Lỡ uống thuốc khi mang thai 3 tuần có sao không?

Sử dụng thuốc trong khi mang thai luôn là một vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Một số loại thuốc uống khi mang thai có thể gây ra nhiều tác động bất lợi cho cả mẹ và thai nhi. Vậy lỡ uống thuốc khi mang thai 3 tuần có sao không?

1. Lỡ uống thuốc khi mang thai 3 tuần có sao không?

Nhiều chị em phụ nữ không biết mình đang mang thai và lỡ sử dụng một số loại thuốc để điều trị bệnh. Sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai cần phải hết sức thận trọng và có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi lẽ nhiều loại thuốc có thể vượt qua được hàng rào nhau thai và tác động trực tiếp đến thai nhi. Nếu sử dụng một số thuốc trong 3 tháng đầu rất có thể gây dị tật cho thai nhi dẫn đến quái thai. Đặc biệt trong giai đoạn những đầu tiên thì khả năng ảnh hưởng sẽ còn cao hơn. Tuy nhiên không phải thuốc nào cũng có thể gây tác động xấu cho thai nhi. Do đó, nếu mẹ đã lỡ uống thuốc khi mang thai thì nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

2. Một số lưu ý về việc dùng thuốc trong thời kỳ mang thai

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ không nên sử dụng thuốc, trừ khi thật sự cần thiết và có sự chỉ định của bác sĩ. Trong những giai đoạn sau, mẹ cũng cần hạn chế tối đa việc dùng thuốc. Nếu chẳng may bị bệnh thì nên chọn các phương pháp điều trị không dùng thuốc, ví dụ khi bị đau đầu nên xoa bóp, thư giãn; sử dụng các loại thảo dược lành tính để điều trị bệnh; sử dụng một số loại thuốc dùng ngoài để hạn chế hấp thu toàn thân,.... Nếu bệnh nhân bị táo bón thì nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau, quả trước khi dùng thuốc nhuận tràng. Nên nhớ, mặc dù có những thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai nhưng hạn chế dùng vẫn tốt hơn. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc thì cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Vì bác sĩ sẽ cân nhắc mức ảnh hưởng của thuốc đến bào thai cũng như đưa ra liều lượng thấp nhất trong thời gian ngắn để hạn chế tối đa tác hại của thuốc đối với thai nhi.

3. Các loại thuốc gây hại cho thai nhi và không nên sử dụng khi mang thai

3.1 Nhóm tetracyclin

Các thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin (tetracyclin, doxycyclin, minocyclin...) thường được dùng để trị các bệnh đi ngoài do bị tả, kiết lỵ, nhiễm E.coli. Các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa khác cũng rất nhạy cảm với kháng sinh này. Đây cũng là một kháng sinh phổ biến và giá thành tương đối thấp. Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng, nếu người mẹ mang thai vào tháng thứ 7 trở đi mà dùng kháng sinh nhóm tetracyclin thì đứa trẻ sinh ra sẽ bị hỏng men răng, vàng xám hoặc hoen ố men răng. Đó là vì các kháng sinh tetracyclin kết hợp chặt chẽ với canxi và tạo một phức hợp vô cùng bền vững.

3.2 Nhóm aminoglycosid

Kháng sinh nhóm aminoglycosid như gentamicin, amikacin, neomycin, streptomycin, tobramycin... thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng tai – mũi – họng, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng tiết niệu,.... Đặc biệt, thuốc cũng hay được lựa chọn trong điều trị bệnh viêm phổi. Thuốc aminoglycosid còn được bào chế dưới dạng các thuốc nhỏ mắt như tobra, tobrex...Đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thì không được dùng các thuốc này. Nguyên nhân là do thuốc có thể gây tổn thương thận và độc cho tai trong của em bé (có thể gây điếc không hồi phục).

3.3 Nhóm quinolon

Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng với các hoạt chất thường gặp như ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, pefloxacin...Thuốc có hiệu quả cao với nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn. Nhưng các kháng sinh này lại có nguy cơ gây rối loạn sự phát triển xương khớp ở trẻ em. Nếu mẹ dùng kháng sinh quinolon trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú thì trẻ có thể hấp thu kháng sinh một cách thụ động và dẫn tới hệ quả là xương và sụn của trẻ không phát triển được, thậm chí còn gây ra đứt gân gót chân. Thuốc này cũng không nên sử dụng ở trẻ em dưới 18 tuổi, vì những hậu quả trên xương sụn.

3.4 Biseptol gây thiếu máu nặng

Biseptol là kháng sinh đường ruột có phổ rộng. Thuốc có tác dụng với trường hợp bị nhiễm khuẩn tiêu hóa và người bệnh có dấu hiệu tiêu chảy nặng, bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm E.coli...Tuy nhiên, đây là thuốc không được dùng trong thai kỳ. Vì cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế có cạnh tranh với axit folic nhằm làm rối loạn chuyển hóa của vi khuẩn, do đó thuốc sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp acid folic, một dưỡng chất cần thiết trong thai kỳ. Dùng Biseptol trong thời kỳ mang thai sẽ khiến mẹ sẽ bị thiếu máu nặng và thai nhi thiếu dinh dưỡng để phát triển.

3.5 Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp

Các thuốc điều trị tăng huyết áp như ức chế men chuyển dạng angiotensin, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II có nguy cơ gây quái thai và không được dùng ở phụ nữ mang thai. Thuốc lợi tiểu như furosemid, lợi tiểu nhóm thiazid cũng cần được hạn chế vì có thể làm thải trừ nước quá nhanh và huyết áp giảm đột ngột dẫn tới giảm tưới máu tử cung cho thai, nếu dùng kéo dài có thể dẫn đến thai chết lưu.

3.6 Thuốc chống động kinh

Axit valproic là thuốc chống động kinh có khả năng gây quái thai cao. Thuốc có thể dẫn đến dị tật, đặc biệt là ở tim, khung xương, hệ tiêu hóa hoặc hệ thần kinh. Các thuốc chống động kinh khác như carbamazepine, phenobarbital, topiramate cũng có khả năng gây ra nguy cơ dị tật. Do đó, với những bệnh nhân mong muốn mang thai có thể nói với bác sĩ để đánh giá lại phương pháp điều trị chống động kinh hiện tại.

3.7 Thuốc giảm đau

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ được khuyến cáo không nên dùng thuốc chống viêm không steroid, ví dụ như ibuprofen, ketoprofen để giảm đau. Nguyên nhân là do các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ ở người mẹ và thai nhi. Nguy cơ tồn tại ngay cả khi dùng một liều duy nhất và ngay cả khi thai đủ tháng.

Codein thường được sử dụng để giảm đau vừa đến nặng và chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết và được tư vấn y tế đầy đủ. Nếu người mẹ được điều trị thường xuyên với codein, ngay cả với liều lượng thấp cũng có thể xuất hiện hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ dùng codein liều cao ngay trước khi sinh, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị suy hô hấp.

3.8 Một số thuốc khác

Phụ nữ mang thai cũng không được sử dụng thuốc chống đông máu (warfarin), thuốc chống ung thư (thuốc gây độc tế bào), dẫn xuất vitamin A liều cao dùng chữa bệnh vẩy nến và các bệnh ngoài da khác.

Tuy nhiên, không phải thuốc nào cũng gây hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Một số thuốc có lợi và nên dùng cho phụ nữ mang thai là vitamin hỗn hợp (obimin, sắt, acid folic). Tuy nhiên, khi dùng cần chú ý tới hàm lượng vitamin A trong chế phẩm, vì dùng thừa vitamin A sẽ gây hại cho thai nhi.

Tóm lại, để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân cũng như em bé, trước khi quyết định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ, mẹ bầu nên xin ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa để tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan