Trẻ 7-9 tuổi có kinh nguyệt có sao không?

Tình trạng dậy thì sớm đang có xu hướng gia tăng khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng bởi những hệ quả mà nó gây ra như thay đổi tâm sinh lý khi trẻ chưa thực sự sẵn sàng, quan hệ tình dục sớm và nhiều vấn đề khác. Vậy trẻ 7 - 9 tuổi có kinh nguyệt có sao không?

1. Trẻ 7-9 tuổi có kinh nguyệt có sao không?

Trên một số diễn đàn nuôi con, rất nhiều bà mẹ quan tâm đến tình trạng trẻ 9 tuổi có kinh nguyệt có sao không? Đây là thắc mắc của rất nhiều cha mẹ có con gái xuất hiện hành kinh lúc 9 tuổi.

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như hành kinh và vú phát triển, đó là dấu hiệu trẻ đang bước vào tuổi dậy thì. Trẻ dậy thì lúc 9 tuổi còn khá sớm ở nước ta nhưng lại phổ biến ở các nước phương Tây khác. Hầu hết các bé gái trong độ tuổi từ 12 – 15 tuổi mới bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của dậy thì như thời điểm trước đây. Tuy nhiên đây chỉ là độ tuổi trung bình qua thông kê của đa số các trường hợp.

Cùng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của môi trường, dẫn đến tình trạng dậy thì sớm là khá phổ biến hiện nay. Vì vậy, trẻ 9 tuổi có kinh nguyệt thì các bậc phụ huynh cũng không cần quá lo lắng. Thay vào đó, các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ, lắng nghe con hơn vì đây là thời điểm khá nhạy cảm với trẻ trong việc thay đổi về mặt tâm sinh lý, tính cách khá nhiều.

Tuy nhiên, cũng với thắc mắc tương tự như trên đối với những bé gái 7 tuổi có kinh nguyệt có sao không? Hoặc trường hợp 8 tuổi có kinh nguyệt có sao không? Đây là những trường hợp hành kinh khá sớm, có thể là dấu hiệu của dậy thì sớm ở trẻ nên cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được các bác sĩ kiểm tra chẩn đoán tình trạng.

Nếu với những bé gái 7 tuổi hoặc 8 tuổi có kinh nguyệt kèm theo biểu hiện của vú phát triển thì cần xem xét để tránh nhầm lẫn dậy thì sớm với chứng vú phát triển sớm. Đây là một tình trạng rối loạn lành tính của cơ thể trong đó ngực phát triển đơn thuần không kèm theo dấu hiệu dậy thì khác.

2. Khi nào mới được gọi là dậy thì sớm?

Tình trạng dậy thì sớm khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng bởi có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của trẻ như tác động về tâm lý của trẻ, có nhu cầu và ham muốn tình dục sớm, phát triển chiều cao trong thời gian ngắn sau đó lại phát triển rất chậm so với các trẻ cùng lứa, ảnh hưởng tới việc học do sinh lý thay đổi,...

Theo các bác sĩ chuyên ngành nhi khoa, thì thời điểm dậy thì của cả bé trai và bé gái không phải là khi xuất hiện các dấu hiệu như hành kinh, xuất tinh mà được tính từ thời điểm có các dấu hiệu như cơ thể mọc lông mu, ngực, âm vật, dương vật phát triển. Một số dấu hiệu của dậy thì sớm ở bé gái là vú to, lông mu phát triển, hành kinh.

3. Nguyên nhân gây ra dậy thì sớm

Tình trạng xuất hiện các dấu hiệu của dậy thì sớm là một quá trình phát triển bên trong cơ thể khá phức tạp. Nguyên nhân có thể không chỉ do yếu tố về gen, mà còn liên quan đến sự tác động trực tiếp của môi trường xã hội. Do đó, ngày nay tỉ lệ dậy thì sớm gia tăng đáng kể, với một số nguyên nhân được liệt kê dưới đây:

  • Do đời sống kinh tế tăng cao, chế độ dinh dưỡng của trẻ em được cải thiện rất nhiều, chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên giảm tỷ lệ bệnh tật và các yếu tố môi trường khác.
  • Do việc sử các chất hóa học gây ô nhiễm môi trường như thuốc tẩy rửa, phân bón, thuốc trừ sâu và chất thải nhựa... có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn nội tiết, ảnh hưởng việc dậy thì của trẻ em.
  • Thừa cân, béo phì: Các nhà nghiên cứu đã cho biết rằng có các bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa thừa cân béo phì với dậy thì sớm.
  • Sử dụng quá nhiều hormone nội tiết tố và thức ăn tẩm bổ: Việc lạm dụng các "thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "thuốc bổ" trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển của trẻ với mong muốn con khỏe mạnh, cao lớn mà không tìm hiểu kỹ về những tác dụng phụ của nó, đây có thể là một trong những yếu tố gây dậy thì sớm ở trẻ.
  • Đồ ăn nhiều đường, dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn với năng lượng calo rất cao dễ gây béo phì, chúng sẽ kích thích hệ thống tiết hormone ở trẻ, có thể gây dậy thì sớm.
  • Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng: một số mỹ phẩm có thể chứa một lượng hormone nhất định. Trong thời gian cho con bú, các bà mẹ thường sử dụng các loại mỹ phẩm như kem bôi da trong thành phần có chứa một số loại hormone gây hại. Khi trẻ bú sữa mẹ, có thể làm cho trẻ có nguy cơ tiếp xúc với những hormone này. Do thiếu hiểu biết các mẹ cho trẻ dùng các loại mỹ phẩm dành cho người lớn cũng có thể có nguy cơ hấp thụ vào cơ thể qua da và gây dậy thì sớm.
  • Yếu tố xã hội và tâm lý: Sự phát triển về công nghệ thông tin cũng đã kéo theo những hệ lụy khiến cho trẻ là những đối tượng phải gánh chịu nếu không được giáo dục cách sử dụng internet phù hợp. Dậy thì sớm của trẻ em có liên quan rất nhiều đến sự kích thích ngôn ngữ và văn hóa hàng ngày. Những hình ảnh đồi trụy kích thích trẻ bắt chước làm theo làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

4. Làm thế nào để ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ?

Để có thể hạn chế tình trạng dậy thì sớm cho trẻ, các bậc cha mẹ là người thường xuyên ở bên trẻ cần trang bị tốt những kiến thức liên quan đến dậy thì sớm nhằm giải đáp những băn khoăn của trẻ. Bên cạnh đó, rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.

Thiết lập chế độ ăn cân đối giữa các nhóm thức ăn, hạn chế ăn mặn, nhiều gia vị cay, nóng, thực phẩm nhanh. Không nên ăn nhiều các đồ ăn nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên. Đặc biệt, vào bất cứ giai đoạn phát triển nào của trẻ thì cha mẹ cũng không nên tự ý mua các thực phẩm chức năng để bổ sung cho trẻ.

Theo kiến thức y học cho thấy rằng một chế độ ăn uống càng nhiều thuốc bổ thì càng dễ làm thay đổi môi trường nội tiết bình thường bên trong cơ thể trẻ, dẫn đến tình trạng gây mất cân bằng về phát triển thể chất và trí não của trẻ. Do trong thành phần của những sản phẩm này có chứa một lượng hormone nhất định, có thể kích thích hệ nội tiết tăng nhanh về số lượng hormone dẫn đến nguy cơ xảy ra dậy thì sớm.

Hạn chế các kích thích tâm lý: Về ăn mặc, không nên cho trẻ bắt chước cách ăn mặc quá mốt hay quá ngắn gây ánh nhìn gợi cảm. Về cách giải trí cho trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với những phim ảnh không phù hợp với lứa tuổi. Không cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ở quán bar, vũ trường và các địa điểm vui chơi, giải trí không lành mạnh với lứa tuổi của trẻ.

Hạn chế sử dụng một số sản phẩm có chứa các chất gây rối loạn nội tiết mỹ phẩm có chứa vitamin E và có thành phần nhau thai như kem chống nắng, kem dưỡng trắng da hoặc trẻ hóa da, chú ý đến thành phần của dầu gội và sữa tắm dành cho trẻ em...

Hạn chế thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại thông minh vào ban đêm trước giờ đi ngủ. Nguyên nhân có thể là do khi trẻ sử dụng trong một thời gian dài khiến mắt phải tiếp xúc với ánh sáng quá lâu có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tùng, một cơ quan nội tiết trong não, khiến cho trẻ có nguy cơ dậy thì sớm.

Ngoài ra, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao giúp tăng chiều cao cũng như hạn chế nguy cơ béo phì, thừa cân.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc cho các bậc cha mẹ về vấn đề trẻ 7-9 tuổi có kinh nguyệt có sao không? Điều quan trọng là cha mẹ cần quan tâm hơn đến những thay đổi của trẻ về cả tâm sinh lý, giúp trẻ bớt những bối rối trong giai đoạn dậy thì.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan