Trẻ hăm tã do nhiễm nấm: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cọ xát, nhạy cảm và ẩm ướt là những nguyên nhân phổ biến của phát ban do hăm tã thông thường. Nhưng nếu bạn đã nỗ lực giữ con luôn khô ráo và điều trị bằng kem chống hăm tã hoặc thuốc mỡ mà tình trạng phát ban vẫn không cải thiện thì rất có thể bé đã bị nhiễm nấm men.

1. Nguyên nhân hăm tã ở trẻ em do nhiễm nấm

Nấm men candida là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hăm tã ở trẻ em. Mọi người đều có một lượng nhất định nấm candida vô hại bên trong và trên cơ thể. Loại nấm này phát triển mạnh ở những vùng ấm và ẩm ướt - như miệng, ruột, da, âm đạo và bẹn (háng). Môi trường ẩm ướt của tã bẩn dễ dàng gây nhiễm trùng nấm men, đặc biệt là nếu phát ban do hăm tã không được điều trị.

Trẻ phải uống thuốc kháng sinh hoặc bú mẹ đang dùng kháng sinh cũng dễ bị nhiễm trùng nấm men hơn. Nguyên nhân là bởi kháng sinh vô tình tiêu diệt cả lợi khuẩn giúp kiểm soát nấm men trong cơ thể. Khi những vi khuẩn có lợi này không còn tồn tại, nấm men có thể sinh sôi, phát triển mạnh mẽ hơn.

Tự mua thuốc kháng sinh uống sau khi hút thai
Trẻ phải uống thuốc kháng sinh cũng dễ bị nhiễm trùng nấm men hơn

Nếu con bạn gần đây bị tưa miệng (nhiễm trùng nấm men ở miệng), thì bé cũng có nhiều khả năng bị nhiễm trùng nấm men ở vùng tã. Nấm men đi qua hệ thống tiêu hóa của bé khi ăn và xuất hiện trong phân. Cuối cùng, chúng rơi vào tã lót và phát triển trên làn da ẩm ướt và ấm áp ở đây.

2. Triệu chứng bé bị hăm tã nặng do nhiễm nấm

Bạn có thể không phát hiện ra nấm men nếu bé chỉ bị nhẹ, nhưng hoàn toàn có thể xác định nhiễm trùng nấm men nếu phát ban do hăm tã:

  • Kéo dài hơn 2 ngày và không đáp ứng với các phương pháp điều trị chứng hăm tã ở trẻ em thông thường
  • Có ranh giới xác định rõ và màu đỏ tươi
  • Có đường viền hơi nhô lên
  • Xuất hiện trong các nếp gấp, ngấn của da ở vùng háng
  • Có tổn thương xung quanh hoặc kích ứng gần khu vực phát ban chính
  • Bong tróc vảy

Phụ huynh nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra nếu phát ban do hăm tã không cải thiện trong vòng 3 ngày sau khi bắt đầu chăm sóc tại nhà. Nếu con bạn bị sốt, hoặc phát ban tiến triển thành vết lở loét, rỉ ra các dịch vàng,... là những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng. Cần đưa trẻ đến bác sĩ sớm để điều trị bằng kháng sinh.

3. Cách điều trị hăm tã ở trẻ em do nấm men

Kem nystatin chống nấm
Kem nystatin giúp điều trị hăm tã ở trẻ em do nấm men

Các loại kem hoặc thuốc mỡ bảo vệ, tránh cọ xát da và tã thông thường sẽ không có hiệu quả trong trường hợp này. Vì vậy, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một loại kem corticosteroid nhẹ hoặc kem chống nấm - như nystatin, clotrimazole hoặc miconazole. Hầu hết các loại kem này đều được bày bán sẵn tại hiệu thuốc mà không cần kê toa. Sau khi mua về, mẹ có thể thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn của sản phẩm.

Một ngày chỉ cần thoa kem 2 - 3 lần là đủ. Lưu ý khi sử dụng kem chống nấm, điều quan trọng là phải chà lên da, chứ không phải bôi nhẹ như khi dùng thuốc mỡ chữa phát ban do hăm tã thông thường. Đôi khi các bác sĩ cũng khuyên bạn nên bôi kem dưỡng hoặc thuốc mỡ bên ngoài lớp thuốc chống nấm để kiểm soát tốt phát ban. Triệu chứng hăm tã ở trẻ em do nấm men sẽ hết sau khi được điều trị vài ngày.

Không sử dụng các loại bột phấn để tránh nguy cơ xâm nhập vào phổi của bé nếu hít phải. Hơn nữa, một số chuyên gia tin rằng sử dụng bột có thể khiến cho chứng hăm bỉm trở nên tồi tệ hơn, góp phần làm lây lan nấm men và vi khuẩn.

=>>> Xem thêm: Nên dùng thuốc gì khi trẻ bị hăm tã?

4. Chăm sóc bé bị hăm tã nặng

Cách tốt để giữ cho vùng mặc tã của bé sạch sẽ và mau lành là:

  • Thay tã cho bé thường xuyên
  • Thường cho bé để mông trần, tăng thoáng khí
  • Nhẹ nhàng làm sạch vùng bị phát ban bằng khăn mềm hoặc bông gòn và nước. Không sử dụng khăn giấy ướt và chà quá mạnh
  • Sử dụng chai xịt nước để làm sạch vùng mặc tã nếu bé khó chịu hoặc nhạy cảm
  • Chọn một loại xà phòng nhẹ, không mùi thơm
  • Vỗ nhẹ hoặc để da bé khô tự nhiên, sau đó bôi thuốc mỡ hoặc kem.

Không có bằng chứng cho thấy tã vải ngăn ngừa hăm bỉm tốt hơn loại khác. Dù bạn sử dụng vải hay tã giấy dùng một lần, điều quan trọng nhất vẫn là thay tã bẩn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng tã lót dùng một lần quá bó sát hoặc lớp nhựa bọc bên ngoài tã vải gây hầm bí.

Nếu bạn sử dụng tã vải, hãy:

  • Giặt tã bằng xà phòng nhẹ và thuốc tẩy
  • Xả và vắt cẩn thận vài lần
  • Không sử dụng chất làm mềm vải hoặc giấy thơm để tránh gây kích ứng da và làm cho bệnh nặng hơn.

Nếu bé bị hăm tã nặng do nấm men, hãy tạm thời sử dụng tã giấy dùng một lần cho đến khi hết mẩn đỏ. Loại tã này có khả năng thấm hút cao và được thiết kế để da bé luôn khô thoáng.

Xem thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc khi trẻ bị hăm tã

5. Ngăn ngừa hăm bỉm do nấm men

Mẹ nên thay tã cho bé thường xuyên để tránh hăm tã
Mẹ nên kiểm tra và thay tã cho bé thường xuyên để tránh hăm tã

Không thể ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men nếu:

  • Trẻ đang phải dùng thuốc kháng sinh
  • Mẹ đang cho con bú và uống thuốc kháng sinh
  • Trẻ vừa mới khỏi bệnh tưa miệng

Nhưng bạn có thể ngăn chặn cơ hội nấm men phát triển mạnh bằng cách:

  • Kiểm tra tã của bé thường xuyên, thay tã ướt và bẩn ngay lập tức
  • Làm sạch vùng mặc tã cẩn thận sau khi bé đi tiêu, chờ đến khi khô hoàn toàn trước khi mặc tã khác
  • Không mặc tã quá chật để da bé được thoáng khí
  • Nếu con bạn dễ bị hăm tã, hãy cho bé thời gian để mông trần bất cứ khi nào thuận tiện, chẳng hạn như vào cuối tuần ở nhà.

Ngoài ra, không có nhiều nghiên cứu về sự an toàn hoặc hiệu quả của các biện pháp khắc phục tại nhà đối với chứng hăm tã ở trẻ em do nấm men. Hãy nhớ tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa trước khi bạn muốn thử bất kỳ cách nào.

Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh lý hăm tã và các bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đứa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan