn nhiễm gây ra các triệu chứng khó chịu trên đường hô hấp với các mức độ khác nhau. Các triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể có mức độ nhẹ, giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu có ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới, người bệnh sẽ bị viêm tiểu phế quản và viêm phổi.

Hầu hết trẻ em đều tiếp xúc với virus hợp bào hô hấp ít nhất một lần từ lúc sinh ra đến khi chúng được 2 tuổi. Thống kê cho thấy, có từ 1 đến 2% các trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ sơ sinh cần phải nhập viện. Trên người lớn, chúng có khuynh hướng ảnh hưởng đến người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính.

2. Các đặc điểm virus hợp bào hô hấp như thế nào?

Đặc điểm virus hợp bào hô hấp là rất dễ lây lan và con đường lây lan là qua đường giọt bắn. Khi một người bị bệnh ho hoặc hắt hơi, dịch tiết ra từ đường hô hấp có chứa virus được lan truyền vào không khí. Virus hợp bào hô hấp có thể tồn tại hàng giờ trên các bề mặt như mặt bàn, tay và quần áo,... khiến virus dễ dàng lây truyền từ người sang người.

Một người bình thường hoàn toàn khỏe mạnh có thể có các triệu chứng mắc bệnh trong 3 đến 8 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả những người suy giảm miễn dịch, virus hợp bào hô hấp có thể gây bệnh trong thời gian lên đến 4 tuần.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng nặng hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm:

  • Trẻ sinh non
  • Trẻ dưới 2 tuổi
  • Người cao tuổi
  • Người lớn hoặc trẻ em suy giảm miễn dịch bẩm sinh
  • Người mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mãn tính
  • Người có các bệnh lý hô hấp khác, chẳng hạn như hen suyễn
  • Nhiễm trùng có khả năng lây lan rất mạnh giữa các thành viên trong gia đình hay các trẻ trong nhà trẻ hoặc trường học.
tieu-chuan-xuat-vien-voi-tre-sinh-non-1
Trẻ sinh non thuộc đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng

3. Các triệu chứng khi mắc virus hợp bào hô hấp là gì?

Các triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp thường diễn ra trong 3 đến 8 ngày sau khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với virus.

  • Sổ mũi
  • Ho
  • Hắt hơi
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Chán ăn hay ăn kém
  • Sốt
  • Thở khò khè, thở nhanh và khó thở
  • Thở ngắn, nông và nhanh
  • Da môi có dấu hiệu tím tái
  • Chậm chạp, lừ đừ hay li bì

4. Làm sao để chẩn đoán bệnh lý do virus hợp bào hô hấp?

Khi có các triệu chứng nêu trên, người bệnh hay trẻ nhỏ đến thăm khám sẽ được bác sĩ khai thác bệnh sử, các tiền căn có liên quan và khám sức khỏe tổng quát. Trong đó, cần lưu ý nhất là các tổn thương tại phổi cũng như đo lường tình trạng oxy hóa máu bằng thiết bị cầm tay, nhằm tiếp cận nhanh khả năng có suy hô hấp và cần xử trí kịp thời.

Trên khía cạnh lâm sàng, bác sĩ thường không đặt ra yêu cầu cần phân biệt giữa virus hợp bào hô hấp và các loại virus cảm lạnh thông thường khác. Tuy nhiên, nếu bệnh lý xảy ra trên trẻ sơ sinh hay các đối tượng nguy cơ kể trên, chỉ định nhập viện để thuận tiện theo dõi cũng như thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán virus hợp bào hô hấp là cần thiết, có thể giúp loại trừ các bệnh nhiễm trùng khác và lựa chọn phương thức điều trị phù hợp.

Các xét nghiệm bổ sung cần làm là xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực và nuôi cấy đờm, dịch tiết mũi hay dịch phết vùng hầu họng.

Dịch phết vùng hầu họng
Bác sĩ lấy dịch phết vùng hầu họng làm xét nghiệm

5. Phòng ngừa nhiễm virus hợp bào hô hấp

Cách để ngăn chặn sự cảm nhiễm và lây lan của virus hợp bào hô hấp là tuân thủ tốt các quy định thực hành vệ sinh cá thân và môi trường.

  • Rửa tay: Luôn rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kỳ ai có triệu chứng giống cảm lạnh và trước khi tiếp xúc với trẻ em. Nếu cha mẹ hay người chăm sóc tuân thủ đúng, điều này cũng có thể giúp trẻ học được tầm quan trọng của việc rửa tay.
  • Lau chùi các bề mặt sạch sẽ: Nguy cơ lây lan virus hợp bào hô hấp có thể được giảm bớt bằng cách thường xuyên làm sạch các bề mặt như đồ chơi, bàn ghế và tay cầm.
  • Ho và hắt hơi: Trẻ em cần phải được hướng dẫn cách che miệng khi ho hoặc hắt hơi ngay từ tuổi lên hai, là dùng khăn tay hoặc hắt hơi vào khuỷu tay, để tránh dây dính giọt bắn trên tay.
  • Dụng cụ cá nhân: Khuyến khích mỗi thành viên trong gia đình, các trẻ trong cùng lớp học có dụng cụ cá nhân riêng biệt như ly cốc, chén bát, khăn ăn, khăn lau mặt...
  • Hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng giống cảm lạnh, tránh nơi tụ tập đông người
  • Tránh hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc
  • Đối với trẻ sơ sinh, vì nguy cơ biến chứng cao hơn nếu mắc phải virus hợp bào hô hấp, có thể tiêm kháng thể chống RSV (palivizumab), nhất là trong các tháng mùa thu – đông.

Tóm lại, nhiễm virus hợp bào hô hấp là tác nhân gây bệnh khá thường gặp, hầu hết các trẻ em đều mắc phải trước lứa tuổi đến trường. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các trường hợp bệnh mức độ nhẹ và tự thuyên giảm tại nhà, một số ít lại dẫn tới các biến chứng nặng nề, nhất là các đối tượng nguy cơ. Theo đó, mỗi cha mẹ cần biết cách chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm cho con trẻ để có thể tìm kiếm hỗ trợ can thiệp y tế kịp thời.

Để phòng việc trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Tăng cường lysine cho bé còn giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan