Chẩn đoán, điều trị và kiểm soát hen trên thai phụ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hen phế quản ở bà bầu là bệnh lý hô hấp khá phổ biến. Bị hen khi mang thai nếu không được kiểm soát tốt có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Điều trị hen phế quản ở bà bầu chủ yếu là đảm bảo cung cấp đủ oxy cho bào thai.

1. Bị hen phế quản khi mang thai

Bị hen phế quản khi mang thai là bệnh lý hô hấp thường gặp. Mỗi thai phụ sẽ có tình trạng bị hen khi mang thai với các mức độ khác nhau. Thông thường, cơn hen xảy ra nhiều nhất từ tuần thứ 17 - 24 của thai kỳ.

Bị hen khi mang thai nếu không kiểm soát và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm của thai kỳ như tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh mổ lấy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân.

Tuy nhiên, phần lớn bà bầu bị hen phế quản đều được kiểm soát tốt và gần như không xảy ra biến chứng nào. Điều trị bệnh hen phế quản khi mang thai phù hợp sẽ giúp đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy cho cả mẹ và bé, thai kỳ khỏe mạnh và sinh đẻ an toàn, bình thường.

Sinh non
Bị hen phế quản khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh non

2. Chẩn đoán bị hen khi mang thai

2.1 Triệu chứng bà bầu bị hen phế quản

Chẩn đoán bị hen khi mang thai dựa vào những triệu chứng lâm sàng sau:

  • Khó thở, thở khò khè
  • Ho kéo dài và dai dẳng
  • Thở ngắn, đứt hơi, lồng ngực căng, đau

2.2 Các phương pháp chẩn đoán bị hen phế quản khi mang thai

Ngoài các triệu chứng lâm sàng nêu trên, một số biện pháp và xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán bị hen khi mang thai, bao gồm:

  • Đo dung tích phổi: Đây là kỹ thuật phổ biến để thăm dò, đánh giá chức năng phổi. Trong đo dung tích phổi, đo lưu lượng đỉnh với máy đo là kỹ thuật phù hợp để thực hiện.
  • Siêu âm: Siêu âm để kiểm tra tình trạng thai nhi trước khi sinh được chỉ định đối với thai phụ bị hen suyễn trung bình và nặng.
  • Đo dung tích sống gắng sức và lưu lượng đỉnh khi thở ra: Đây là 2 chỉ số được thực hiện để chẩn đoán bà bầu bị hen phế quản mức độ nhẹ, đồng thời theo dõi suốt thai kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Đo chức năng thông khí phổi: Nếu thai phụ bị hen suyễn kéo dài, dai dẳng và thường xuyên tái phát, cần được đo chức năng thông khí phổi trong suốt thai kỳ để đánh giá mức độ nặng của bệnh.
Hen suyễn
Hen phế quản ở bà bầu là bệnh lý hô hấp khá phổ biến

3. Điều trị hen phế quản ở bà bầu

Trong suốt thai kỳ, bà bầu bị hen phế quản được khuyên nên điều trị bằng thuốc để đảm bảo an toàn, nếu không dùng thuốc và chỉ chịu đựng các triệu chứng có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến biến chứng thai kỳ.

Mục đích điều trị hen phế quản ở bà bầu là đảm bảo cung cấp và duy trì đầy đủ oxy cho thai nhi bằng cách ngăn chặn tình trạng thiếu hụt hoặc giảm oxy mô ở người mẹ. Tùy vào mức độ cơn hen, thai phụ sẽ được điều chỉnh liều dùng thuốc phù hợp, cụ thể:

  • Bà bầu bị hen phế quản không liên tục: Không cần sử dụng thuốc trị hen mỗi ngày, khi cần nên sử dụng albuterol.
  • Bà bầu bị hen phế quản nhẹ và dai dẳng: Chỉ định dùng corticosteroid dạng hít liều thấp. Nếu điều trị thay thế thì dùng thuốc cromolyn hoặc theophylline để đạt nồng độ trong huyết tương khoảng từ 5 -12 microgam/mL.
  • Bà bầu bị hen phế quản trung bình và dai dẳng: Chỉ định dùng corticosteroid dạng hít liều thấp và salmeterol; hoặc corticosteroid dạng hít liều trung bình; hoặc corticosteroid dạng hít liều trung bình và salmeterol nếu cần. Nếu điều trị thay thế thì dùng liều thấp hoặc liều trung bình (khi cần) corticosteroid dạng hít phối hợp với một trong hai thuốc là thuốc đối kháng hoặc theophylline để đạt nồng độ trong huyết tương khoảng từ 5 -12 microgam/mL.
  • Bà bầu bị hen phế quản nặng và dai dẳng: Chỉ định dùng corticosteroid dạng hít liều cao và salmeterol, bổ sung corticosteroid dạng uống nếu cần. Nếu điều trị thay thế thì dùng liều cao corticosteroid dạng hít và theophylline để đạt nồng độ trong huyết tương khoảng từ 5 - 12 microgam/mL, bổ sung corticosteroid dạng uống nếu cần.

Trong điều trị hen phế quản ở bà bầu cần lưu ý những thông tin sau:

  • Tránh dùng thuốc corticoid đường uống vì có thể gây dị tật chẻ vòm hầu và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh.
  • Phối hợp và tuân theo điều trị của bác sĩ để đảm bảo dùng thuốc đúng liều.
  • So với thuốc corticoid đường uống thì corticoid dạng hít an toàn hơn.
Corticosteroid
Bà bầu bị hen phế quản nhẹ và dai dẳng có thể dùng corticosteroid dạng hít liều thấp

4. Kiểm soát hen phế quản ở bà bầu

Bà bầu bị hen nếu kiểm soát tốt cơn hen có thể đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi không bị ảnh hưởng.

Tương tự điều trị, mục đích kiểm soát hen phế quản ở bà bầu là đảm bảo thai nhi được cung cấp đủ oxy để phát triển. Bà bầu bị hen cần chú ý kiểm soát cơn hen như sau:

  • Đo lưu lượng đỉnh tại nhà 2 lần/ngày vào buổi sáng lúc thức dậy và sau đó 12 tiếng đo lại. Chỉ số lưu lượng đỉnh giảm có thể cảnh báo tình trạng bệnh tiến triển xấu, thai phụ cần điều trị cấp cứu.
  • Tránh tiếp xúc với các chất có khả năng gây dị ứng kích thích như lông vật nuôi, phấn hoa, khói bụi, khói thuốc lá,
  • Tiêm phòng cúm.

Kiểm soát và điều trị hen phế quản ở bà bầu bằng cách ngăn chặn tình trạng thiếu hụt hoặc giảm oxy, giúp đảm bảo nguồn cung oxy để thai nhi được phát triển, thai phụ khỏe mạnh.

Hen phế quản không phải chống chỉ định của mang thai, người mẹ và thai nhi hoàn toàn có thể khỏe mạnh nếu:

  • Có kế hoạch mang thai và thông báo trước với bác sĩ để cùng xác định thời gian mang thai phù hợp tùy thuộc tình trạng bệnh ổn định.
  • Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về các nguy cơ trong quá trình mang thai, các biện pháp dự phòng cơn hen, quá trình nuôi con và dinh dưỡng hợp lý.
  • Tuân thủ điều trị, khám và theo dõi hen phế quản cũng như thai sản định kỳ, tuyệt đối không bỏ thuốc để tránh nguy hiểm không đáng có cho mẹ và thai nhi.
  • Khi triệu chứng nặng lên tại nhà, bên cạnh xử trí cắt cơn, cần đến viện ngay để được theo dõi sát và chăm sóc phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

433 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan