Khả năng sinh sản ở người bị u nang buồng trứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa rất phổ biến ở nữ giới. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ trong giai đoạn sinh sản, những tác động của u nang buồng trứng đối với khả năng thụ thai và thai kỳ sẽ khiến không ít chị em lo lắng.

1. U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng thường không gây ra các biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Đôi khi chỉ có cảm giác đau bụng dưới, đau lưng hoặc đau khi hành kinh. Không phải tất cả các u nang buồng trứng đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Phân loại u nang buồng trứng:

  • U cơ năng: Theo chu kỳ sinh lý của buồng trứng, mỗi tháng, tại một bên buồng trứng, một nang trứng sẽ được nuôi dưỡng và phát triển, giải phóng ra ngoài, đi theo vòi trứng vào trong lòng tử cung để có cơ hội được thụ tinh và làm tổ. Theo đó, khi trứng được giải phóng, nang trứng sẽ tự vỡ. Tuy nhiên, đôi khi nang trứng vẫn tiếp tục phát triển và chứa đầy chất lỏng, tạo thành một nang chức năng. Nang này sẽ tự mất đi sau một số chu kỳ kinh, không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • U nang buồng trứng thực thể: U bì, u nang nước, u nang nhày, u lạc nội mạc tử cung... phần lớn u nang này không gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, chỉ đơn giản là triệu chứng của những căn bệnh lớn hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Để chẩn đoán u nang buồng trứng, siêu âm là biện pháp đơn giản nhất. Ở một số ít bệnh nhân, khi siêu âm không cung cấp đủ thông tin, chụp cộng hưởng từ bụng – chậu (MRI) thường là bước tiếp theo.

2. U nang buồng trứng có sinh con được không?

Nhiều phụ nữ khi được chẩn đoán u nang buồng trứng thì lo lắng không biết u nang buồng trứng có sinh con được không? Tuy nhiên, ảnh hưởng của u nang buồng trứng đối với sức khỏe tổng quát nói chung và khả năng mang thai, thai kỳ của người phụ nữ nói riêng là phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể là bản chất của nang, kích thước và diễn tiến của u, tuổi tác và khả năng sinh sản cơ bản của người phụ nữ.

Nang buồng trứng chức năng
U nang buồng trứng

2.1 Một số u nang buồng trứng không ảnh hưởng đến khả năng mang thai và thai kỳ

  • U nang buồng trứng cơ năng

Một u nang buồng trứng chức năng là u nang đơn thuần phát triển trên bề mặt buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt không thụ thai hoặc u nang hoàng thể khi có thụ thai. Ban đầu, trứng được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một nang trứng. Sau khi trứng chín muồi và được giải phóng ra ngoài, túi chứa sẽ trở nên nhỏ lại và thoái hóa. Trong trường hợp ngược lại, túi không tiêu đi mà lại còn to lên do chứa các chất dịch sẽ tạo thành u nang buồng trứng.

Phần lớn các u nang này không cho thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng u nang buồng trứng nào. Chúng thường biến mất mà không cần điều trị sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, u nang chức năng cũng không gây vô sinh và sự mang thai vẫn thuận lợi như một thai nghén bình thường.

Tuy nhiên, nếu u nang vẫn diễn tiến lớn hơn, chúng có thể bị vỡ ra, chảy máu và xoắn buồng trứng. Tỷ lệ xoắn buồng trứng sẽ tăng gấp 5 đến 6 lần khi mang thai. Vì vậy, một u nang lớn nên được theo dõi và thăm khám cẩn thận.

  • U nang nước buồng trứng lành tính

U nang này có bản chất là một loại khối u lành tính. Chúng là hệ quả từ sự tăng trưởng của các tuyến trên bề mặt buồng trứng.

Nếu không phải là do có kích thước quá to cũng như khả năng gây ra biến chứng u nang buồng trứng, u nang nước không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

  • U bì buồng trứng

U bì buồng trứng chứa các loại mô khác nhau, bao gồm từ mô thần kinh, mô mỡ đến chứa cả tóc, răng, xương thay vì là chất lỏng như một u nang thông thường. U bì buồng trứng không gây vô sinh.

  • Nang xuất huyết

Một u nang xuất huyết vẫn có bản chất là một u nang chức năng có biến chứng chảy máu trong u. Nếu máu tự hấp thu mà không gây hậu quả gì nặng nề, không đòi hỏi cần có những can thiệp chuyên biệt, u nang xuất huyết sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khả năng thụ thai và mang thai.

Mang thai
Không phải tất cả u nang buồng trứng đều ảnh hưởng đến khả năng mang thai và thai kỳ

2.2 Các loại u nang buồng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và thai kỳ

Có hai loại u nang buồng trứng đã được quan sát là có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản là u lạc nội mạc tử cung và u nang buồng trứng do hội chứng buồng trứng đa nang. Những u nang này cần thiết phải điều trị vì chúng có thể cản trở khả năng mang thai và thai kỳ về sau.

  • U lạc nội mạc tử cung

U lạc nội mạc tử cung là một loại u nang có bản chất là mô nội mạc tử cung, phát triển bất thường trong buồng trứng. Nội mạc tử cung là màng nhầy lót lớp bên trong của thành tử cung, chịu sự tác động của hormone tạo thành chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì thế, u nang buồng trứng dạng nội mạc tử cung thường gây đau mãn tính ở vùng xương chậu. Chúng liên tục thay đổi kích thước tùy vào chu kỳ kinh nguyệt và bên trong chứa đầy máu sẫm màu, màu nâu đỏ.

Các u lạc nội mạc tử cung khi tiến triển có kích thước lớn sẽ gây ảnh hưởng khả năng sinh sản. Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến tắc ống dẫn trứng gây vô sinh.

Hơn thế nữa, u lạc nội mạc tử cung có thể làm xáo trộn chức năng sinh lý của một buồng trứng bình thường, ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Một số trường hợp còn có chỉ định cắt bỏ buồng trứng do u, khiến phụ nữ có nguy cơ vô sinh.

  • Hội chứng buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang (PCOS) là một hội chứng gây ra do rối loạn cân bằng Hormone. Hiếm muộn là triệu chứng thường gặp nhất khiến phụ nữ PCOS đến khám và tư vấn bác sĩ. Nguyên nhân chính gây hiếm muộn ở phụ nữ PCOS là rối loạn phóng noãn dẫn đến giảm khả năng sinh sản.

Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa năng

3. Nguy cơ của thai kỳ khi có u nang buồng trứng

Trong khi hầu hết các u nang buồng trứng là không có biểu hiện gì, một số u nang buồng trứng hình thành trong thai kỳ hay diễn tiến trong giai đoạn mang thai vẫn có thể gây ra một số triệu chứng như đau bụng, bụng to nhanh hơn tuổi thai hoặc áp lực ổ bụng cao bất thường kèm theo đầy hơi, chậm tiêu, ăn kém.

Vì tốc độ phát triển của thai nhi rất nhanh, nhất là trong tam cá nguyệt thứ hai, u nang buồng trứng, nhất là các u có khuynh hướng diễn tiến tăng kích thước trong thai kỳ, khó có thể không gây tác động gì đến thai. Các ảnh hưởng của u nang buồng trứng lên thai đã được ghi nhận là gây sảy thai, sinh non.

Ngược lại, thai kỳ cũng có thể có ảnh hưởng lên u nang buồng trứng, gây ra biến chứng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, kể cả sau sinh. Đặc biệt là trong những ngày đầu sau sinh, tình trạng thành bụng mềm nhão, ổ bụng rỗng nên rất dễ dẫn đến biến chứng xoắn u.

Chính vì thế, nếu đánh giá thấy u nang buồng trứng, dù là u chức năng nhưng có khuynh hướng diễn tiến trong thai kỳ và nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, mặc dù chưa gây triệu chứng gì, vẫn nên được cân nhắc chủ động can thiệp theo chương trình, đảm bảo một thai kỳ và chuyển dạ an toàn cho mẹ và con.

Tóm lại, u nang buồng trứng có mang thai được không, có sinh con được không... là nỗi băn khoăn của khá nhiều phụ nữ. Tuy có bản chất lành tính và tần suất khá phổ biến, các chị em vẫn nên thăm khám và theo dõi đúng chuyên khoa, nhất là khi có kế hoạch mang thai và sinh con, chủ động can thiệp khi có chỉ định nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản cho chính mình và sự phát triển của thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

79K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan