Sự phát triển của trẻ mẫu giáo (từ 33 đến 34 tháng)

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ mẫu giáo 33 tháng - 34 tháng vô cùng hiếu động, thích thú được khám phá tất cả mọi thứ. Cách suy nghĩ của con dần hợp logic hơn, trí nhớ và khả năng sáng tạo tăng cao. Trẻ học mầm non bắt đầu biết giúp đỡ bố mẹ những việc nhỏ và tự chăm sóc bản thân cơ bản.

1. Tập đếm số

Trẻ học mầm non giai đoạn này sẽ dần hình thành khả năng đếm, dù mới chỉ ở bước khởi đầu. Trước tiên, con sẽ phân biệt giữa một và nhiều hơn một, nhưng chưa biết được số lượng cụ thể. Bé có thể đếm đến 3, hoặc bắt chước các anh chị lớn đếm đến 10, nhưng thật ra vẫn chưa thể hiểu được con số đang đếm.

Giai đoạn này, phụ huynh không cần hướng dẫn con cách tính toán, mà chỉ cần cho bé biết khái niệm về những con số, dạy bé những ký hiệu số trên trang sách. Việc đếm bước chân, bậc thang hay những khối gỗ khi chơi xếp hình cũng là một vài cách hay để trẻ mẫu giáo 34 tháng làm quen với số học.

Vui chơi với trẻ
Trẻ học mầm non giai đoạn này sẽ dần hình thành khả năng đếm, dù mới chỉ ở bước khởi đầu

2. Tăng nhận thức về trạng thái cảm xúc

Gần đến sinh nhật lần thứ ba, trẻ học mầm non càng trở nên quan tâm hơn đến những người xung quanh. Bạn có thể nhận thấy con mình tò mò về tâm trạng của người khác, thắc mắc tại sao người hàng xóm lại tức giận hoặc vì sao bố lại buồn. Trước những câu hỏi của con, bạn hãy cố gắng giải thích, chẳng hạn như: Chú hàng xóm tức giận vì hôm nay không được đổ rác. Thông qua đó, trẻ sẽ hiểu rằng những cảm xúc vui buồn là bình thường và chúng ta có thể chia sẻ, tâm sự với nhau.

Có đôi lúc trẻ mẫu giáo 33 tháng lảng tránh khi bố mẹ muốn ôm ấp và hôn con. Có thể là do con quá năng động, không thích ngồi yên, trừ khi đã thấm mệt. Hoặc với một số trẻ, việc thoát ra khỏi vòng tay của bố mẹ còn là cách thể hiện sự độc lập. Phụ huynh không nên cảm thấy buồn vì bị từ chối, và cũng đừng ép buộc con. Bởi khi cần an ủi, đứa con bé bỏng vẫn sẽ chạy đến bên bạn. Trong trường hợp con từ chối khi bố mẹ muốn bày tỏ tình yêu thương, bạn vẫn có thể chạy theo con như chơi trò rượt đuổi và ôm chầm lấy bé.

3. Tôn trọng cá tính của con

Trẻ mẫu giáo 34 tháng đang ngày càng bộc lộ những tính cách giống bố hoặc mẹ, cũng có thể là giống ông hoặc bà, thậm chí là một người họ hàng. Trong khi đa số trẻ thừa hưởng nhiều đặc điểm tương đồng với gia đình, một số khác lại trái ngược với bố mẹ. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy có chút khó khăn để trở nên thân thiết và dạy dỗ con.

Khi tính cách tự nhiên của con bắt đầu bộc lộ nhiều hơn, hãy chứng tỏ rằng bố mẹ sẽ chấp nhận tất cả, dù con là người trầm lặng, liều lĩnh, biết suy nghĩ hoặc hướng ngoại. Đồng thời vẫn nên khuyến khích con khám phá những khía cạnh khác của bản thân, nhưng đừng ép bé phải cư xử theo những cách như bạn muốn. Sự tôn trọng phản ứng riêng của con đối với mọi việc sẽ mang lại cảm giác yên tâm và tự tin cho trẻ.

Ví dụ như ở những gia đình có bố mẹ là vận động viên thể thao, họ thường muốn con mình tham gia nhiều hoạt động thể chất. Nhưng nếu bé chỉ thích chơi nhẹ nhàng và quanh quẩn trong nhà, phụ huynh hãy để con phát triển tự nhiên, không can dự quá sâu vào sở thích của con.

Trẻ thường chơi chung đồ chơi hoặc bỏ đồ vào miệng làm tăng nguy cơ lây bệnh
Trẻ mẫu giáo 34 tháng đang ngày càng bộc lộ những tính cách giống bố hoặc mẹ

4. Học cách kết bạn và chia sẻ

Càng lớn trẻ học mầm non càng quan tâm nhiều hơn đến việc giao tiếp xã hội. Nhiều khả năng con bạn đang bắt đầu xem những đứa trẻ chơi cùng mình là bạn bè. Bé cũng dần học được rằng những cử chỉ tốt đẹp nhỏ bé như chia sẻ và cho đi chính là một phần của tình bạn.

Nhiều trẻ em, đặc biệt là những bé không có anh chị em, sẽ tạo ra những người bạn tưởng tượng để chơi cùng. Đa phần hiện tượng này sẽ xuất hiện trong độ từ 2,5 - 3 tuổi, và bạn không cần phải lo lắng vì đây là một phần của lương tâm tự nhiên mà con đang phát triển. Những người bạn tưởng tượng có thể mang đến sự an ủi và thậm chí là chịu trách nhiệm về những điều con mong muốn nhưng chưa thể làm, ví dụ như đi dự tiệc, đi làm việc giống bố mẹ, đi khám phá rừng xanh... Hầu hết những người bạn này đều dần “biến mất” trước khi trẻ lên 6 tuổi.

Mầm non
Bé cũng dần học được rằng những cử chỉ tốt đẹp nhỏ bé như chia sẻ và cho đi

5. Những tính xấu có thể gặp

Cùng với khả năng ngôn ngữ ngày càng phát triển, trẻ mẫu giáo 33 tháng có thể phát sinh “tính xấu”. Bé có thể xem mình là trung tâm vũ trụ và thích ra lệnh với những câu nói như: Mặc áo cho con / Mẹ tới đây / Bố đứng lên... Đôi khi, trẻ thích ra lệnh nhằm mục đích thu hút sự chú ý từ bạn, vì thực sự muốn bố mẹ lắng nghe hoặc chơi với bé ngay lập tức. Tuy không thể loại trừ được tâm lý tự nhiên này, song phụ huynh có thể dạy cho con nói chuyện dễ nghe hơn, lịch sự thêm từ “dạ / thưa / ạ” vào mỗi câu nói, cũng như sử dụng giọng nhẹ nhàng mỗi khi muốn yêu cầu điều gì đó. Đây cũng là lúc bạn cần cho bé hiểu rằng không phải lúc nào cũng có thể được đáp ứng mong muốn lập tức, giúp con học tính kiên nhẫn và đừng quên phản hồi con ngay khi bạn có thể.

Nhiều khả năng bạn cũng sẽ nghe được từ trẻ học mầm non những câu như: cái đầu mày, đồ ngu, chó và còn nhiều từ tệ hơn. Đừng nóng giận vì đây không phải lỗi của bé. Trẻ mẫu giáo 33 tháng có thể nghe và nhớ những từ ngữ xấu tồn tại đầy xung quanh như khi tham gia giao thông, tiếng lóng hoặc ngôn ngữ “chợ búa” từ các bộ phim hoặc từ những đứa bé khác. Con bạn sẽ thích lặp lại các âm thanh này vì nghe có vẻ lạ tai. Cách xử lý nhanh nhất là nhắc nhở nhẹ nhàng và lờ đi. Nếu bạn tỏ thái độ, con sẽ nghĩ rằng những câu này thật có sức mạnh và sẽ càng dùng nhiều hơn.

Ngoài cách ăn nói ứng xử, bạn cũng có thể gặp rắc rối chuyện quần áo của trẻ mẫu giáo 34 tháng. Nếu như trước đây bé sẽ mặc bất cứ bộ quần áo nào bạn chọn, thì bây giờ con đã có ý kiến riêng về tất cả mọi thứ mặc lên người. Đây đơn giản là một trong những cách bé thể hiện tính độc lập. Phụ huynh không nên ép con chuyện mặc cái này và không mặc cái kìa, trừ khi trẻ cần mặc đồ nghiêm túc trong những dịp cần thiết, hoặc phải mặc đủ ấm khi trời lạnh.

Cuối cùng, đừng quên tiêm phòng đầy đủ và đảm bảo cho con một môi trường phát triển trong lành, sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc nhiều với bụi hoặc nguồn bệnh. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên tìm hiểu cách bảo vệ trẻ học mầm non khỏi những căn bệnh thường gặp theo mùa và độ tuổi, đưa con đi thăm khám nếu có dấu hiệu bất thường.

Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng nghe, đọc, nói, giao tiếp, sự về thể chất cũng như tinh thần. Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

448 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan