Nôn và ói ở trẻ nhỏ - Khi nào cần đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Nôn ói là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ, đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý cấp tính. Đây là giai đoạn cơ thể bé đang điều chỉnh thích nghi với các loại thực phẩm. Vậy trẻ nôn kèm dấu hiệu nào là bình thường hoặc không bình thường?

1. Tại sao trẻ nôn ói?

Nôn ói là hiện tượng cơ bụng, cơ thành ngực co lại và đẩy dịch bên trong dạ dày trào lên thực quản và trào ra miệng. Hiện tượng này xảy ra khi dây thần kinh của não trở nên nhạy cảm hơn với các loại kích thích như: ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng, thuốc, do sự chuyển động,...

Đây là một hiện tượng có lợi và là cách cơ thể loại bỏ các chất có hại ra khỏi cơ thể nhanh chóng. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc hoặc dùng ngón tay để móc ói ngay cả khi trẻ uống nhầm các chất có hại.

Chữa ngộ độc thức ăn tại nhà
Ngộ độc thức ăn có thể là nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ.

2. Nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ

Các nguyên nhân gây nôn ở trẻ nhỏ thường phụ thuộc vào độ tuổi:

Độ tuổi < 12 tháng tuổi

Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi thường rất khó phân biệt giữa nôn ói, trào ngược dạ dày thực quản hoặc một bệnh lý nào đó. Khi trẻ nôn ói nhiều có thể nghĩ đến các bệnh lý như: Tắc hoặc hẹp môn vị dạ dày, lồng ruột, tắc ruột,... Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm.

Nếu trẻ nôn ói có kèm sốt (sốt 38 độ C hoặc sốt cao hơn) có thể do nhiễm trùng ruột hoặc nhiễm trùng ở một nơi nào đó trong cơ thể.

Độ tuổi > 12 tháng tuổi

Nguyên nhân gây nôn ói thường gặp nhất ở lứa tuổi này là viêm dạ dày - ruột do siêu vi. Triệu chứng thường bắt đầu đột ngột và khỏi trong vòng 24 - 48 giờ, có thể kèm tiêu chảy, sốt hoặc đau bụng.

Nôn ói do trẻ ăn thực phẩm nhiễm bẩn, ngậm tay hoặc ngậm các đồ vật bị nhiễm khuẩn (có vi khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn, nấm mốc) dẫn đến ngộ độc.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: Trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày, loét tá tràng, tắc ruột, lồng ruột, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, viêm ruột thừa, viêm tụy,...

Đau bụng là dấu hiệu tắc ruột được cảnh báo sớm nhất
Tắc ruột gây nôn ói ở trẻ nhỏ.

3. Trẻ nôn kèm dấu hiệu nào là bình thường?

Trong giai đoạn đầu đời của trẻ, hiện tượng nôn ói là rất bình thường và phổ biến do bé đang dần dần thích nghi với mùi vị của thức ăn, các cơ quan cũng cần thời gian để “hòa hợp” với các loại thực phẩm mà bé nạp vào hàng ngày.

Trẻ nôn kèm dấu hiệu nào là bình thường? Phụ huynh cần biết cách phân biệt giữa nôn ói và ọc sữa. Nôn là tất cả những thực phẩm đã ăn đều bị bé nôn hết ra ngoài trong khi ọc sữa chỉ gồm một lượng thức ăn nhỏ và thương kèm theo triệu chứng ợ nóng.

Sau khi ăn bé có thể ọc sữa một chút, tuy nhiên, tình trạng này sẽ giảm nếu bé không đùa nghịch sau ăn và ọc sữa thường không ảnh hưởng đến quá trình tăng cân của bé.

Trẻ ọc sữa
Nếu trẻ bị ọc sữa thì là chuyện bình thường.

4.Trẻ nôn kèm dấu hiệu nào là không bình thường?

  • Trẻ sơ sinh bị nôn ói.
  • Nôn ói và có dấu hiệu mất nước (miệng khô, mắt khô, không tiểu trong 6 giờ).
  • Trẻ bị nôn kèm theo tình trạng sốt trên 38 độ C trong hơn 3 ngày hoặc ngay khi trẻ sốt > 39 độ C, chân tay lạnh.
  • Không uống sữa.
  • Nôn liên tục trong thời gian dài hơn 24 tiếng.
  • Khó thở.
  • Tim đập nhanh.
  • Ngủ gà, lơ mơ, lừ đừ.
  • Nôn ra máu.
  • Nôn ra mật xanh.
  • Đi tiêu ra máu.
  • Tiêu chảy kèm theo thường do hẹp môn vị, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng tai,...
  • Đau bụng nhiều.
Trẻ nôn ra máu
Trẻ nôn ra máu cần ngay lập tức đưa đi bệnh viện.

5. Chăm sóc trẻ bị nôn ói

Theo dõi tình trạng mất nước

Tình trạng mất nước có thể xảy ra khi trẻ nôn và ói với các dấu hiệu bao gồm:

  • Môi khô.
  • Khát nước.
  • Khóc không có nước mắt.
  • Không đi tiểu trong vòng 6 giờ.
  • Hai mắt trũng.
  • Bàn tay bàn chân lạnh.
  • Lừ đừ.

Chế độ ăn

  • Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, cho bú mẹ với trẻ còn đang bú nếu không có dấu hiệu mất nước. Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, nếu trẻ nôn ói ngay sau khi bú, mẹ nên cố gắng cho con bú từng chút một và nhiều lần. Nếu sau 2 - 3 giờ, tình trạng nôn ói giảm dần dần ổn định thì có thể cho bú như bình thường hoặc ngược lại đưa trẻ đi khám ngay.
  • Không ép trẻ ăn, đặc biệt trong 24 giờ đầu, có thể cho trẻ ăn cháo, thịt nạc, sữa chua, trái cây,... và hạn chế chất béo gây khó tiêu hóa. Không cần hạn chế các thức ăn.

Bù nước và điện giải

Dung dịch Oresol giúp bù dịch và các chất điện giải (natri, kali, clorua) mất đi trong quá trình nôn và tiêu chảy. Oresol không gây ói và không điều trị nôn ói, mà chỉ ngăn ngừa và điều trị mất nước do nôn ói. Pha chế Oresol đúng cách và theo dõi sát các triệu chứng mất nước nặng hơn.

Nước trái cây, nước gạo và các đồ uống khác (nước khoáng chứa các chất điện giải, nước có nhiều đường) không được khuyến cáo cho trẻ em khi trẻ bị mất nước. Cho trẻ uống Oresol từng ngụm nhỏ, mỗi 1-2 phút, nên đút hết một lượng Oresol (50ml cho mỗi kg cân nặng) trong vòng 4 giờ rồi cho trẻ ăn uống lại bình thường.

Cho bé nghỉ ngơi

Khi trẻ ngủ, dạ dày và ruột sẽ ít bị kích thích hơn vì vậy nên giữ cho bé ngủ ngon để bé nhanh chóng khỏe lại. Hạn chế mùi hôi và các mùi kích thích (mùi nước hoa, khói,...), hạn chế ánh sáng chói chiếu vào trẻ hoặc hạn chế đi xe gây buồn nôn.

Mặc khác, các phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho bé uống thuốc chống nôn. Nếu trẻ trên 2 tuổi có thể pha nước gừng ấm và cho bé uống từng chút một.

Dự phòng lây lan

Trường hợp trẻ nôn ói do siêu vi hoặc các loại vi khuẩn dễ lây nhiễm thì người lớn nên cần cẩn thận khi chăm sóc trẻ. Cần phải rửa tay thường xuyên và hạn chế để trẻ tiếp xúc với nhiều người cho đến khi trẻ ngưng ói 24 giờ.

Tóm lại, nôn ói ở trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời là hiện tượng thường gặp và và không ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự phát triển của các bé. Bố mẹ không nên quá căng thẳng khi thấy trẻ hay bị nôn ói, thay vào đó là cần điều chỉnh thói quen cho ăn và chế độ ăn uống thích hợp hơn. Tuy nhiên, khi trẻ lớn nôn đột ngột hoặc kéo dài, kèm theo các triệu chứng bệnh lý thì cần đưa bé đi khám để xử trí kịp thời.

Ở Việt Nam hiện nay cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi có đến 7 trẻ thiếu kẽm và 10 bà mẹ có thai có đến 8 người bị thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%. Biểu hiện bé thiếu kẽm thường thấy đó chính là chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, và có 1 số triệu chứng quan sát được như trẻ chán ăn hoặc giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ. Bên cạnh việc bổ sung kẽm hợp lý, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... cho con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan