Dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phá thai

Nhiễm trùng sau khi phá thai được xem là biến chứng vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây viêm nhiễm cơ quan sinh sản, dẫn đến vô sinh mà còn đe dọa đến tính mạng. Tuy vậy, việc nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phá thai còn gặp nhiều khó khăn, bởi các dấu hiệu này còn có nhiều điểm tương đồng với các triệu chứng thông thường. Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phá thai qua bài viết dưới đây.

1. Sự nguy hiểm của việc phá thai

Phá thai bằng thuốc hay bằng phẫu thuật đều có những tác hại và biến chứng nguy hiểm đến cơ quan sinh dục, khả năng sinh sản và thậm chí là tính mạng của người phụ nữ, cụ thể như sau:

  • Phá thai bằng thuốc: Phương pháp này sử dụng thuốc uống hoặc ngậm với mục đích làm ngừng sự phát triển của thai nhi, đồng thời kích thích tử cung co bóp để đẩy thai ra ngoài. Việc phá thai bằng thuốc được áp dụng đối với những thai nhi từ 5 – 7 tuần tuổi. Trước khi tiến hành thủ thuật, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu, siêu âm... nhằm đánh giá tình trạng của thai nhi. Trường hợp tự ý phá thai bằng uống thuốc tại nhà sẽ không đảm bảo tình trạng sức khỏe của người bệnh và gây ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh sản về sau. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng đau và co thắt tử cung, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết và gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Hút thai còn sót: Tình này này xảy ra khi phôi thai còn sót lại trong tử cung của người bệnh sau khi hút thai, điều này cũng phản ánh việc hút thai không thành công. Hút thai còn sót sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của người phụ nữ như gây thiếu máu, viêm nhiễm phụ khoa, thủng tử cung, vô sinh – hiếm muộn, dị tật thai nhi.
Viêm nhiễm phụ khoa
Một số phụ nữ có thể gặp tình trạng nhiễm trùng sau hút thai

2. Dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phá thai

Một số dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phá thai bằng thuốc, phẫu thuật phá thai như sau:

2.1. Xuất huyết âm đạo bất thường

Chảy máu âm đạo sau khi phá thai là tình trạng thường gặp, lượng máu và thời gian ra máu phụ thuộc vào thể trạng của từng người. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh chỉ ra một lượng máu vừa phải như chu kỳ kinh nguyệt trong vài ngày đầu phá thai, sau đó lượng máu sẽ giảm dần. Thời gian ra máu sau khi phá thai thường kéo dài từ 7 – 15 ngày. Trường hợp nhiễm trùng sau khi phá thai, người bệnh sẽ thấy lượng máu ra rất nhiều hơn bình thường và thường có những đặc điểm sau:

  • Lượng máu ra tràn 2 miếng băng vệ sinh kích thước lớn trong 1 giờ, và tình trạng này kéo dài hơn 2 giờ;
  • Xuất huyết, xuất hiện các cục máu đông lớn, có thể gây băng huyết và cần được đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt;
  • Chảy máu âm đạo kéo dài liên tục trong khoảng 12 giờ, không có dấu hiệu thuyên giảm;
  • Dịch âm đạo có màu bất thường như trắng đục kèm mùi hôi.

2.2. Đau bụng dữ dội

Thông thường sau khi phá thai, người bệnh có thể gặp tình trạng đau bụng dưới kèm chảy máu âm đạo. Trường hợp phá thai bằng thuốc, cơn đau bụng kèm tình trạng xuất huyết sẽ xuất hiện sau khoảng 2 – 4 giờ sau khi uống thuốc. Trong đó, cơn đau sẽ dữ dội nhất tại thời điểm thai nhi bị đẩy ra khỏi tử cung và sau đó cơn đau sẽ giảm dần. Các cơn đau thường là đau quặn xảy ra từng đợt. Trường hợp phá thai bằng phẫu thuật, cơn đau thường là đau âm ỉ trong thời gian khoảng 1 tuần đầu sau phẫu thuật.

Các cơ đau bụng sau phá thai có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen... Nếu cơn đau không giảm mà còn tăng lên sau vài ngày, kết hợp với tình trạng chảy máu dữ dội hoặc các triệu chứng bất thường khác, người bệnh cần lưu ý đến tình trạng nhiễm trùng sau phá thai và nên đến các cơ sở y tế được thăm khám, điều trị hiệu quả.

2.3. Sốt cao và khó thở

Một trong những dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phá thai là sốt cao. Trong 1 tuần đầu sau khi phá thai, người bệnh cần kiểm tra thân nhiệt ít nhất 2 lần mỗi ngày. Ở thời điểm 2 ngày đầu sau phá thai, người bệnh có thể bị sốt nhẹ. Trường hợp sốt trên 38oC kết hợp với khô môi, lạnh run, lưỡi dơ, môi khô và sốt không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng sau khi phá thai. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác.

Xem ngay: Cẩn thận với sót nhau thai sau phá thai

2.4. Kinh nguyệt không đều

Một trong những dấu hiệu nhiễm trùng sau hút thai hoặc phá thai là kinh nguyệt không đều. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ hơi vón cục, máu màu đỏ tươi và mùi tanh. Đối với người bệnh sau khi phá thai có sự biến đổi về chu kỳ kinh nguyệt như lượng kinh nguyệt ra nhiều hơn, màu sắc chuyển thành màu đỏ sẫm tối và kinh nguyệt vón thành cục tanh nồng... là những dấu hiệu của nhiễm trùng sau phá thai.

2.5. Khí hư bất thường

Khí hư được xem là yếu tố phản ánh chính xác chức năng hoạt động của cơ quan sinh sản nữ giới. Sau khi phá thai, sự thay đổi khí hư là vấn đề mà người bệnh cần quan tâm. Trường hợp khí hư tiết nhiều, mùi tanh và màu sắc lạ có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng sau khi phá thai. Người bệnh cần kiểm tra xem có những viêm nhiễm bất thường khác để khắc phục kịp thời.

2.6. Viêm nhiễm phụ khoa

Do chịu tác động sau quá trình phá thai kết hợp với việc không vệ sinh vùng kín sạch sẽ dẫn tới sự phát triển của vi khuẩn, nấm tại vùng kín. Từ đó dẫn đến các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa với các triệu chứng như khí hư hôi, ngứa, cảm giác đau rát chảy máu khi quan hệ tình dục...

Viêm nhiễm phụ khoa
Viêm nhiễm phụ khoa là một trong các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phá thai

3. Cách tránh nhiễm trùng sau phá thai

Các triệu chứng và biến chứng sau phá thai đều gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Tuy vậy việc phá thai nếu được thực hiện ở những bệnh viện lớn và uy tín sẽ rất ít nguy cơ gặp phải tình trạng trên. Vì vậy, để tránh nhiễm trùng sau phá thai, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín và chất lượng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Trước khi phá thai cần thực hiện thăm khám và xét nghiệm các bệnh lây lan qua đường tình dục. Trong trường hợp mắc bệnh, người bệnh cần điều trị trước khi thực hiện phá thai để tránh trường hợp nhiễm trùng sau khi phá thai;
  • Dùng băng vệ sinh thay vì tampon sau khi phá thai để giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng;
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về các vấn đề sinh hoạt cá nhân như chế độ dinh dưỡng, quan hệ tình dục, vệ sinh cá nhân;
  • Sau khi phá thai, người bệnh không nên tắm nước lạnh, thay vào đó là lau người hoặc tắm bằng nước nóng bằng vòi hoa sen. Hạn chế tắm bồn vì làm tăng sự xâm nhập của vi khuẩn;
  • Người bệnh cần hạn chế quan hệ tình dục từ 4 – 8 tuần sau khi phá thai. Bởi việc quan hệ sớm sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào cơ quan sinh sản, gây nhiễm trùng;
  • Vệ sinh vùng kín cần thực hiện từ trước ra sau, không cho bất cứ thứ gì hoặc thụt rửa tay vào trong âm đạo, không dùng sản phẩm vệ sinh dễ gây kích ứng;
  • Không uống rượu, hút thuốc hoặc dùng các chất gây nghiện sau khi phá thai. Bởi những chất này gây ảnh hưởng đến sự hồi phục của cơ thể, giảm hiệu quả của thuốc và tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh hoặc thực phẩm, thức uống chứa caffeine;

Như vậy, tình trạng nhiễm trùng sau khi phá thai có thể dẫn đến những hậu quả và biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe. Do đó, nếu bạn có ý định chấm dứt thai kỳ do mang thai ngoài ý muốn hay bất kỳ một lý do nào đó, bạn cần hết sức lưu ý và tốt nhất vẫn nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để được thăm khám, chẩn đoán chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan