Hút buồng tử cung do rong kinh rong huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa Sản Phụ Khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Rong kinh rong huyết là vấn đề phụ khoa phổ biến, gây ra bởi nhiều nguyên nhân và cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Hút buồng tử cung là một trong những cách điều trị tình trạng này, giúp ngừng ra máu từ niêm mạc tử cung, tái lập chu kỳ kinh bình thường và nâng cao thể trạng.

1. Tổng quan về rong kinh rong huyết

1.1. Định nghĩa

Rong kinh - rong huyết là hai vấn đề thường gặp trong lâm sàng phụ khoa, có thể định nghĩa phân biệt như sau:

  • Rong kinh: Là hiện tượng có kinh đúng chu kỳ, tuy nhiên thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày. Lượng máu kinh có thể ít, trung bình hoặc nhiều;
  • Rong huyết: Là hiện tượng ra huyết không có chu kỳ, thường bị nhầm lẫn với kinh nguyệt không đều.

Tần suất mắc rong kinh - rong huyết chiếm khoảng 11 - 13% nữ giới, trong đó có 24% trường hợp là phụ nữ ở độ tuổi từ 36 - 40.

1.2. Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ gây rong kinh - rong huyết có thể là do nguyên nhân thực thể hay chức năng.

Nhóm nguyên nhân thực thể bao gồm:

  • Bất thường liên quan đến thai kỳ: Sảy thai, thai lưu, thai ngoài tử cung, hoặc bệnh nguyên bào nuôi;
  • Bệnh đường sinh dục: U xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung, hoặc tăng sinh nội mạc tử cung;
  • Sử dụng một số loại thuốc, như: Estrogen, aspirin, heparin, tamoxifen, hoặc dụng cụ tử cung;
  • Thể tạng mắc bệnh lý: Giảm tiểu cầu, các bệnh tự miễn, bệnh bạch cầu, bệnh gan, thận, hoặc tuyến giáp;
  • Chấn thương hoặc dị vật đường sinh dục.

Nhóm nguyên nhân chức năng thường được chia theo độ tuổi, cụ thể:

  • Tuổi dậy thì: Rối loạn phóng noãn;
  • Tuổi mãn kinh: Chu kỳ không phóng noãn;
  • Tuổi sinh sản và mãn kinh: Chủ yếu là do nguyên nhân thực thể.
rong-kinh-tuoi-day-thi-2
Hiện tượng rong kinh có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc hoặc các bệnh đường sinh dục

1.3. Tiên lượng

Nhìn chung, rong kinh rong huyết do nguyên nhân thực thể có tiên lượng tùy vào từng bệnh cảnh lành tính hay ác tính. Các trường hợp rong kinh rong huyết cơ năng thường có tiên lượng tốt, nhưng nếu kéo dài và không được điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ khiến bệnh nhân bị thiếu máu nhược sắc, cũng như suy nhược cơ thể.

2. Điều trị rong kinh rong huyết

Mục tiêu điều trị rong kinh rong huyết là:

  • Tìm ra và giải quyết nguyên nhân (nếu có);
  • Kiểm soát triệu chứng chảy máu từ niêm mạc tử cung;
  • Tái lập chu kỳ kinh nguyệt bình thường ở những bệnh nhân còn trong độ tuổi sinh sản;
  • Điều trị hỗ trợ nhằm nâng cao thể trạng.

Bác sĩ sẽ ưu tiên áp dụng biện pháp điều trị nội khoa bằng thuốc hormone để cầm máu đối với những bé gái tuổi dậy thì. Bên cạnh đó là tìm hiểu các bệnh về máu để loại trừ những nguyên nhân ác tính.

Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân xuất huyết tử cung bất thường. Đa phần là nguyên nhân thực thể liên quan đến thai kỳ hoặc bệnh lý ở tử cung. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc viên nội tiết tránh thai không đúng cách, gây rối loạn hormone cũng là một trong những nguyên nhân cần xem xét.

Đối với phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh, phương pháp điều trị tốt nhất là hút buồng tử cung và nạo niêm mạc để vừa cầm máu nhanh, vừa có kết quả giải phẫu bệnh lý (loại trừ ác tính), cũng như xác định rõ ràng tình trạng quá sản niêm mạc tử cung nhằm điều trị hormone tiếp theo.

3. Hút buồng tử cung do rong kinh rong huyết

3.1. Chỉ định và chống chỉ định

Hút buồng tử cung do rong kinh, rong huyết là một thủ thuật đưa ống hút vào buồng tử cung để hút tổ chức ra dưới áp lực âm. Thủ thuật này được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Rong huyết kéo dài đã xác định không có thai;
  • Ra máu ở giai đoạn mãn kinh;
  • Rong huyết do u xơ tử cung;
  • Rong kinh không rõ nguyên nhân.

Chống chỉ định đối với bệnh nhân bị thiếu máu nặng hoặc thể trạng người bệnh không đủ điều kiện để tiến hành thủ thuật.

3.2. Chuẩn bị

Trước khi hút buồng tử cung, bác sĩ sẽ tư vấn và làm rõ cho bệnh nhân những thông tin sau:

  • Tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải hút buồng tử cung;
  • Quá trình làm thủ thuật, bao gồm các bước thực hiện, cũng như tai biến có thể gặp trong và sau thủ thuật;
  • Chế độ theo dõi sau hút buồng tử cung.

Ở giai đoạn chuẩn bị, bệnh nhân cũng được khám toàn trạng để đội ngũ y tế nắm được chỉ số mạch, thân nhiệt và huyết áp.

Ekip thực hiện sẽ rửa tay, mặc áo, đeo khẩu trang và đi găng tay theo quy định. Trong khi đó, người bệnh nằm sẵn theo tư thế phụ khoa và sẽ được tiêm thuốc tiền mê tĩnh mạch để giảm đau.

3.3. Dụng cụ và vật tư

  • Bơm hút chân không 1 van bằng tay;
  • Thuốc co hồi tử cung như Misoprostol, Ergometrin, Oxytocin;
  • Thuốc tiêm tĩnh mạch giảm đau hoặc thuốc gây tê cổ tử cung;
  • Khăn vải vô khuẩn để trải ở mông, trên bụng và 2 đùi;
  • 2 đôi găng tay vô khuẩn;
  • Áo, mũ, và khẩu trang vô khuẩn;
  • Bộ dụng cụ, bao gồm: 2 kẹp sát trùng, 1 van âm đạo, 1 kẹp cổ tử cung, thước đo tử cung, ống hút (cỡ số 4,5), dung dịch sát khuẩn, bông hoặc gạc sát khuẩn.

3.4. Các bước thực hiện

Quy trình hút buồng tử cung sẽ được tiến hành theo các bước như sau:

  • Sát khuẩn vùng âm hộ và 2 bên đùi;
  • Trải khăn vải vô khuẩn;
  • Sát khuẩn lại vùng âm hộ và âm đạo;
  • Đặt van âm đạo, tiếp tục sát khuẩn âm đạo kèm theo cổ tử cung;
  • Kẹp cổ tử cung và đo buồng tử cung;
  • Hút buồng tử cung bằng bơm hoặc hút;
  • Đo lại buồng tử cung;
  • Lau, sát khuẩn lại âm đạo và cổ tử cung bằng 1 kẹp sát khuẩn mới;
  • Tháo bộ dụng cụ;
  • Gửi mẫu bệnh phẩm vừa hút ra đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh;
  • Trao đổi với người bệnh và thân nhân về kết quả thủ thuật;
  • Nhân viên y tế ghi chép hồ sơ lưu trữ;
  • Chỉ định điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc co tử cung sau thủ thuật.

4. Theo dõi tai biến và xử trí

Trong vòng 3 giờ sau khi hút buồng tử cung, bệnh nhân sẽ được toàn trạng các chỉ số về mạch, nhiệt độ và huyết áp, cũng mức độ ra máu âm đạo. Cách xử trí trong trường hợp có tai biến thường là:

  • Chảy máu: Xử lý loại trừ tổn thương tử cung, kết hợp dùng thuốc co tử cung (Oxytocin, Ergotamin hoặc Misoprostol) và kháng sinh;
  • Thủng tử cung: Mổ cấp cứu. Nếu người bệnh còn nguyện vọng mang thai thì êkíp sẽ hút sạch buồng tử cung và khâu lại chỗ thủng.

Đối với những bệnh nhân vừa mới hút buồng tử cung, nếu không có chống chỉ định thì bác sĩ thường cho sử dụng thuốc nội tiết tránh thai hàng ngày nhằm tạo lập lại chu kỳ kinh. Đây gọi là vòng kinh nhân tạo, xuất huyết do sự bong lớp nội mạc tử chứ không có hiện tượng rụng trứng. Lợi ích của việc dùng vỉ thuốc này ngay sau khi hút là giúp dự phòng nguy cơ dính buồng tử cung, tránh thai, cũng như tạo vòng kinh mới ổn định hơn.

Để dự phòng rong kinh rong huyết, chị em nên khám phụ khoa định kỳ hàng năm. Đặc biệt khi gặp hiện tượng ra máu bất thường từ đường sinh dục thì cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan