Phát ban ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, cách điều trị

Ban đỏ hay phát ban ở trẻ sơ sinh (còn được gọi là hồng ban độc tố và hồng ban độc tố neonatorum) là một tình trạng phổ biến và lành tính gặp ở trẻ sơ sinh. Nó ảnh hưởng đến một nửa số trẻ sơ sinh đủ tháng nhưng ít phổ biến hơn ở trẻ sinh non. Phát ban ở trẻ sơ sinh không nghiêm trọng, không gây hại cho em bé và tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên đôi khi được gọi là ban đỏ độc hại, mụn trứng cá ở trẻ em hoặc ban đỏ độc hại ở trẻ sơ sinh. Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho các bậc cha mẹ về nguyên nhân, cách điều trị phát ban ở trẻ sơ sinh.

1. Ban đỏ ở trẻ sơ sinh là gì ?

Ban đỏ ở trẻ sơ sinh là một phát ban trên da phổ biến ảnh hưởng đến nhiều trẻ sơ sinh chiếm khoảng 30 - 70%, đây là một loại phát ban màu đỏ rất phổ biến, xuất hiện ở trẻ sơ sinh trẻ sơ sinh đủ tháng, thường gặp ở trẻ trai hơn trẻ gái, tỷ lệ mắc ban đỏ sơ sinh tăng theo tuổi thai, cân nặng, và ban đỏ không hề độc hại. Nó thường xuất hiện trong tuần đầu tiên sau khi sinh nhưng nó có thể xảy ra muộn hơn, thậm chí đến bốn tuần sau khi chúng được sinh ra và biến mất trong vòng một đến hai tuần.

Phát ban này thường xuất hiện dưới dạng các tổn thương nhỏ màu đỏ nổi lên chứa đầy mủ màu trắng hoặc vàng, mặc dù có mủ nhưng nó không phải là một bệnh nhiễm trùng nên không nguy hiểm. Có thể có rất nhiều điểm (hoặc chỉ một số) khác nhau về kích thước với đường viền không xác định. Nếu bạn ấn vào các vết này, chúng sẽ trắng bệch hoặc chuyển sang màu trắng. Phát ban thường xuất hiện trên mặt hoặc phần giữa của cơ thể em bé, đôi khi có thể xuất hiện trên cánh tay hoặc đùi của trẻ, đặc biệt không bao giờ có ở lòng bàn chân hoặc bàn tay. Các ban đỏ này thường xảy ra trong vòng 3 đến 14 ngày sau sinh, đôi khi xuất hiện vài giờ sau sinh. Mụn ban đỏ có thể chứa đầy mủ nhưng đây không phải là một bệnh nhiễm trùng. Dân gian hay gọi đây là mụn hạt kê.

2. Nguyên nhân gây ban đỏ ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân của những ban đỏ này hiện chưa rõ, có nhiều giả thiết được đưa ra để giải thích cho những rối loạn thường gặp này:

  • So với người trưởng thành, mật độ nang lông cao hơn ở trẻ sơ sinh. Các tế bào viêm có khuynh hướng tập trung xung quanh nang lông và có các vi khuẩn tương tự cầu khuẩn ở lớp thượng bì của nang lông trong các tế bào viêm. Điều này cho thấy ban đỏ có thể là sự đáp ứng với xâm nhập của các vi khuẩn trên vào nang lông.
  • Các giả thiết khác bao gồm: Phản ứng điều chỉnh của da đối với các kích thích nhiệt và cơ học hoặc đối với các tế bào lympho được truyền từ mẹ sang trẻ qua nhau thai trước và trong khi sinh.
  • Các yếu tố nguy cơ: Khí hậu nóng ẩm, đẻ thường, trẻ bú bình, một vài nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong quá trình chuyển dạ kéo dài có tỷ lệ mắc ban đỏ cao hơn, các nhiễm khuẩn da khác.
Phát ban nhiệt
Nguyên nhân gây ra ban đỏ hiện chưa rõ

3. Nhận biết triệu chứng phát ban ở trẻ sơ sinh

  • Trẻ thường khỏe mạnh và không có triệu chứng toàn thân như: sốt, li bì, kích thích.
  • Ban thường xuất hiện dưới dạng chấm, hạt, mụn phỏng, mụn mủ trên nền da đỏ. Những trường hợp nặng, xuất hiện các hạt hoặc các mụn phỏng màu vàng nhạt, trắng trên nền đỏ,cảm nhận thấy cứng khi chạm vào và có thể tiết ra chất dịch giống như mủ. Khoảng 10% bệnh nhi có mụn mủ với đường kính 2 - 4 mm.
  • Ban đỏ thường xuất hiện rải rác không đều, có thể ít hoặc nhiều, dày hoặc mỏng tùy từng trường hợp và đôi khi thành cụm. Ban hay thấy ở mặt, thân, các chi. Các tổn thương này hiếm gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và niêm mạc.
  • Ban thường tự hết trong vòng 5 - 12 ngày và không để lại di chứng. Rất hiếm gặp trường hợp tái phát lại, nếu có các triệu chứng thường nhẹ.

4. Chẩn đoán phân biệt

Ban đỏ sơ sinh được chẩn đoán cơ bản dựa trên lâm sàng.

Ngoài ra có thể xét nghiệm dịch trong các mụn phỏng để loại trừ các nguyên nhân có thể khác; xét nghiệm công thức bạch cầu cho thấy có sự tăng nhẹ của bạch cầu ưa bazơ ở khoảng 15% bệnh nhân; các xét nghiệm khác như cấy virus, cấy vi khuẩn, nấm để loại trừ bệnh do virus Herpes (HSV)... Sinh thiết để chẩn đoán chắc chắn nhất nhưng không thực sự cần thiết.

Tốt hơn hết nếu bạn nhận thấy con bạn có những vệt phát ban trên da nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có nhưng chẩn đoán chính xác nhất.

5. Điều trị phát ban ở trẻ sơ sinh

Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh ban đỏ hoặc đôi khi không cần điều trị. Phát ban ở trẻ sơ sinh thường tự nhiên biến mất trả lại làn da bình thường mà không để lại bất kỳ di chứng nào trong vòng vài tuần và tất cả các triệu chứng sẽ không còn khi trẻ được 1 đến 4 tháng tuổi. Thường xuyên tắm cho trẻ bằng cách giữ nước âm ấm và đảm bảo tắm trong thời gian ít hơn 10 phút và nên tắm ngắn hàng ngày để làm sạch nước bọt, mồ hôi hoặc phân và giúp giữ cho da sạch sẽ để da có thể lành lại. Tuy nhiên, nên chờ cho đến sau 24 giờ đầu tiên sau khi sinh vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chờ đợi có thể cải thiện tình trạng của da bằng cách cho phép da của trẻ có thời gian hấp thụ các chất dinh dưỡng từ vernix, lớp phủ nhờn bao phủ em bé của bạn khi sinh. Da của em bé rất mỏng manh và rất mỏng nên việc rửa quá nhiều có thể làm hỏng da. Và bỏ qua bất kỳ loại xà phòng có mùi thơm hoặc nặng. Da của trẻ sơ sinh nhạy cảm nên điều quan trọng là sử dụng các sản phẩm không gây dị ứng, dịu nhẹ và không có mùi thơm. Sau đó, tắm lại với kem dưỡng ẩm nhẹ không có mùi thơm.

Đừng cố gắng dùng thuốc mỡ hoặc dầu em bé bôi lên bất kỳ nốt mụn nào. Nó chỉ khiến cho vùng da phát ban tồi tệ hơn và có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Cơ thể của trẻ chưa thể điều chỉnh nhiệt độ thích hợp nên chúng thường bị phát ban nhiệt ngoài ban đỏ nhiễm độc. Nói đến nhiệt, đừng mặc quần áo quá mạnh cho em bé của bạn nếu không nó cũng có thể làm cho ban đỏ nhiễm độc nặng hơn (và dẫn đến phát ban nhiệt). Bạn cũng đừng gãi vào chỗ phát ban của em bé, bởi có thể gây ra vết loét hở và dễ bị nhiễm trùng thứ phát.

Kem chống phát ban do mặc tã
Cha mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị phát ban ở trẻ sơ sinh

6. Cách chăm sóc phát ban ở trẻ sơ sinh

Tắm rửa thay tã cho trẻ hàng ngày nhưng không nên tắm quá kỹ, cố gắng luôn giữ cho da trẻ được khô ráo. Cố gắng không nặn bóp mụn, tránh để nhiễm trùng. Nếu bạn đang sử dụng các sản phẩm để giữ ẩm cho em bé của bạn, bạn có thể tiếp tục sử dụng nhưng đảm bảo chúng không có mùi thơm và được thiết kế để sử dụng cho trẻ sơ sinh.

Đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu trẻ có biểu hiện sốt, li bì, kích thích, bỏ bú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan