Trẻ ăn bổ sung theo từng độ tuổi: Từ 9-12 tháng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chế độ ăn uống của bé ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời vô cùng quan trọng. Việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi và tình trạng phát triển của bé là vô cùng cần thiết. Bố mẹ chính là người bạn sẽ đồng hành với bé trong quá trình bổ sung dinh dưỡng. Ở mỗi độ tuổi, thực đơn của bé sẽ thay đổi khác nhau nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để bé lớn khôn.

1. Bé từ 9 tháng - 12 tháng ăn dặm

Từ 9 - 12 tháng là giai đoạn bé đã có thể ăn được đa dạng đồ ăn. Bên cạnh việc cho trẻ bú trực tiếp sữa mẹ hoặc bú bình với tần suất 3-4 lần/ ngày trong độ tuổi này thì các bậc phụ huynh nên chuẩn bị bổ sung dinh dưỡng đa dạng các món hơn cho bé.

Việc bổ sung đa dạng các nguồn thực phẩm, một mặt giúp bé sau này có chế độ ăn phong phú hơn, mặt khác, giúp bé phát triển toàn diện cả về trí óc lẫn sức khỏe.

Ở giai đoạn này, sữa mẹ không cung cấp đầy đủ lượng sắt cần thiết cho sự phát triển của trẻ (trong khi bé đủ tháng có đầy đủ lượng sắt dự trữ từ lúc sinh cho đến 8 tháng tuổi). Do đó thịt như một loại thức ăn cung cấp dinh dưỡng và bổ sung chất sắt tốt cho các bé. Chúng ta có thể cho trẻ ăn thịt ở giai đoạn 9 - 12 tháng tuổi.

Bé 9 tháng ăn dặm
Chúng ta có thể cho trẻ ăn thịt ở giai đoạn 9 - 12 tháng tuổi

2. Trẻ 9 - 12 tháng tuổi có thể ăn những gì?

Khẩu phần ăn của bé nên được bổ sung các loại thịt hầm, thịt băm nhỏ, có thể hầm cháo với các loại thịt và rau củ quả. Nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ cần hầm xương lấy nước cho bé là đã cung cấp đủ dinh dưỡng, giai đoạn này, nên cho trẻ ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Riêng nước hầm xương sẽ không bổ sung đầy đủ các chất cần thiết cho trẻ từ 9 đến 10 tháng tuổi.

Một gợi ý nhỏ dành cho các cha mẹ, nên hầm một nồi cháo nhừ riêng, mỗi bữa ăn, có thể múc cháo ra cho thêm thịt, cá, rau củ quả và một chút dầu ăn. Đây là một phương pháp giúp trẻ ăn ngon miệng và bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thực đơn cho trẻ, các mẹ nên kiểm tra và đong đếm định mức của từng loại thịt hay hoa quả. Chỉ nên cho bé ăn 1 loại thịt/tuần, lượng thịt khoảng 3 muỗng canh/3 lần/ngày, hầm và nghiền nhỏ thịt nạc.

Bé 9 tháng ăn dặm
Cha mẹ nên kiểm tra định mức thịt và rau củ mỗi khi lên thực đơn cho trẻ

Lượng trái cây hoặc rau trong khẩu phần ăn của trẻ tăng đến 3 muỗng canh/3 lần/ngày. Có thể bổ sung thêm trứng mỗi tuần, nhưng chỉ cho trẻ ăn lòng đỏ cho đến khi bé được 1 tuổi bởi vì một số bé nhạy cảm với lòng trắng trứng.

Dưới đây là một ví dụ, gợi ý về thực đơn ăn dặm cho trẻ 9-12 tháng tuổi dành cho các mẹ bỉm sữa:

  • Bú mẹ
  • Ngày ăn 3 bữa bột 10%. Mỗi bữa 200ml
    • Bột gạo: 10g
    • Nước: 200ml
    • Thịt lợn băm: 10g
    • Rau xanh: 10g
    • Dầu ăn: 5g
  • Hoa quả : 60ml

Như vậy, có thể thấy, giai đoạn 9-12 tháng tuổi, bé có thể ăn đa dạng các món hơn từ thịt đỏ, rau, củ quả. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý bổ sung phong phú các loại thức ăn cho bé. Bởi, “trẻ ăn ngoan ngủ tốt” là niềm hạnh phúc lớn lao của bố mẹ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan