Trẻ viêm tai giữa cấp do phế cầu khuẩn: Biến chứng và giải pháp

Bài viết do Bác sĩ Nội trú Nguyễn Thị Hồng Tho – Chuyên khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Viêm tai giữa cấp thường đi cùng với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Viêm tai giữa cấp do phế cầu là bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, thường tái phát nhiều lần nếu không được điều trị không kịp thời, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.

1. Nguyên nhân trẻ viêm tai giữa cấp do vi khuẩn

Tác nhân chủ yếu của viêm tai giữa do vi khuẩn là phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae (40-50%), vi khuẩn Haemophilus influenzae (30-40%)... Hiện tại, vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 được tiêm chủng rộng rãi cho trẻ em đã được tích hợp thành phần phòng vi khuẩn Haemophilus influenza tuýp B. Bởi vậy viêm tai giữa nguyên nhân do phế cầu đang rất được chú ý trên cả nước cũng như trên thế giới

Vi khuẩn phế cầu thường trú ngụ sẵn trong hầu họng của trẻ em và người lớn. Khi sức khỏe suy yếu, khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, phế cầu khuẩn thừa cơ hội tấn công vào đường hô hấp và gây ra các bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não. Khả năng phát bệnh viêm tai giữa do phế cầu khuẩn phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể, do đó trẻ em với hệ miễn dịch non nớt nên là đối tượng dễ mắc bệnh.

Theo nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Đăng Quyệt và cộng sự năm 2018 về kháng kháng sinh của phế cầu trong điều trị viêm phổi do phế cầu ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy: Phế cầu có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao:

  • Trên 95% với các kháng sinh của nhóm macrolid
  • 90% với cotrimoxazol
  • 95% với clindamycin
  • 73% với penixillin V.

Ngoài ra, phế cầu giảm nhạy cảm với penicillin, 56,1% không nhạy cảm với penicillin G. Phế cầu chỉ còn 58,4% nhạy cảm với cefotaxim và 62% nhạy cảm với ceftriaxon. Tuy nhiên phế cầu còn nhạy cảm 95% với amoxicillin, 100% với rifampycin, linezolid, vancomycin và ofloxacin. Phế cầu đã kháng với levofloxacin. Tỷ lệ gặp phế cầu đa kháng chiếm 64%.

2. Triệu chứng trẻ viêm tai giữa cấp do phế cầu

Các triệu chứng của bệnh viêm tai giữa là màng nhĩ phồng, hoặc không di động khi bơm khí vào tai, dịch chảy ra từ tai. Ngoài ra, viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường có một số triệu chứng như:

  • Sốt cao từ 30 – 40 độ C, quấy khóc, bỏ bú, kén ăn, nôn trớ và có thể co giật;
  • Đau tai;
  • Tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng, xuất hiện gần như đồng thời với sốt.

3. Biến chứng do trẻ viêm tai giữa do phế cầu khuẩn

Trẻ bị viêm tai giữa do phế cầu nếu được điều trị dứt điểm bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Nếu điều trị muộn, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm, như:

  • Mất thính lực: Do nước nhầy tụ sau màng nhĩ có thể dần hết đi, hoặc đọng ở tai giữa nhiều ngày, làm hỏng màng nhĩ, chuỗi xương dẫn âm thanh, gây điếc tai vĩnh viễn.
  • Thủng màng nhĩ: trong thời gian viêm tai giữa cấp do phế cầu, nước nhầy và mủ có thể tích tụ nhiều trong tai giữa, đè và gây áp lực lên màng nhĩ, khiến màng nhĩ rách và mủ chảy ra ngoài. Nếu màng nhĩ rách nhiều lần và không lành được sẽ làm thủng màng nhĩ, trẻ cần phải mổ để vá lại.
  • Viêm xương chũm: Đây là biến chứng phổ biến của bệnh viêm tai giữa do phế cầu khuẩn. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ lan vào xương, gây viêm xương chũm qua đó xâm nhập nội sọ gây viêm màng não, áp xe não, làm tăng nguy cơ tử vong của trẻ.
  • Chậm nói, chậm phát triển: Trẻ bị viêm tai giữa gây giảm hoặc mất thính lực khiến khả năng học hỏi ngôn ngữ ở trẻ bị ảnh hưởng gây chậm nói, chậm phát triển trí não.

4. Phòng ngừa trẻ bị viêm tai giữa cấp do phế cầu thế nào?

Tiêm phòng phế cầu đang là giải pháp hiệu quả nhất cho trẻ em trên toàn thế giới: Có 2 loại vắc-xin đang có trên thị trường Việt Nam

  • Vắc-xin Synflorix: Là loại vắc-xin phòng ngừa các bệnh do phế cầu gây ra. Vắc-xin Synflorix có chứa 10 typ kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu gồm: 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F
  • Vắc-xin Prevenar 13: Chứa 13 typ kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu gồm 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F.

Hai loại vắc-xin này kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại những typ phế cầu kể trên, giúp ngăn ngừa các bệnh chúng có thể gây ra

  • Lịch tiêm vắc xin Synflorix (Bỉ) cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi

Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi:

Lịch tiêm 3 liều cơ bản:

Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.

Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.

Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.

Mũi nhắc lại: sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3.

Trẻ từ 7-11 tháng (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó).

Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.

Mũi 2: Cách mũi 1 là 1 tháng.

Mũi nhắc lại: Vào năm tuổi thứ 2 và cách mũi 2 ít nhất là 2 tháng.

Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó)

Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.

Mũi 2: Cách mũi 1 là 2 tháng.

  • Lịch tiêm vắc xin Prevenar 13 cho trẻ

Trẻ 2 - 6 tháng tuổi:

Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên, có thể bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi;

Mũi 2: Cách mũi đầu tiên tối thiểu 1 tháng;

Mũi 3: Cách mũi thứ 2 tối thiểu 1 tháng;

Mũi nhắc lại: Tiêm khi trẻ được 11 - 15 tháng tuổi và cần cách mũi thứ 3 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ 7 - 11 tháng tuổi:

Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên của trẻ trong khoảng thời gian 7 - 11 tháng tuổi;

Mũi 2: Tiêm cách mũi đầu tiên tối thiểu 1 tháng;

Mũi nhắc lại: Tiêm khi trẻ được trên 1 tuổi và cách mũi thứ 2 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ 12 - 23 tháng tuổi:

Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên của trẻ trong khoảng thời gian 12 - 23 tháng tuổi;

Mũi nhắc lại: Tiêm cách mũi đầu tiên tối thiểu 2 tháng.

Trẻ trên 24 tháng tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi duy nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan