Trẻ mọc răng bỏ ăn phải làm sao?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trẻ từ 6 tháng trở đi sẽ bước vào giai đoạn mọc răng, dẫn đến quấy khóc, sốt và biếng ăn, thậm chí sút cân. Mỗi bữa ăn của trẻ lúc này không chỉ là nỗi sợ hãi của bé, mà còn trở thành mối lo lắng và ám ảnh của các mẹ. Vậy trẻ mọc răng bỏ ăn phải làm sao?

1. Tình trạng trẻ bỏ ăn khi mọc răng

Vào khoảng 6 tháng tuổi, trẻ nhỏ bắt đầu xuất hiện những chiếc răng đầu tiên. Nướu/ lợi của con sẽ sưng nứt để chuẩn bị chào đón những “người bạn mới” này, dẫn đến những triệu chứng khó chịu như: viêm, tấy đỏ, gây đau đớn, nó sẽ khiến bé chảy nước dãi nhiều, cằm và xung quanh miệng nổi ban, kèm theo sốt, tiêu chảy,... Đây chính là những lý do giải thích vì sao bé bỏ ăn khi mọc răng, cảm thấy vô cùng mệt mỏi, cáu gắt và quấy khóc thường xuyên.

Lúc này, con hoàn toàn không còn hứng thú với việc ăn uống, mỗi bữa sẽ trở thành nỗi sợ hãi thực sự, thậm chí trẻ sẽ sút cân nếu không được chăm sóc đúng cách. Đối với mẹ, bé bỏ ăn vì mọc răng cũng là mối bận tâm và ám ảnh khi toàn bộ “chiêu thức dụ” con ăn trước đây đều không còn hiệu quả.

2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ đang mọc răng

Để cho con ăn trong giai đoạn mọc răng đòi hỏi phụ huynh phải thấu hiểu thể trạng hiện tại của bé, đồng thời kiên trì để nhẹ nhàng dỗ dành con trong mỗi bữa ăn. Bởi vì đang khó chịu, mệt mỏi và đau nhức, nên trẻ sẽ trở nên cáu kỉnh, dễ kích động và quấy khóc nếu bị bắt ép những điều không thích. Do đó, các mẹ không nên ép con ăn bằng những biện pháp cứng rắn, điều này chỉ con càng thêm sợ ăn, xem bữa ăn như một hình thức “tra tấn cực hình” đối với răng lợi và cả tinh thần của bé.

Trả lời cho câu hỏi trẻ mọc răng bỏ ăn phải làm sao, các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa cho biết:

  • Mẹ nên chế biến những món ăn mềm, loãng để con không phải nhai nhiều và dễ nuốt: Những món ăn mềm, xay nghiền nhỏ hay nấu loãng như các loại cháo, canh, súp... là thực đơn thích hợp cho những bé bỏ ăn vì mọc răng, nướu/ lợi thường xuyên đau nhức nên cần tránh phải sử dụng nhiều.
  • Không nên ăn đồ quá nóng hay quá lạnh: Những món như thế này vừa dễ kích thích răng miệng đang nhạy cảm của con, vừa không tốt cho sự phát triển của những chiếc răng mới nhú.
  • Bổ sung các món ăn có hàm lượng Canxi cao: Trẻ em rất cần canxi để phát triển toàn diện, đặc biệt là trong giai đoạn mọc răng. Vì vậy các mẹ nên ưu tiên cho con ăn trứng, sữa, phô mai, hải sản, đậu...
  • Bên cạnh sữa, mẹ cần cho bé uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất do sốt và khóc, thêm nước trái cây để bổ sung vitamin cần thiết. Chất lỏng còn giúp làm mát và dịu phần nướu/ lợi đang bị sưng tấy đỏ của con.

“Tô màu” bắt mắt cho bữa ăn của con: Vì bé bỏ ăn khi mọc răng nên mẹ cần sử dụng đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính kết hợp với những món con yêu thích để kích thích sự thèm ăn. Chia thành nhiều bữa nhỏ, tăng số lần ăn cũng là cách để tránh tình trạng sụt cân ở những trẻ bỏ ăn khi mọc răng.

trẻ bỏ ăn khi mọc răng
Cha mẹ nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi trẻ bỏ ăn khi mọc răng

3. Những lời khuyên khác khi chăm sóc trẻ đang mọc răng

Khi chăm sóc bé bỏ ăn vì mọc răng, mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho đang phải chịu đựng tình trạng đau nhức, cáu gắt, bứt rứt và khó chịu. An ủi nhẹ nhàng, xoa vỗ lưng, ôm ấp, trò chuyện hoặc chơi các trò chơi cùng con là những cách bố mẹ có thể làm để thể hiện tình cảm với con.

Không chỉ đau nhức và khó chịu, trẻ nhỏ cũng thường xuyên chảy nước dãi trong giai đoạn mọc răng nhằm làm mát và dịu nướu răng. Do đó người chăm sóc trẻ nên thường xuyên chú ý vệ sinh lau miệng, tránh để rớt dãi quá mức có nguy cơ gây dị ứng, thậm chí nhiễm trùng.

Cuối cùng, mẹ cũng có thể dùng tay massage nhẹ nướu và răng giúp con bớt đau nhức và khó chịu. Lưu ý vệ sinh tay thật sạch sẽ trước khi thực hiện để tránh truyền vi khuẩn vào miệng con.

Trường hợp trẻ sốt mọc răng dẫn đến biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan