Sự phát triển của trẻ 48 tuần tuổi sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ 48 tuần tuổi đã có thể bắt đầu biết đi, vì vậy hãy đảm bảo rằng trẻ luôn được ở trong một môi trường thật sự an toàn để phát triển. Bạn nên tuân theo các hướng dẫn chăm sóc trẻ để bảo vệ an toàn cho trẻ và không nên để trẻ một mình mà không có ai quan sát.

1. Sự phát triển của trẻ 48 tuần tuổi

Ở độ tuổi này cân nặng, chiều cao của trẻ đạt trung bình 9 kg và cao 75 cm.

Ở tuần thứ 48, trẻ đã tự tin để chập chửng bước đi xung quanh nhà, biết cách bám vào đồ đạc để được hỗ trợ và những bước đi tự chủ đầu tiên của trẻ sẽ không còn lâu nữa (nếu trẻ chưa đi được).

Bộ não của trẻ cũng đang phát triển nhanh chóng tại thời điểm hiện tại. Một số trẻ đã có thể tự làm nhiều thứ, như tự đánh răng tuy có thể chưa hoàn toàn sạch triệt để. Mẹ hãy kiểm tra lại mỗi lần sau khi trẻ đánh răng xong (ví dụ mép còn bọt kem đánh răng, hay bàn chải chưa tráng sạch, cốc còn chưa rửa lại... trẻ sẽ quan sát và tự rút ra kinh nghiệm ở những lần sau).

Dưới đây là một số cột mốc quan trọng của trẻ 48 tuần tuổi mà bạn có thể theo dõi:

  • Trẻ có thể tự đứng vững mà không cần hỗ trợ
  • Trẻ có thể tự uống nước bằng cốc
  • Trẻ có thể nói hai hoặc ba từ khác biệt
  • Trẻ có thể tự lăn lại quả bóng mà không cần sự trợ giúp của ai
  • Có xu hướng thích chơi với các bạn và tập thể hơn là chơi một mình.
Trẻ  tự uống nước bằng cốc
Trẻ 48 tuần tuổi có thể tự uống nước bằng cốc

Với độ tuổi này đây là thời gian thích hợp cho các trẻ làm quen với sách.Việc ba mẹ đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe qua đọc sách sẽ giúp con tăng vốn từ, giúp cuộc hội thoại của con trở nên phong phú hơn. Đồng thời, ba mẹ có thể chỉnh âm cho con bằng việc đọc rõ và thể hiện khẩu hình miệng đối với các âm hoặc phụ âm khó.

2. Chế độ dinh dưỡng của trẻ 48 tuần tuổi

Lúc trẻ 6 tháng tuổi nên bắt đầu tập ăn dặm. Với các trẻ tập ăn dặm, số lượng trong bữa ăn dặm sẽ phụ thuộc vào thể trạng của từng trẻ. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng sữa hàng ngày cho trẻ. Mẹ có thể cho trẻ bú 3-4 lần/ngày kết hợp với 1 -2 bữa cháo bột/ngày và sau đó có thể tăng dần số bữa khi trẻ được gần 1 tuổi.

Để cho trẻ làm quen với chế độ ăn dặm, trước tiên mẹ nên cho trẻ tập ăn dặm bằng bột, mỗi ngày một chén bột khuấy lỏng cho ruột trẻ thích nghi và tiêu hóa được tinh bột. Sau đó cho trẻ dần dần làm quen với bột ăn dặm từ dạng lỏng đến dạng đặc hơn. Hãy đảm bảo mỗi phần ăn của trẻ phải chứa đầy đủ 4 nhóm thức ăn sau:

Dầu oliu
Sử dụng dầu thực vật rất tốt cho sự phát triển của não bộ của trẻ
  • Tinh bột.
  • Đạm: Cá, thịt, trứng, tôm, cua, các loại đậu như đậu hũ, đậu xanh, đậu nành, ...Với các trẻ 6 tháng tuổi, thay vì sử dụng lòng trắng trứng chỉ nên sử dụng lòng đỏ trứng.
  • Dầu mỡ: Có vai trò quan trọng cho sự phát triển của não bộ, cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo. Bạn có thể sử dụng các loại dầu thực vật như: dầu oliu, dầu đậu nành, dầu lạc, dầu mè, dầu hướng dương.
  • Rau: Rau có màu càng đậm thì càng chứa nhiều vitamin. Bạn có thể sử dụng các loại rau như: mồng tơi, bó xôi, rau dền, cải ngọt, rau ngót, bí đỏ, cà chua, cà rốt...để nấu bột cho trẻ. Rau quả không chỉ cung cấp vitamin, sắt, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể mà còn cung cấp chất xơ giúp trẻ tránh được táo bón. Mỗi phần bột của trẻ, bạn cần thêm 2 – 3 muỗng canh rau.

Ở độ tuổi này bạn có thể dạy trẻ ăn bằng thìa, vì ở giai đoạn này, các kỹ năng vận động của trẻ ngày càng được phát triển, cho phép trẻ hướng tay vào đĩa hoặc hộp đựng thức ăn, cầm từng miếng thức ăn nhỏ và đưa lên miệng. Để tránh việc trẻ ném đồ vật, bạn nên sử dụng những đĩa, thìa và cốc có thể dính vào khay hoặc sử dụng thìa nhựa. Nên sử dụng các loại bát đĩa rộng hoặc phẳng sẽ giúp trẻ lấy thức ăn tốt hơn các loại bát cao.

3. Một số mẹo chăm sóc cho trẻ 48 tuần tuổi

Không nên quát mắng trước mặt trẻ
Không nên quát mắng trước mặt trẻ,trẻ có thể bắt chước rất nhanh

Đảm bảo cho trẻ có môi trường an toàn để thực hành các kỹ năng vận động của mình, bạn không nên để trẻ ở một mình và đảm bảo rằng khu vực xung quanh an toàn cho trẻ.

Khuyến khích trẻ bước đi bằng cách đứng trước mặt trẻ và dùng hai tay của bạn để nắm lấy hai tay của trẻ, như vậy trẻ sẽ dễ dàng bước đi dưới sự hỗ trợ của bạn.

Ở độ tuổi này trẻ có thể bắt chước rất nhanh. Vì vậy, bạn không nên chửi thề hoặc quát mắng những người khác trước mặt trẻ, trẻ có thể bắt chước bạn.

Không nên sử dụng từ "không" quá nhiều. Chỉ nên sử dụng từ "không" cho điều gì đó thực sự nguy hiểm mà trẻ có thể cố gắng làm, như chạm tay vào ổ cắm điện hoặc đi gần cầu thang.

Nếu trẻ không chịu ăn, thay vì ép trẻ ăn, cha mẹ hãy cho trẻ tự cầm thìa ăn. Điều này sẽ giúp trẻ tập tự xúc thức ăn lên miệng.

Bạn hãy cho trẻ thử tham gia một nhóm chơi đồng lứa tuổi để giúp trẻ phát huy được khả năng giao tiếp, giúp trẻ mạnh dạn hơn đồng thời cũng giúp trẻ đốt cháy năng lượng dư thừa.

Thường xuyên kiểm tra chiều cao và cân nặng để theo dõi sự phát triển của trẻ.

Tại thời điểm này, con bạn cũng cần tiêm chủng bổ sung đầy đủ theo lịch tiêm chủng . Dựa trên khuyến cáo của bác sĩ, con bạn cũng có thể cần tiêm vắc-xin cúm.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: parents.com, mamanatural.com, parenting.firstcry.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

453 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan