Bộ phận sinh dục nữ thay đổi thế nào khi mang thai?

Bạn đang mang thai? Bạn phát hiện ra âm đạo khi mang thai của mình có gì đó không giống với thường ngày nhưng lại ngại hỏi người khác? Bộ phận sinh dục nữ thay đổi khi mang thai là một vấn đề mà hầu như tất cả những phụ nữ có bầu đều gặp phải, nhưng đừng vội lo lắng, hãy đọc qua bài viết dưới đây của chúng tôi và bạn có thể sẽ tìm ra được câu trả lời bạn đang cần.

1. Những thay đổi ở âm vật, âm hộ, âm đạo khi mang thai

1.1 Khí hư âm đạo khi mang thai tiết ra nhiều hơn.

Sự tăng đột ngột nồng độ estrogen trong cơ thể của người phụ nữ, có thể dẫn đến việc bộ phận sinh dục nữ thay đổi khi mang thai để thích ứng lại. Sự thay đổi hormone nhanh chóng này khiến cho cơ thể chưa kịp thích ứng và tiết ra một chất dịch màu trắng có mùi hơi hăng, màu trong suốt hoặc ngả vàng nhẹ gọi là khí hư nhiều hơn bình thường. Hơn nữa, nồng độ hormone thay đổi, dẫn đến nhu cầu sinh lý ở phụ nữ cũng tăng lên, khí hư tiết ra nhiều có thể giúp cơ thể điều hòa, giải quyết các vấn đề sinh lý dễ dàng hơn.

Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, các phần của thai nhi sẽ chèn vào vùng xương chậu nhiều hơn, làm cho hiện tượng khí hư ra càng nhiều. Ở tuần mang thai cuối cùng, các bà mẹ phải chú ý khi thấy khí hư bắt đầu lẫn nhầy và máu vì rất có thể là bạn đã sắp bước vào vào giai đoạn chuyển dạ sinh.

Khí hư tiết ra nhiều khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên môi trường ẩm ướt trong âm đạo khi mang thai là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm,... phát triển, gây ra viêm nhiễm, cho nên khi màu sắc và mùi và lượng dịch có sự thay đổi bất thường thì các bà mẹ không nên chủ quan và nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn ngay, một số bệnh thường gặp như:

  • Nhiễm nấm: Khí hư màu vàng hoặc màu xanh, kèm theo đỏ, sưng tấy ở âm đạo, đau khi đi vệ sinh.
  • Viêm âm đạo khi mang thai do vi khuẩn: Ngứa và có cảm giác nóng rát khi đi tiểu, dịch có mùi hôi khó chịu.

Khi vùng kín bị viêm nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi mà còn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhiễm trùng ối hoặc các bệnh hậu sản khác.

1.2 Thay đổi kích thước ở âm hộ âm đạo khi mang thai

Trong thai kỳ, lượng máu tuần hoàn trong cơ thể tăng lên khoảng 50% để tăng cường cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Điều này làm cho môi lớn, môi bé và âm đạo của bạn trông như sưng hoặc phồng lên trong suốt thời kỳ mang thai. Thế nhưng hiện tượng này là bình thường.

Đôi khi, bạn còn có thể thấy môi bên lớn có thể hơi rụt lại, điều này có thể làm cho môi bên trong trông to hơn hoặc lộ ra.

Ngoài ra, sự căng môi âm hộ và âm đạo khi mang thai có thể kích thích ham muốn. Đồng thời, do các mô trong thành âm đạo bị căng lên nên người bạn đời của bạn cũng sẽ cảm nhận được nhiều kích thích hơn.

bộ phận sinh dục nữ thay đổi khi mang thai
Bộ phận sinh dục nữ thay đổi khi mang thai là vấn đề mà hầu như tất cả những phụ nữ có bầu đều gặp phải

1.3 Thay đổi về màu sắc của âm vật, âm hộ, âm đạo khi mang thai

Màu da trên môi âm hộ bên trong và bên ngoài của bạn có thể tạm thời sẫm lại thành màu hơi xanh hoặc hơi tía do lưu lượng máu tăng lên, các tĩnh mạch dưới da dãn ra. Sự thay đổi này là một dấu hiệu sớm của thai kỳ và sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.

1.4 Suy tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch khá thường gặp khi mang thai, bao gồm cả trên âm hộ (hoặc cơ quan sinh dục ngoài). Lưu lượng máu tăng lên khắp cơ thể có thể khiến máu đọng lại ở vùng xương chậu, làm giãn nở các mạch máu và dẫn đến các tĩnh mạch màu xanh, gồ ghề, trầm trọng hơn khi đứng lâu, tập thể dục hoặc quan hệ tình dục.

1.5 Lông mu dày hơn

Nồng độ estrogen tăng trong thai kỳ khiến cho lông mu phát triển dày lên. Trong thời gian này bạn nên hạn chế các tác động lên vùng nhạy cảm này như dùng kem triệt lông hay waxing để tránh những biến chứng không cần thiết.

1.6 Sự thay đổi mùi âm đạo khi mang thai

Độ pH của âm đạo thay đổi trong thời kỳ mang thai và có thể gây ra những thay đổi nhỏ về mùi âm đạo, khiến nó có tính axit hơn một chút.

Một số phụ nữ mang thai chỉ đơn giản là nhạy cảm hơn với mùi, nhưng trừ khi bị ngứa hoặc rát âm đạo, không có gì phải lo lắng.

1.7 Âm xúy (Xì hơi âm đạo)

Âm xúy (xì hơi âm đạo) là hiện tượng có hơi khí tiết ra từ trong âm đạo phụ nữ, có khi thành tạo thành tiếng kêu, giống như đánh hơi (trung tiện) nhưng không có mùi hôi thối.

Đó không phải là một dấu hiệu cho vấn đề không tốt nào. Nhưng vẫn chưa rõ lý do cho việc mang thai có thể khiến hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn, nhưng nó có thể là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân như: bụng bầu ngày càng lớn, các tư thế giao hợp khác nhau, tập thể dục và các cơ sàn chậu chịu áp lực thời gian dài.

1.8 Ra máu âm đạo khi mang thai

Có đến 30% phụ nữ trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ ra máu vô hại. Một trong số các nguyên nhân là do lượng máu cung cấp ở tử cung được tăng lên nhiều.

Tuy nhiên khi có hiện tượng ra máu âm đạo khi mang thai tốt nhất bạn vẫn nên đi khám càng sớm càng tốt vì đây có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, sảy thai và một số bệnh lý khác.

2. Cổ tử cung khi mang thai sẽ thay đổi như thế nào?

Cổ tử cung là cấu trúc nằm ở phần đuôi của tử cung có chức năng giữ thai nhi trong tử cung cho đến khi đủ tháng. Cổ tử cung khi mang thai đóng vai trò như một cánh cửa giữ cho thai nhi được an toàn và khỏe mạnh và nó trải qua ít nhiều thay đổi trong suốt thai kỳ.

Một vài thay đổi cổ tử cung khi mang thai:

2.1 Về vị trí

Cổ tử cung khi mang thai có thể cao hơn, mềm hơn một chút so với bình thường đặc biệt là vào cuối 3 tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, sự dịch chuyển chính xác khác nhau giữa các phụ nữ. Sự mềm mại của cổ tử cung xảy ra do lượng máu bổ sung từ sự gia tăng estrogen trong cơ thể. Đó chỉ là một trong nhiều bước mà cơ thể bạn thực hiện để tạo cho thai nhi không gian cần thiết để phát triển bình thường.

2.2 Về mật độ

Cổ tử cung khi mang thai sẽ mềm, hoặc "chín" khi thai được 12 tuần. Khi cổ tử cung dày lên, nó tạo ra nhiều tế bào tuyến hơn để tạo thành nút nhầy cần thiết để bảo vệ thai nhi trong tử cung.

2.3 Sự tạo thành nút nhầy cổ tử cung khi mang thai

Nút nhầy cổ tử cung đục và đặc bịt kín lỗ cổ tử cung, ngăn việc thụ tinh lần nữa và nhăn sự xâm nhập của các yếu tố gây hại cho thai nhi nhất là nhiễm khuẩn ngược chiều.

Khi chuyển dạ, nút nhầy này sẽ ra theo dịch âm đạo kèm theo ít máu, cổ tử cung lúc này nhận áp lực và sự co bóp của tử cung sẽ dần dãn ra để thai nhi được sinh ra và sau đó trong vòng vài phút, nó đóng lại, cùng với sự co bóp của tử cung, giúp cầm máu.

bộ phận sinh dục nữ thay đổi khi mang thai
Giãn tĩnh mạch khá thường gặp khi mang thai

3. Thân tử cung khi mang thai thay đổi như thế nào?

Thân tử cung khi mang thai thay đổi nhiều nhất và đáng kinh ngạc nhất trên cơ thể người mẹ.

Ban đầu tử cung có kích thước chỉ bằng 1 quả cam và nằm sâu trong xương chậu, đến khoảng tuần thứ 12 thì bằng quả bưởi và bắt đầu vượt qua khỏi khung chậu, đến 3 tháng giữa thai kỳ, tử cung không còn nằm trong khung chậu được nữa, và đến những tháng cuối của thai kỳ nó có thể to bằng quả dưa hấu, còn trọng lượng tử cung có thể tăng đến gấp 20 lần khi không có thai.

Cuối thai kỳ, tử cung có hình trứng dọc, cực to ở trên, cực nhỏ ở dưới. Khi thai đã lớn, tử cung sẽ có hình dạng tương ứng với tư thế của em bé nằm bên trong như: hình trứng, hình trái tim, hình bè ngang...

Bộ phận sinh dục nữ thay đổi khi mang thai có thể là một vấn đề lớn báo hiệu sự dọa sảy thai, sảy thai, các bệnh lý viêm nhiễm vùng kín,... nhưng cũng có thể chỉ là một vấn đề hết sức bình thường và phổ biến ở mọi phụ nữ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

85.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan