Tháng thứ 9 sau khi bé chào đời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu cha mẹ thấy con mình - nay đã là đứa trẻ 9 tháng tuổi, phát âm các từ ngày một rõ ràng hơn, thì đúng như vậy đấy. Thời điểm 9 tháng tuổi trẻ sẽ tiến những bước dài trong việc phát triển ngôn ngữ nói, và trẻ có thể hiểu số lượng từ ngày một nhiều hơn.

1. Sự phát triển ở trẻ 9 tháng tuổi

Trẻ 9 tháng tuổi bắt đầu có thể tự đứng lên và thậm chí có thể vừa dựa vào các đồ vật vừa bước đi. Cha mẹ có thể giúp trẻ tăng cường khả năng vận động với các loại đồ chơi như một trái bóng lớn để trẻ có thể đẩy nó lăn, hoặc một chồng gối để trẻ bò leo qua.

Trẻ 9 tháng tuổi
Trẻ 9 tháng tuổi bắt đầu có thể tự đứng lên

Trẻ cũng nên được khuyến khích sự sáng tạo bằng những đồ chơi âm nhạc hoặc nghệ thuật. Não bộ của trẻ phát triển ngày càng phức tạp hơn, trẻ có thể phản hồi với người lớn thông qua cử chỉ hoặc ra dấu hiệu về thứ trẻ muốn, không còn chỉ khóc để biểu lộ như trước đây nữa.

2. Dinh dưỡng đối với trẻ 9 tháng tuổi

Trẻ 9 tháng tuổi đã có khả năng ăn ngũ cốc, hoa quả, rau xanh, sản phẩm từ sữa, thức ăn giàu đạm với lượng từ 1⁄4 tới 1⁄2 chén với mỗi loại mỗi ngày (thậm chí nếu trẻ háu ăn, trẻ có thể ăn lượng trên hai lần một ngày). Tuy nhiên nếu trẻ vẫn lên cân tốt, đảm bảo đường cong tăng trưởng trên biểu đồ, thì dù trẻ có ăn ít hơn lượng vừa nêu cũng không có vấn đề gì, hãy để trẻ ăn theo nhu cầu.

Ở thời điểm trẻ 9 tháng tuổi, để hỗ trợ cho kế hoạch đưa trẻ vào nếp ngày ăn ba bữa, cha mẹ có thể sử dụng các bữa ăn nhẹ, tuy nhiên với số lượng vừa phải. Ăn nhẹ cả ngày mà không có bữa ăn chính là rất có hại, bởi nó cản trở các hoạt động khác như vui chơi, giao tiếp, hơn nữa còn gây ảnh hưởng tới dinh dưỡng của trẻ. Đây cũng là lúc thích hợp bắt đầu tập cho trẻ xu hướng ăn uống lành mạnh, với nhiều rau xanh, hoa quả, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, tránh các đồ ăn nhiều đường và nhiều muối.

Trẻ 9 tháng tuổi
Trẻ 9 tháng tuổi đã có khả năng ăn ngũ cốc, hoa quả, rau xanh...

3. Một số vấn đề khác ở trẻ 9 tháng tuổi

  • Món đồ chơi thân thiết: Khoảng 60% số trẻ 9 tháng tuổi gắn chặt với một món đồ chơi ưa thích. Trẻ mang nó bên mình gần như mọi lúc, và trẻ sẽ tỏ ra hoảng hốt nếu không thấy món đồ chơi đó đâu. Đây là một hiện tượng bình thường, chứng tỏ trí não trẻ đã phát triển. Trẻ nhận ra rằng cha mẹ và trẻ không phải luôn luôn ở bên nhau, và món đồ chơi trở thành bạn hữu của trẻ bất kì khi nào trẻ cô đơn.
  • Trẻ ít ngủ hơn: Trẻ 8 - 10 tháng có thể ngủ ít hơn, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu tới từ việc trẻ thích vận động nhiều. Hãy tham vấn bác sĩ nếu cha mẹ thấy điều gì đó bất thường.

Trẻ 9 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org và whattoexpect.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan