Niêm mạc mắt nhợt nhạt, có phải do thiếu máu?

Theo các chuyên gia, đôi mắt có thể tiết lộ nhiều vấn đề về sức khỏe của bạn. Khám mắt thường xuyên không đơn thuần là kiểm tra thị lực mà còn còn có thể giúp phát hiện sớm những bệnh lý khác trong cơ thể. Vậy niêm mạc mắt nhợt nhạt bất thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý gì? Có phải do thiếu máu hay không?

1. Niêm mạc mắt nhợt nhạt có phải do thiếu máu hay không?

Khi kéo mi mắt dưới xuống, niêm mạc bên trong mi mắt trông nhạt màu hơn so với màu đỏ hồng bình thường. Nguyên nhân có thể là do bạn đang bị thiếu máu. Bởi lẽ khi thiếu máu thì lượng hemoglobin sẽ sụt giảm. Đây chính là thành phần giúp hồng cầu có màu đỏ. Vì thế, các mao mạch, tiểu tĩnh mạch và cả niêm mạc mắt sẽ bị nhạt màu hơn so với bình thường. Bên cạnh quan sát niêm mạc mắt, còn rất nhiều triệu chứng giúp cảnh báo sớm tình trạng thiếu máu. Vậy thiếu máu là gì? Dấu hiệu và cách điều trị thiếu máu như thế nào? Các mục tiếp theo sẽ giúp quý đọc giả hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

2. Thiếu máu là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu máu là tình trạng giảm số lượng và kích thước hồng cầu hay nồng độ hemoglobin (Hb) dưới giá trị ngưỡng, từ đó dẫn tới giảm khả năng vận chuyển oxy cho cơ thể. Theo đó, tình trạng thiếu máu được xác định khi Hb < 13g/dl đối với nam giới trưởng thành và Hb < 12g/dl đối với nữ giới trưởng thành, không mang thai. Theo định nghĩa rộng hơn thì thiếu máu là sự giảm một hay nhiều thông số của dòng hồng cầu, đó là nồng độ hemoglobin, dung tích hồng cầu (Hct) hay số lượng hồng cầu (RBC). Dựa vào hình thái, kích thước và màu sắc hồng cầu, thiếu máu có thể được chia thành 3 loại bao gồm:

  • Thiếu máu hồng cầu to, ưu sắc: thường gặp trong trường hợp thiếu vitamin B12 hoặc axit folic do cắt bỏ dạ dày, xơ gan, cung cấp không đủ vitamin B12, acid folic
  • Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc: thường gặp trong các bệnh như trĩ, loét dạ dày - tá tràng, u xơ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư phế quản, giãn phế quản, giun móc, trẻ em dinh dưỡng kém, phụ nữ có thai.
  • Thiếu máu hồng cầu bình thường: thường gặp trong trường hợp mất máu cấp như xuất huyết, tai nạn làm đứt mạch máu, vỡ phủ tạng, vỡ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung...
niêm mạc mắt nhợt nhạt
Niêm mạc mắt nhợt nhạt có thể là do bạn đang bị thiếu máu

3. Nguyên nhân gây thiếu máu

Việc xác định nguyên nhân thiếu máu có vai trò quan trọng để thiết lập chế độ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Xét một cách tổng quát, nguyên nhân thiếu máu có thể phân thành 3 loại bao gồm:

3.1 Do giảm sản xuất hồng cầu

  • Biếng ăn, kén ăn, chế độ ăn không cân bằng nên không cung cấp đủ các nguyên liệu tạo máu như thiếu sắt, acid folic, vitamin B12.
  • Một số bệnh lý gây ức chế tủy xương hay tình trạng hóa trị, xạ trị có thể dẫn tới giảm sản xuất các dòng tế bào máu gây thiếu máu.
  • Do suy thận làm giảm sản xuất erythropoietin, một hormone có vai trò kích thích sự tạo máu ở tủy xương

3.2 Do tăng phá hủy hồng cầu

  • Một số thuốc gây vỡ hồng cầu như quinine, quinidine, methyldopa, penicillin, ticlopidine, clopidogrel
  • Ngộ độc đồng, chì
  • Bệnh sốt rét, nhiễm Toxoplasma, nhiễm trùng nặng...
  • Bất đồng nhóm máu mẹ con ở trẻ sơ sinh gây phá vỡ hồng cầu, thiếu máu, vàng da (do tăng bilirubin gián tiếp khi hồng cầu vỡ).
  • Cường lách
  • Tan huyết do miễn dịch
  • Thiếu men G6PD trên màng hồng cầu

3.3 Do mất máu, xuất huyết

  • Do chấn thương, tai nạn
  • Bệnh cảnh gây xuất huyết bao gồm: xuất huyết tiêu hóa do các bệnh nhiễm trùng như lỵ, viêm ruột hoại tử, sốt xuất huyết Dengue....
  • Thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh dễ bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa.
  • Nhiễm giun sán...

4. Các triệu chứng của thiếu máu là gì?

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu đó là:

  • Da xanh, lòng bàn tay, bàn chân nhợt nhạt, niêm mạc mắt nhạt màu
  • Kém tập trung khi học tập, làm việc, vận động kém, ít linh hoạt
  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt
  • Thở nhanh, thở nông, hồi hộp, đánh trống ngực, tức ngực, tim nhanh
  • Biếng ăn, sụt cân. Trẻ em dễ bị chậm tăng trưởng cân nặng, chiều cao
  • Các bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt có thể bị đau lưỡi, viêm lưỡi, mất gai lưỡi, móng tay biến dạng cong lõm hình lòng muỗng, tóc dễ gãy rụng,...
  • Một số trường hợp thiếu máu do xuất huyết dạ dày thường có triệu chứng đi cầu phân đen, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua
  • Bệnh nhân thiếu máu do thiếu vitamin B12 có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh như tê, dị cảm, thay đổi thị lực, bồn chồn, bứt rứt, suy giảm trí nhớ, trầm cảm,...
  • Nếu thiếu máu kéo dài, bệnh nhân còn có thể bị phù hai chân, phụ nữ bị bế kinh, nam giới thì bị bất lực.
niêm mạc mắt nhợt nhạt
Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt là triệu chứng của thiếu máu

5. Điều trị thiếu máu như thế nào?

5.1 Trường hợp thiếu máu thiếu sắt

  • Cần tìm và điều trị nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt
  • Sử dụng sắt đường uống là lựa chọn điều trị đầu tay và hiệu quả trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt. Liều điều trị thường dùng ở người lớn là 150-200mg sắt nguyên tố/ngày, chia thành 2-3 lần để dung nạp tốt hơn.
  • Sắt được hấp thu tốt khi bụng đói. Vì vậy, nên uống thuốc sắt vào thời điểm cách xa bữa ăn (trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ).
  • Bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt, gan, cá, ngũ cốc, đậu đỗ, rau có màu xanh đậm (rau muống, cải bó xôi, rau ngót)...
  • Vitamin C có thể tăng cường hấp thu sắt. Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, ổi, kiwi,... Vì vậy nên dùng vitamin C, nước cam, chanh cùng với bữa ăn hoặc khi uống viên sắt để tăng hấp thu sắt.
  • Trái lại một số chất có thể làm giảm hấp thu sắt như phytate, phosphate, canxi (có trong ngũ cốc, sữa) và polyphenol (có trong trà và một số loại rau). Vì vậy cần dùng các chất trên ở mức vừa phải và cách xa thời điểm cung cấp sắt.

5.2 Thiếu máu do thiếu acid folic (vitamin B9)

  • Thiếu máu do thiếu acid folic thường hay đi kèm với thiếu sắt. Khi điều trị acid folic đơn thuần mà không cải thiện nhiều nên xem xét điều trị phối hợp sắt.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung acid folic hằng ngày để phòng các bệnh lý dị tật ống thần kinh ở trẻ và giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu acid folic ở trẻ em.
  • Acid folic có nhiều trong các loại rau sẫm màu như cải bó xôi, trái cây họ cam và thức ăn giàu đạm như thịt, gan, trứng cá, đậu hạt,... Cần lưu ý là acid folic rất dễ bị thất thoát trong quá trình nấu nướng 50-90%, thậm chí không còn khi nấu ở nhiệt độ cao nhiều nước hay thời gian quá lâu.

5.3 Thiếu máu do thiếu vitamin B12

  • Bệnh nhân cần điều trị sớm vì các biến chứng thần kinh do thiếu vitamin B12 gây ra thường khó phát hiện và không hồi phục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Có thể sử dụng vitamin B12 đường uống hay đường tiêm trong trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12. Liều dùng đường uống hằng ngày là 1000-2000mcg, có hiệu quả tương tự như đường tiêm bắp. Trường hợp nặng có thể phải sử dụng dạng tiêm bắp vitamin B12, liều thông thường là 1000 mcg/ngày trong 1 tuần để bão hòa các mô dự trữ B12 và điều trị các biến chứng; tiếp theo liều này sẽ được tiêm 1 lần/tuần trong 1 tháng và sau đó là tiêm hằng tháng để duy trì.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 như cá, trứng, sữa, bò, gà, heo, phô mai, nghêu, hàu...

Tóm lại, thiếu máu là một tình trạng thường gặp trên lâm sàng, có thể là dấu hiệu sự tổn thương cơ quan hay hệ quả của một bệnh lý khác. Thiếu máu nhẹ thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện một cách tình cờ. Thiếu máu nặng sẽ có các triệu chứng rõ rệt, làm ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, giảm chất lượng sống, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Do đó, khi có các dấu hiệu gợi ý thiếu máu như da xanh xao, thở nhanh, hoa mắt, chóng mặt, niêm mạc mắt nhợt nhạt,...người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh và điều trị nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan